Chú trọng chăm lo, bảo vệ người lao động

Có 100% cơ quan, đơn vị HCSN tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC); từ 65% đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức Hội nghị người lao động (NLĐ), đối thoại định kỳ và 65% đơn vị, doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức công đoàn ký Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Đây là một trong số những chỉ tiêu mà LĐLĐ quận Hoàng Mai phấn đấu thực hiện năm 2019 nhằm bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Địa bàn quận Hoàng Mai hiện có trên 13.000 doanh nghiệp với hơn 19 nghìn lao động, có mức lương trung bình từ 5,5 đến 7,5 trđ/người/tháng. Theo LĐLĐ quận, đa số các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (doanh nghiệp có dưới 5 lao động chiếm gần 80%), không ít DN tình hình sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn vì vậy việc thực hiện chế độ chính sách với người lao động ở một số đơn vị còn bất cập.

Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàng Mai Bùi Thị Ngọc Thủy chúc tết Nguyên đán Kỷ Hợi tại Công ty CP Công nghiệp phụ trợ ICHI Việt Nam

Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàng Mai Bùi Thị Ngọc Thủy chúc tết Nguyên đán Kỷ Hợi tại Công ty CP Công nghiệp phụ trợ ICHI Việt Nam

Hiện vẫn còn 1477 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT với số tiền 121.516.833.330 đồng (tăng 5.2% so với năm 2017) làm ảnh hưởng đến đời sống, chế độ chính sách của người lao động. Trước thực tế này, LĐLĐ quận Hoàng Mai luôn đặc biệt quan tâm chú trọng thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ.

Ngoài việc tích cực tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tham gia đóng góp ý kiến vào xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến NLĐ; ngay từ đầu mỗi năm, LĐLĐ quận đều đã chủ động tham gia, phối hợp tốt với chính quyền, chuyên môn đồng cấp từng bước nâng cao chất lượng hội nghị CBCCVC, hội nghị NLĐ và đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, qua đó nhằm phát huy dân chủ ở cơ sở, kịp thời nắm bắt và giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ.

Năm 2018, toàn quận đã có 100% đơn vị tổ chức Hội nghị CBCCVC, 71,8% đơn vị tổ chức Hội nghị NLĐ, qua Hội nghị đã có 458 ý kiến, kiến nghị được giải đáp trực tiếp; 50,3% doanh nghiệp xây dựng Quy chế Đối thoại tại nơi làm việc. LĐLĐ Quận đã tham mưu UBND Quận tổ chức gặp mặt đối thoại giải quyết các vấn đề của DN và người lao động với sự tham gia của 300 DN.

“Điểm nổi bật là nhiều CĐCS đã chủ động tham mưu, phối hợp với chính quyền tổ chức hội nghị, chủ động hướng nội dung vào những vấn đề bức thiết, cụ thể đối với người lao động và doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm, ổn định thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và điều kiện làm việc của người lao động, giảm bớt tính hình thức trong việc tổ chức hội nghị và đối thoại...”- Bà Bùi Thị Ngọc Thủy- Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàng Mai nhận xét.

Cũng theo bà Bùi Thị Ngọc Thủy, chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT” được các cấp công đoàn quận Hoàng Mai tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp. Tới nay, đã có 83 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký TƯLĐTT, đạt 51%.

Một số TƯLĐTT đã có những nội dung cao hơn pháp luật có lợi cho NLĐ như: Thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo việc làm, nâng cao kỹ năng tay nghề, văn hóa ứng xử; thực hiện chính sách lao động nữ, đảm bảo bữa ăn ca của người lao động với mức thấp nhất 15.000đ theo tinh thần Nghị quyết của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”.

Để đảm bảo chế độ chính sách đối với người lao động được thực hiện đầy đủ, LĐLĐ Quận đã phối hợp với BHXH, Phòng LĐTB&XH, Thanh tra Nhà nước quận tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn, Luật ATVSLĐ tại 54 doanh nghiệp; chỉ đạo các CĐCS phối hợp kiểm tra 124 doanh nghiệp về thực hiện chế độ chính sách có liên quan đến người lao động và chính sách đối với lao động nữ.

Qua thanh tra, kiểm tra, các cấp công đoàn và cơ quan chức năng đã phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, giải quyết vướng mắc, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Đặc biệt, trước tình trạng nợ đọng BHXH trong các doanh nghiệp còn phổ biến, LĐLĐ quận đã chỉ đạo các CĐCS tiếp tục triển khai thực hiện Hướng dẫn số 995/HD-TLĐ ngày 30/6/2016 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về Công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể.

Đến nay, LĐLĐ quận đã nhận được 09 hồ sơ doanh nghiệp nợ đọng BHXH với số tiền 3,897 tỷ đồng, đã chuyển Tòa án thụ lý, thu hồi 670 triệu đồng. Ngoài ra, nhằm trang bị kiến thức pháp luật cho người lao động, năm 2018, LĐLĐ Quận đã phối hợp với CĐCS tuyên truyền, tư vấn về Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và các văn bản pháp luật có liên quan đến NLĐ cho trên 1000 người; tư vấn qua điện thoại cho 54 trường hợp và hòa giải thành công 01 trường hợp khiếu nại tranh chấp lao động tại Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng Hương Giang.

Bà Bùi Thị Ngọc Thủy khẳng định, từ những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, LĐLĐ quận Hoàng Mai sẽ tiếp tục chú trọng và thực hiện tốt hơn nữa chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ, thông qua các giải pháp như tiếp tục tổ chức cho CNVCLĐ tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng các văn bản chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; tăng cường tổ chức đối thoại tại cơ sở và lấy ý kiến NLĐ tham gia xây dựng nội quy lao động; tiêp tục thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể”; đại diện thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể ở những doanh nghiệp chưa có tổ chức CĐCS; Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các CĐCS thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp”; Nghị quyết 7c/NQ-BCH của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca cho người lao động” ; phối hợp kiểm tra liên ngành việc thực hiện pháp luật lao động, BHXH, chế độ chính sách của các đơn vị, doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động và tiếp tục nắm chắc tình hình tư tưởng, giải quyết kịp thời diễn biến tư tưởng CNVCLĐ và những phát sinh của cơ sở, hạn chế thấp nhất các vụ đình công, lãn công trái pháp luật.

“Một trong những chỉ tiêu chúng tôi phấn đấu thực hiện trong năm nay là có 100% cơ quan, đơn vị HCSN tổ chức Hội nghị CBCCVC; từ 65% đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức Hội nghị NLĐ, đối thoại định kỳ và 65% đơn vị, doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa có tổ chức công đoàn ký Thỏa ước LĐTT”- bà Bùi Thị Ngọc Thủy cho biết.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chu-trong-cham-lo-bao-ve-nguoi-lao-dong-89255-89255.html