Chữ tình mang tên 'đồng đội' của các nữ lái xe Trường Sơn

Can trường trong bom rơi đạn nổ, những người con gái thuộc Trung đội nữ lái xe Trường Sơn duy nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc lại trở về với đời thường. Hiện người còn, người mất, mỗi người mỗi phận với những niềm vui, nỗi buồn, những ưu tư, trăn trở nhưng điều đọng lại mà chúng tôi cảm nhận được sau mỗi lần gặp, đó là cách sống đậm nghĩa tình rất đỗi mộc mạc và thấm đẫm yêu thương.

LTS: Trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, cùng với những chàng trai ra chiến trường còn có những cô gái chung một trận tuyến. Họ là những thanh niên xung phong, dân công, bộ đội… Nhiều người trong số họ đã không tiếc máu xương, dành tuổi xuân của mình trên những cung đường bom cày, đạn xới để từng đoàn xe băng ra trận tuyến, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019), PNVN đã gặp những nhân chứng lịch sử để nghe kể về một thời “xẻ dọc Trường Sơn”.

Dù không có con nhưng cô Kim Dung sống hạnh phúc với chồng và con riêng của chồng. Các con của chồng đều coi cô như mẹ ruột

Không sợ bom đạn mà sợ... ma

Người đầu tiên tôi được gặp là cô Vũ Thị Kim Dung, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đội nữ lái xe Trường Sơn. Cô Dung là một trong những người theo đuổi nghề và “cầm lái” đến khi có quyết định nghỉ hưu. Trong căn nhà hướng ra bờ đê sông Đuống lộng gió thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, cô kể cho tôi nghe chuyện nghề, chuyện đời và chuyện về những năm tháng nơi chiến trường khốc liệt. Giấu nước mắt vào trong, cô kể, đời cô là những trang buồn: Cô mất bố khi mới 1 tuổi, đến khi lên 5 thì mẹ đi lấy chồng. Như bao chàng trai, cô gái “tuổi thanh niên sôi nổi” thuở ấy, 16 tuổi (1965), cô giấu mẹ làm đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong (TNXP). Hoàn thành 3 năm nghĩa vụ ở sân bay Yên Bái, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cô lại lên đường vào tuyến lửa phía tây Quảng Bình.

Lúc này, chiến sự đang diễn ra vô cùng ác liệt, nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam trở nên cấp bách. Lái xe nam không đủ, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ TNXP, lập đội lái xe vận tải tuyến hậu phương để hỗ trợ các khu vực cửa khẩu. Lại một lần nữa, cô xung phong đi học lái xe, thử sức ở lĩnh vực tưởng chừng chỉ dành cho nam giới thời đó.

Sau 45 ngày luyện cấp tốc, cô đã được tuyển chọn. tại Hương Khê (Hà Tĩnh), Trung đội nữ lái xe mang tên anh hùng Nguyễn Thị Hạnh được thành lập. Tại đây, cô được giao làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 thực thi nhiệm vụ vừa chuyên chở thực phẩm, súng ống, đạn dược, chở bộ đội vào chiến trường, chở thương binh từ Vĩnh Linh (Quảng Trị) ra.

Dưới mưa bom bão đạn, giữa lằn ranh sinh tử, những cô gái gầy nhom, nhỏ thó ngày ấy mỗi ngày thêm dày dạn, bản lĩnh, vượt qua mọi thử thách, hiểm nguy khiến cánh mày râu cũng phải nể phục. Một mình một xe hoặc hai người một xe, không có nam, các cô phải vừa tự sửa xe vừa kiêm luôn thợ điện, thợ máy. Những khi qua ngầm nhiều đá hộc, xe cứ nhảy chồm chồm, gãy cả nhíp, nổ lốp, các cô lại tự lắp nhíp, bơm lốp bằng tay.

Trên trời máy bay địch quần thảo, dưới đất là bom bi, bom hẹn giờ nhưng các cô lại không hề nao núng mà có một nỗi sợ vô hình, mang tên con gái. Đó là sợ... ma. Cô Dung bồi hồi kể: Có những đêm đang đi thì bị hỏng đèn, phải dừng xe giữa đường. Trong đêm tối mông lung, u tịch, thú dữ rình rập, nhất là lợn rừng thường băng qua đường, lao tới nhưng cũng không làm các cô sợ bằng những âm thanh lạ, những tiếng hú giữa rừng sâu vọng đến.

Khổ nhất là phải hút xăng. Mỗi lần giấu xe, ngụy trang xe lại phải hút xăng. Xăng quý hiếm khiến các cô phải hút xăng bằng miệng đổ ra thùng, rồi lại từ thùng đổ vào xe. Có những khi xăng ộc vào miệng, phải nuốt cả xăng vào bụng. Chính vì lẽ đó mà đến nay, nhiều cô đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề do chất độc chì trong xăng để lại. 9 người thuộc Trung đội, trong đó có Trung đội trưởng Phùng Thị Viên đã mất, hầu hết là do ung thư. Bản thân cô Vũ Thị Kim Dung lấy chồng nhưng cũng không có con.

Sau 3 năm phục vụ ở chiến trường ác liệt, cô Vũ Thị Kim Dung cùng đồng đội được điều động về Trường đào tạo lái xe D255, thuộc Cục quản lý xe máy, Tổng cục Kỹ thuật (nay là Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật ô tô). 40 cô gái lái xe thuộc Trung đội lái xe Nguyễn Thị Hạnh trở thành giáo viên, đào tạo 2 khóa với 300 lái xe nữ phục vụ tại các kho xe thay nam giới đi chiến trường. Tại đây, Đại đội nữ lái xe C13 được thành lập với nòng cốt là trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh và 300 học viên lái xe nữ.

Những chiếc xe vận tải mà các cô gái Trường Sơn khi đó lái chủ yếu là Zin130,Gaz 51, Gaz 69... Ảnh tư liệu

Riêng cô Vũ Thị Kim Dung sau 2 khóa đào tạo tại D255, đến tháng 12/1974, cô chuyển sang làm công việc sát hạch lái xe cho các đơn vị nam, sau đó về Kho J112, Cục xe máy, Tổng cục Kỹ thuật làm lái xe con cho Chủ nhiệm Kho. Khi xây dựng gia đình ở tuổi 40, cô không lái xe con nữa mà chuyển sang tiểu đội lái xe cứu hỏa đến khi về nghỉ hưu.

Lấy tình đồng đội làm lẽ sống

Sau 2 khóa đào tạo cho 300 nữ lái xe tại Trường đào tạo lái xe D255, các cô gái lái xe Trường Sơn mỗi người mỗi ngả. Người trở về địa phương, người chuyển sang các ng ành nghề khác, đơn vị khác. Nhiều người gặp khó khăn trong cuộc sống, lận đận trong đường tình duyên, cuộc sống hôn nhân. Người làm vợ nhưng không được làm mẹ, người làm mẹ nhưng không được làm vợ, người ở một mình. Người có lương hưu, người không.

Cô Nguyễn Thị Kim Quy (72 tuổi) hiện ở phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết, trong Trung đội có nhiều cô ở Hưng Yên, còn lại là ở các tỉnh/thành phố như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nội... Có 2 cô vào Đồng Nai lập nghiệp. Nhiều cô làm ruộng, thuần nông, gặp rất nhiều khó khăn do không có lương hưu.

Dù đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, hầu hết đã ngoài 70, dù ốm đau bệnh tật, dù kinh tế khó khăn, dù đường sá xa xôi, cách trở, cứ vào dịp 22/12, các cô vẫn gắng về thủ đô Hà Nội dự đầy đủ, bởi với các cô, những năm tháng ở Trường Sơn mãi là niềm tự hào, vẫn hiển hiện và vẹn nguyên trong ký ức. Nhưng trên tất thảy vẫn là chữ tình. Chữ tình ấy mang tên “đồng đội” và chữ tình ấy chỉ những người trong cuộc mới cảm nhận và thấu hiểu hết được.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/chu-tinh-mang-ten-dong-doi-cua-cac-nu-lai-xe-truong-son-post59268.html