Chú trọng các biện pháp "truyền thống"

Dịch cúm A (H1N1) ở nước ta đang diễn biến phức tạp, chuyển sang giai đoạn lây nhiễm nhanh ra cộng đồng. Ngành quân y chỉ đạo sát sao các đơn vị toàn quân chủ động phòng ngừa, giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, quyết liệt khoanh vùng, dập dịch. Tuy nhiên, cũng còn một số đơn vị có biểu hiện chủ quan, lơ là...

Đối với việc phòng, chống xâm nhập của dịch bệnh, nhất là các loại dịch có cơ chế lây lan nhanh như cúm A (H1N1), phòng bệnh là hết sức quan trọng. Ngay khi Việt Nam công bố nguy cơ đại dịch cúm A (H1N1) bùng phát, ngày 10-6-2009, Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã phê duyệt “Kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống dịch cúm ở người và các dịch lạ nguy hiểm khác trong quân đội”, phấn đấu không để xảy ra dịch có quy mô lớn trong quân đội, phát hiện sớm các ca bệnh và xử lý dịch kịp thời, hạn chế thấp nhất số mặc và tử vong. Bộ Quốc phòng xác định phòng, chống dịch là một nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của quân đội, phải chủ động theo dõi, giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, xử lý bao vây, khống chế và dập dịch nhanh, hiệu quả, trong đó, thực hiện các biện pháp dự phòng là chính... Phòng, chống tốt tại cộng đồng Trung tướng, TS Chu Tiến Cường, Cục trưởng Cục Quân y cho biết: "Hiện tại, dịch cúm A (H1N1) đã xâm nhập vào quân đội với 4 đơn vị phát hiện ổ dịch, song diễn biến dịch cúm vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ngành quân y. Dù ở mức độ nào cũng không được chủ quan, mà phải xác định chống dịch như... chống giặc". Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy hầu hết các đơn vị chấp hành nghiêm túc, có nhiều biện pháp tích cực chống dịch “xâm nhập”, bảo vệ tốt sức khỏe bộ đội. Tại Đoàn Sao Vàng (Quân khu 1), mặc dù địa bàn chưa xuất hiện ca bệnh, quân số khỏe của đơn vị đạt hơn 99%, nhưng không vì thế mà đơn vị chủ quan. Đoàn đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch, yêu cầu các đơn vị thuộc quyền từ cấp tiểu đoàn trở lên có kế hoạch của cấp mình, đồng thời ban hành quy định về chức năng, quyền hạn của ban phòng dịch các cấp. Tại Phân đội 2, Đơn vị An Lão khi "phỏng vấn" các chiến sĩ, chúng tôi nhận được những câu trả lời khá đầy đủ, chứng tỏ công tác tuyên truyền, giáo dục đã thật sự “thấm" đến bộ đội. Các chiến sĩ: Dương Công Đạt, Trần Văn Phương thuộc Đại đội 5 giải thích: "Bệnh cúm A (H1N1) lây truyền từ người sang người, triệu chứng đa dạng như sốt, ho, đau họng, người mệt mỏi... Chúng em được quán triệt thực hiện thường xuyên các biện pháp vệ sinh cá nhân để phòng dịch, như rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng, súc họng bằng nước muối trước khi đi ngủ và sáng sớm. Các đồng chí đi công tác, nghỉ phép trở về đơn vị được nhỏ thuốc mũi, thuốc mắt... Các dụng cụ dự phòng cho chống dịch (thuốc khử trùng, máy phun, khẩu trang...) được phân đội quân y của đoàn chuẩn bị chu đáo. Trung tá Nguyễn Trọng Khánh, Bệnh xá trưởng Đoàn Sao Vàng cho biết: Cùng với bám nắm đơn vị, phân đội quân y liên tục phối hợp với ngành y tế các xã lân cận tuyên truyền cho nhân dân, đồng thời tổ chức trinh sát, nắm chắc diễn biến dịch tễ để đề phòng ca bệnh xuất hiện. Theo Thượng tá Phạm Hoài Giao, Trưởng phòng Quân y Binh đoàn Hương Giang: Hệ thống quân y của binh đoàn được tập huấn kỹ về phương pháp tổ chức cho bộ đội phòng, chống và theo dõi, phát hiện sớm ca bệnh. Là đơn vị chủ lực cơ động, Tư lệnh binh đoàn yêu cầu các đơn vị phấn đấu cao nhất không để xảy ra dịch bệnh, nếu có phải phát hiện sớm, hạn chế thấp nhất quân số mắc, không được để xảy ra trường hợp tử vong. Bộ tư lệnh Binh đoàn đã phê duyệt kế hoạch diễn tập phòng, chống dịch ở một đơn vị cấp trung đoàn của Đoàn B25, nhằm nâng cao khả năng phòng chống, đối phó với dịch. Thực tế, các đơn vị của binh đoàn đã triển khai nhiều biện pháp phòng dịch hiệu quả. Ở Phân đội Hóa học (Bộ tham mưu binh đoàn), mỗi cán bộ, chiến sĩ đều có chai nước muối; các tiểu đội có chai nước tỏi dùng chung; mỗi tuần phân đội tổ chức phơi quân trang cá nhân ngoài trời nắng một lần. Y sĩ Nguyễn Thị Nhân nói vui: Là cán bộ, chiến sĩ đơn vị phòng hóa, chúng tôi càng phải thực hiện đúng, phòng tránh hiệu quả. Đơn vị M74 (Đoàn B16, Quân khu 2) chưa có dịch cúm xuất hiện, nhưng đơn vị không chủ quan, mà rất chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Hằng ngày, đơn vị tuyên truyền đều đặn trên hệ thống truyền thanh nội bộ để bộ đội hiểu rõ sự nguy hiểm cũng như cách phòng, chống dịch; tổ chức phun khử trùng khu nhà ở của cán bộ, chiến sĩ bằng dung dịch Cloramin B với tần suất hai lần/tuần. Tất cả cán bộ, chiến sĩ được nhỏ mũi bằng dung dịch nước tỏi mỗi ngày hai lần vào các buổi trưa và tối. Trung tá Đoàn Anh Tuấn, Chủ nhiệm quân y Đoàn B16 cho biết: Tất cả các đơn vị, phân đội của đoàn đã xây dựng phương án xử lý nếu xảy ra dịch bệnh. Theo Trung tướng, TS Chu Tiến Cường, với đặc điểm quân số đông, sinh hoạt tập trung, kinh phí, trang thiết bị, thuốc men, hóa chất có hạn, các đơn vị phải đặc biệt chú trọng các biện pháp dự phòng "cổ truyền", truyền thống, nhưng thực tế đã chứng minh là rất hiệu quả như: Phơi quần áo ra nắng, mở cửa để thông thoáng phòng; cho bộ đội xúc họng nước muối, nhỏ nước tỏi... vừa rẻ tiền, dễ thực hiện và hiệu quả rất tốt. Các đơn vị cũng có thể cho bộ đội sử dụng thuốc nam, thuốc y học cổ truyền nhiều hơn để tăng cường thể lực, sức đề kháng của cơ thể. Quân y phải nắm chắc triệu chứng của bệnh để phân loại, lựa chọn phương pháp điều trị hợp lý; hạn chế việc tổ chức xét nghiệm số lượng lớn, bởi chi phí khá tốn kém (gần 2 triệu đồng/ca). Không quá lo lắng hoặc chủ quan, xem nhẹ Theo Thượng tá Đoàn Trọng Tuyên, Phó giám đốc Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội: Đến thời điểm này, nguy cơ dịch lây lan là khó tránh khỏi, nhất là vào mùa thu, mùa đông sắp tới, vi-rút cúm A có thể xuất hiện chủng đột biến. Muốn “thắng” dịch cúm A (H1N1) phải phòng ngừa tốt, phát hiện sớm, khoanh vùng kịp thời, quyết liệt cách ly, điều trị... Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, thời gian qua, có tình trạng một số đơn vị đề nghị trên cấp kinh phí, vật chất, trang thiết bị phòng, chống dịch vượt quá khả năng cho phép và không thực tế, như đề xuất mua hàng vạn bộ quần áo phòng, chống dịch, cấp hàng vạn khẩu trang loại tốt, trang bị máy thở hiện đại... Việc sử dụng hóa chất phun khử trùng, thuốc "đặc trị" (Tamiflu) cũng phải rất tiết kiệm, đúng quy định, hợp lý, phù hợp với khả năng đáp ứng của ngành quân y cũng như tính chất, quy mô của đại dịch. Chỉ thị của Bộ Quốc phòng đã chỉ rõ các biện pháp phòng, chống dịch, nhưng một số cán bộ, chiến sĩ, thậm chí cả lãnh đạo, chỉ huy đơn vị còn có biểu hiện chủ quan, coi thường dịch. Có cán bộ quan niệm đơn giản: Mức độ nguy hiểm không lớn, tỷ lệ tử vong chỉ “mấy phần nghìn”, lo gì... Đối với mỗi người, đó là ý thức chủ quan, xem thường sức khỏe của bản thân, nhưng với lãnh đạo, chỉ huy và nhân viên chuyên môn thì sẽ ảnh hưởng đến nhiều người khác. Chúng tôi khá bất ngờ khi hỏi một cán bộ quân y thuộc Bệnh xá trường trung cấp Kỹ thuật Thông tin (Binh chủng Thông tin liên lạc). Đồng chí này không nắm rõ diễn biến của dịch bệnh, không biết thủ trưởng nào trong ban chỉ đạo phòng dịch của đơn vị. Diễn biến dịch cúm A (H1N1) rất phức tạp, khó lường. Các đơn vị cần quán triệt nghiêm kế hoạch của Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của Bộ Y tế và Cục Quân y để phòng, tránh tốt nhất, ngăn ngừa hiệu quả dịch bệnh và nếu xảy ra, có biện pháp xử lý đúng, kịp thời. Bài và ảnh: Thu Thủy, Trung Kiên

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/4/39/39/86544/Default.aspx