Chữ 'tình' trên sân khấu kịch thành phố

TP Hồ Chí Minh có hơn 10 sân khấu kịch sáng đèn thường xuyên. Mỗi sân khấu đều có phong cách và khán giả riêng của mình. Nhưng dù ở sân khấu nào, vở kịch mang đề tài gì, chữ tình luôn ẩn chứa trong mỗi tác phẩm và được các đạo diễn khai thác dưới nhiều góc độ khác nhau, tạo nên mầu sắc riêng cho sân khấu kịch thành phố.

Một cảnh trong vở "Châu về Hợp Phố" của sân khấu kịch Hồng Vân.

Đề tài cách mạng không phải là thế mạnh của sân khấu kịch Hồng Vân vốn xưa nay chiếm ưu thế với những vở kịch hài, hay mang yếu tố kinh dị. Chính vì thế, khi vở “Châu về Hợp Phố” (kịch bản Trần Văn Hưng, đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc) đề cập nội dung cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ra mắt trên sân khấu này đã gây sự chú ý đối với đông đảo khán giả. Đó là câu chuyện về số phận của những cô cậu học sinh, sinh viên thành phố trong những ngày xã hội rối ren khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh và quân dân ta ráo riết chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Thời điểm giữa sự sống và cái chết mong manh đó, tình người, tình quân dân đã được đạo diễn khắc họa đậm nét. Những bà mẹ, người chị, người em miền nam không màng đến hiểm nguy mà cứ âm thầm, bền bỉ nuôi giấu cán bộ, đưa tin cho cách mạng, sẵn sàng hy sinh cho thắng lợi chung của cả dân tộc. Những câu chuyện thực tế, gần gũi trong giai đoạn ác liệt đó đã được khắc họa trên sân khấu một cách chân thật, dung dị. Khán giả dễ dàng thấu cảm trước cái tình của người Nam Bộ dành cho đồng bào, dành cho cách mạng để qua đó thấy được sự lớn lao, vĩ đại của từng con người nhỏ bé nhưng đã góp công lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

Vẫn là cái tình giữa người với người, nhưng không hẹn mà gặp, những vở diễn gần đây trên các sân khấu thành phố đều mang đến cho khán giả vẻ đẹp của một thành phố nghĩa tình. “Sài Gòn có một ngã tư” là vở kịch cảm tác từ truyện ngắn “Ừ đi!...Ừ!” của nhà văn Trần Kim Trắc (kịch bản Nguyễn Thị Minh Ngọc- Hoàng Thái Thanh; đạo diễn Thành Hội) trên sân khấu Hoàng Thái Thanh là cái tình của những người tứ xứ dành cho nhau vì mưu sinh mà họ đã trôi dạt đến ngã tư quốc tế. Những cái tên mộc mạc gắn liền với công việc như Thanh hốt rác, Nhành đấm bóp giác hơi, Tám Nở bán cà-phê, Sáu mù đờn dạo… đã nói lên thân phận của những con người lao động ở chốn thị thành. Dù cuộc sống khó khăn, mỗi ngày đều phải lao động vất vả, nhọc nhằn nhưng mỗi công dân ở ngã tư quốc tế vẫn giữ được tình người cao đẹp, không bị những cám dỗ đời thường làm cho vấy bẩn. Tình người cao đẹp ấy luôn lan tỏa để con người biết yêu thương nhau hơn, bỏ qua những lỗi lầm, hướng đến những điều tốt đẹp. Cùng khai thác về cuộc sống của những người lao động ở thành phố, nhưng “Những giấc mơ lóng lánh”, “Trời trao của lạ” của Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B còn đan xen vào đó tình yêu của người dân Nam Bộ dành cho nghệ thuật, cho sân khấu. Đó là quyết tâm làm sống lại một rạp hát đã từng là niềm tự hào của người dân thành phố, là tình yêu của người trẻ với cải lương khi dám vượt qua những trở ngại để theo đuổi đam mê của mình.

Theo đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, Phó Chủ tịch Hội sân khấu TP Hồ Chí Minh, những vở diễn nào có nhiều chất liệu đời sống, khắc họa đậm nét chữ tình thì dễ tạo được sự đón nhận của khán giả. Điều đó dễ dàng nhận ra ở những tác phẩm xưa của tác giả Hà Triều - Hoa Phượng, Trần Hữu Trang, Ngọc Linh… khi khán giả dễ dàng đồng cảm với vở diễn vì đã nhìn thấy mình trong mỗi lời nói, mỗi suy tư, mỗi hành động của từng nhân vật. Làng kịch thành phố vừa qua có thêm một mất mát khi NSƯT Thanh Hoàng về cõi vĩnh hằng. Anh chính là tác giả kịch bản của vở diễn “Dạ cổ hoài lang” ăn khách nhất Việt Nam. Đây chính là tác phẩm khắc họa rõ nhất chữ tình trên sân khấu dù chỉ qua những lời tâm sự của hai ông già Việt Nam đang cô đơn nơi xứ người. Những lời thoại, câu nói tưởng chừng như bình thường, gần gũi của hai ông già Nam Bộ nhưng đầy sức nặng, như lưỡi dao cứa vào lòng khán giả khi hoài niệm về cố hương. Tình yêu quê hương sâu đậm ấy đã thật sự đánh thức biết bao trái tim của những người con đang lưu lạc xứ người cùng hướng về nơi đất mẹ.

Cái tình của người Nam Bộ trong các vở diễn ấy đã mang lại cho sân khấu kịch thành phố một nét riêng độc đáo. Tuy nhiên, nếu tác giả vẫn loay hoay với "cái bóng" của mình, không mang được hơi thở cuộc sống hôm nay vào tác phẩm, cũng như sáng tạo thêm nhiều cái mới thì chữ tình kia cũng dễ dàng bị lặp lại và dẫn đến nhàm chán.

Bài, ảnh: LINH NGUYỄN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37198902-chu-tinh-tren-san-khau-kich-thanh-pho.html