Chữ Tôi gần với chữ Tồi một ly!

Nói một cách hình ảnh về Chữ 'TÔI' nếu ta bỏ dấu mũ thành thành chữ 'TOI', thêm dấu sắc thì thành chữ 'TỐI', thêm dấu huyền thì thành chữ 'TỒI', thêm chữ dấu nặng thì thành chữ 'TỘI'…

Từ đó người ta đi đến khẳng định: Không biết mình là ai thì TOI. Không học hỏi người khác thì TỐI. Không giúp người hoạn nạn thì TỒI. Không làm điều tốt lành thì tù TỘI…Nghe xong cũng thấy thật chí lý.

Sinh thời Đức Phật giảng pháp: “Thế giới này vốn không thuộc về bạn, vì thế bạn không cần vứt bỏ, cái cần vứt bỏ chính là tánh cố chấp. Vạn vật đều cung ứng cho ta, nhưng không thuộc về ta”.

Còn Blaise Pascal (1623-1662) giải thích “ Cái Tôi đáng ghét”: Do tự ái và do tưởng tượng, con người tự xem mình như là “cái rốn của vũ trụ”. Như vậy, người đó sẽ ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi của chính mình và muốn người khác làm nô lệ cho mình, mỗi người là kẻ thù và muốn là bạo chúa của tất cả người. Tự ái khiến con người ra vẻ như sống chứ không thực hiện hữu, mơ mộng về cuộc đời hơn là thực sống. Cuộc đời chỉ là một ảo tưởng liên tục, người ta chỉ lừa dối nhau và tâng bốc nhau.

Chữ "Tôi" như trái quả trong rọ càng lớn nhanh càng nhanh mặc kẹt

Trong khi “cái Tôi đáng ghét” là do tự ái và tưởng tượng, “Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình” từ 14 lời dạy của Đức Phật là do chấp vào cái Ta, còn gọi là chấp Ngã. Vì tin rằng cái Ta có thật nên phân chia Ta với người: Nghĩ cái Ta có thật nên ai đụng chạm đến Ta thì tự ái nổi lên, Sân phát khởi. Nghĩ cái Ta có thật nên muốn vun bồi cho mình và gia đình mình, từ đó lòng Tham nổi lên. Thường người ta hay nói Tham – Sân – Si. Tuy nhiên ta nên nói Si – Tham - Sân. Thật vậy, từ việc Chấp cái Ta có thật (Si) nên mới sinh ra Tham và Sân và sự chấp ngã này được xem như kẻ thù của chính mình. Để giải quyết được sự chấp Ngã này, chúng ta phải hiểu Đạo Phật quan niệm thế nào về cái Ta cũng như về lý Vô Ngã.

Bản ngã của mỗi người thường thể hiện ở những việc rất nhỏ. Như quan điểm cá nhân về một ý kiến nào đó, không thừa nhận lỗi lầm của bản thân khi mình mắc lỗi. Chính sự cố chấp ấy khiến ta phiền não và đau khổ bởi chính “sự chấp trước của ngày hôm nay sẽ là niềm hối hận cho ngày mai”.

Chữ Tôi suy cho cùng là sự phóng đại bản thân một cách mù quáng, ảo ảnh, ngộ nhận đánh giá quá cao về khả năng của mình một cách chủ quan

Tác giả Nguyễn Linh Chi góp thêm lời bàn về chữ “Tôi” thì cho rằng: Đứng trước một sự lựa chọn hay tranh luận với ai đó, điều đầu tiên mà mỗi người luôn nghĩ tới ấy chính là lợi ích của bản thân. Không ai muốn mình là người bị thiệt trong bất cứ trường hợp nào. Đầu tiên chúng ta trao đổi, sau đó là tranh luận và khi không thể giải quyết trong sự ôn hòa thì sẽ nghĩ tới việc cãi nhau. Nặng hơn nữa, còn có những người lao vào đánh nhau chỉ để bảo vệ ý kiến của bản thân mình.

Quả thật, chữ TÔI chi phối trong cuộc đời nên ý thức sâu sắc được mọi sự trên thế gian. Chúng ta muốn chuyển biến nó theo chiều sáng suốt thì tạo điều kiện cho nó sáng suốt, muốn chuyển biến theo chiều tối tăm thì tạo điều kiện cho nó tốt tăm. Có vậy mới là tu được. Bởi tu là chuyển từ chấp ngã thành vô ngã, tâm thức từ xấu thành tốt, từ dở thành hay, từ trầm luân thành giải thoát. Khi loại bỏ được cái TÔI, phá được chấp ngã thì mọi bất công sẽ hết, mọi đau khổ không còn. Đó là lúc chúng ta biết ứng dụng đạo Phật trong cuộc đời, đem lại một sức mạnh tích cực, chuyển biến đời mình và chuyển biến mọi vật xung quanh.

Quyết Tuấn (Tổng hợp)

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/chu-toi-gan-voi-chu-toi-mot-ly-49868.htm