Chú trọng bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào rộng lớn, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với vai trò, nhiệm vụ của mình, các sở, ban, ngành đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để cùng các địa phương hoàn thành các tiêu chí liên quan.

Người dân tham gia làm vệ sinh, giữ cho môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp - Ảnh: T.L

Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), theo đánh giá của nhiều địa phương, tiêu chí 17 môi trường là tiêu chí khó thực hiện và khó giữ vững nhất nếu không có sự chung tay của cả cộng đồng. Để đạt tiêu chí về môi trường phải hoàn thành 5 nội dung gồm: Tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 75%; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Để thực hiện tiêu chí môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền; phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong đó chú trọng các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nông thôn cho các hội viên, đoàn viên. Đồng thời đề xuất xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường khu vực nông thôn.

Cùng với đó, công tác rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh khu vực nông thôn thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường được quan tâm thực hiện tốt. Ngành đã thường xuyên có văn bản hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các biện pháp, báo cáo về công tác bảo vệ môi trường. Thẩm định, báo cáo, đánh giá tác động môi trường, thực hiện xây dựng công trình, biện pháp bảo vệ môi trường để lập hồ sơ xác nhận, báo cáo giám sát môi trường định kỳ… Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành đã tiếp nhận, thẩm định 31 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 1 kế hoạch bảo vệ môi trường và 1 hồ sơ xác nhận hoàn thành cải tạo phục hồi môi trường. Cùng với đó, các hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh để hướng dẫn, nhắc nhở, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường được tăng cường thực hiện. Trong năm, đã tổ chức thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại 3 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Công tác quản lý chất thải đã được ngành chú trọng thực hiện thông qua việc hướng dẫn công tác phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn ở khu vực nông thôn. Đến nay đã có 10/10 huyện, thị xã, thành phố có đơn vị thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; có 74/101 xã đã tổ chức thu gom chất thải rắn. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện giám sát quan trắc mạng lưới tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó có các vùng nông thôn. Xác nhận kết nối thành công dữ liệu hệ thống quan trắc tự động nước thải và kiểm tra, kết nối dữ liệu hệ thống quan trắc tự động nước thải các cơ sở sản xuất.

Để bảo vệ môi trường tại các vùng nông thôn, đã có nhiều mô hình được triển khai thời gian qua. Tiêu biểu như các mô hình thí điểm thu gom, xử lý chất thải rắn cho cụm xã, hiện đang triển khai xây dựng mô hình thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại cụm xã: Tà Rụt, Húc Nghì, A Ngo, A Vao (huyện Đakrông), dự kiến công trình sẽ đưa vào vận hành trong năm 2021. Ngành đang lập, trình thẩm định chủ trương đầu tư dự án xây dựng lò đốt chất thải rắn sinh hoạt khu vực Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và vùng lân cận để xử lý rác cho các xã vùng Tây Gio Linh. Thực hiện thí điểm mô hình phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn khu vực nông thôn. Với sự nỗ lực của ngành cùng với quyết tâm của các địa phương, việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 86/101 xã đạt chỉ tiêu về cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường, tăng 2 xã so với năm 2020, chiếm tỉ lệ 85,15%; 87/101 xã đạt chỉ tiêu cảnh quan, môi trường được đánh giá xanh - sạch - đẹp, an toàn, tăng 1 xã so với năm 2020, chiếm 86,14%; 72/101 xã đạt chỉ tiêu về chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định, tăng 2 xã so với năm 2020, chiếm 71,29%.

Nhờ thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM mà ở nhiều vùng nông thôn hiện nay đã xuất hiện nhiều tuyến đường hoa, đường cây xanh, đường kiểu mẫu, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, việc tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phát triển phong trào quần chúng bảo vệ môi trường sẽ được Sở Tài nguyên và Môi trường quan tâm thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, sở sẽ phối hợp với các đoàn thể, đơn vị, địa phương tập huấn, tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong khu dân cư, khuyến khích các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ môi trường, các mô hình tự quản về môi trường của cộng đồng dân cư. Xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn theo mô hình cụm xã. Phát triển các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường, khen thưởng các điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường…Việc kiểm tra, rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường; việc xử lý ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh thực hiện.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=159215&title=chu-trong-bao-ve-moi-truong-trong-xay-dung-nong-thon-moi