Chú trọng công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 29 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 7 giấy phép khai thác ti tan, cát trắng, vàng, UBND tỉnh cấp 22 giấy phép khai thác đá, cát sỏi, đất sét và ti tan.

Khai thác ti tan cần bảo đảm các yếu tố về môi trường sinh thái. Ảnh: HNK

Trong quá trình khai thác khoáng sản, nhìn chung các doanh nghiệp chấp hành tương đối đầy đủ các quy định của pháp luật như khai thác theo giấy phép được cấp, khai thác trong diện tích được thuê; công tác hoàn trả mặt bằng và trồng cây trên diện tích đã được khai thác; thực hiện giám sát môi trường định kỳ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường; kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; thực hiện báo cáo định kỳ trong hoạt động khoáng sản và có những đóng góp tích cực trong giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lao động ở các địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản luôn có nhiều diễn biến phức tạp. Trên thực tế tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra, làm thất thoát tài nguyên, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Có không ít doanh nghiệp chưa chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường sinh thái; triển khai công việc giám sát môi trường chưa đúng quy định và chưa tiến hành đăng ký nguồn thải chất nguy hại. Ngoài ra, một số doanh nghiệp do nguồn lực tài chính có hạn nên chưa chú trọng đầu tư về vốn, kỹ thuật, công nghệ để khai thác chế biến sản phẩm có giá trị cao mà chủ yếu khai thác, xuất khẩu nguyên liệu thô, gây lãng phí tài nguyên. Đó là chưa kể đến tình trạng ở một số địa phương người dân không đồng tình, phản đối về chủ trương cấp phép khai thác tài nguyên cho doanh nghiệp, đặc biệt ở lĩnh vực khai thác ti tan, đất cát... do tiềm ẩn những tác động xấu về môi trường sinh thái, nước sinh hoạt…Do vậy, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản cần phải được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ để chấn chỉnh hoạt động khai thác, chế biến; nâng cao hiệu quả công tác quản lý về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Thực tế những năm qua, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước; tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Nhờ vậy, tình trạng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản giảm so với trước. Hoạt động khai thác khoáng sản được chấn chỉnh, công tác hoàn thổ, trả mặt bằng và trồng phục hồi cây xanh đã được một số doanh nghiệp quan tâm triển khai.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước, thẩm định cấp phép hoạt động khoáng sản được thực hiện đảm bảo các quy định của pháp luật. Các khu vực cấp phép đều nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, không thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc đã trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong quá trình khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật như khai thác theo giấy phép được cấp, khai thác trong diện tích được thuê. Nhiều đơn vị khai thác khoáng sản đã gắn với chế biến sâu và làm tốt công tác bảo vệ môi trường; kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; thực hiện báo cáo định kỳ trong hoạt động khoáng sản...

Giám đốc Công ty Cổ phần Khoáng sản Quảng Trị Lê Vĩnh Thiều cho biết: “Trong quá trình khai thác, công ty luôn chú trọng đến nhiệm vụ hoàn thổ và cải tạo môi trường sinh thái. Không chỉ hoàn trả mặt bằng mà tập trung trồng lại cây xanh, tạo vành đai chắn gió, chắn sóng dọc bờ biển. Ngoài ra còn cải tạo đất đai để trồng các loại cây ăn quả gia tăng giá trị sử dụng đất. Bố trí lại nhà xưởng sản xuất, bãi tập kết nguyên vật liệu một cách khoa học để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.”

Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình cấp phép thăm dò, khai thác đối với các khu vực khoáng sản đã được khoanh định, công bố là khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản. Rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực. Yêu cầu tổ chức, cá nhân phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm trong khai thác khoáng sản, đặc biệt là nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ kiểm kê trữ lượng khoáng sản trước khi thực hiện công tác đóng cửa mỏ…

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trường Khoa cho biết: “Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi bao che, dung túng hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Xây dựng hệ thống quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản thông qua thiết bị giám sát hành trình. Yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan trong quá trình khai thác khoáng sản; tuân thủ đúng quy trình trong hoạt động khoáng sản, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó là vận động các doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị để triển khai chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn”.

Lâm Khanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=148851