Chú trọng đảm bảo ATVSLĐ

ĐBP - An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là yếu tố bảo đảm sức khỏe, tính mạng người lao động - tài sản quý giá của doanh nghiệp, góp phần giúp đơn vị ổn định sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững. Chính vì vậy nhiều giải pháp đảm bảo sức khỏe, tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động được người sử dụng lao động, các doanh nghiệp chú trọng thực hiện.

Máy móc thiết bị thi công công trình đều được Công ty TNHH Thái Anh Điện Biên định kỳ kiểm định đảm bảo an toàn trước khi đưa vào sử dụng. Trong ảnh: Công ty thi công công trình nâng cấp đường bản Ten Cá, xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo).

Công ty TNHH Thái Anh Điện Biên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhà ở, xây dựng công trình đường bộ; xây dựng công trình cấp, thoát nước, công trình viễn thông, thông tin liên lạc và xây dựng công trình công ích khác... Đảm bảo việc làm, ATVSLĐ, trang cấp bảo hộ lao động cho lao động trong thời gian qua được doanh nghiệp thực hiện đầy đủ. Ông Mai An Ninh, Giám đốc doanh nghiệp cho biết: Doanh nghiệp đang thi công công trình nâng cấp đường bản Ten Cá, xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) với trị giá hợp đồng gần 3,4 tỷ đồng. Khởi công từ cuối tháng 4/2021 và dự kiến tới cuối tháng 12/2021 sẽ hoàn thành, bàn giao cho chủ đầu tư đưa vào sử dụng. Trong điều kiện thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp huy động 16 lao động làm việc trên công trường. Để người lao động gắn bó với doanh nghiệp cùng với việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp; doanh nghiệp quan tâm tới điều kiện làm việc, trang cấp bảo hộ lao động cho người lao động. Với mức lương trung bình 6,5 triệu đồng/người/tháng, quyền lợi nghỉ những ngày lễ, tết, làm tăng giờ được trả tiền công... của người lao động được công ty thực hiện đảm bảo. Ông Ninh cũng cho biết, toàn bộ số lao động đang làm việc trên công trường nâng cấp đường bản Ten Cá đều thuộc số lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, nên doanh nghiệp đặc biệt quan tâm tới việc triển khai các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ và cải thiện điều kiện lao động. Như quá trình làm việc, công ty đã trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế phục vụ ứng cứu, sơ cứu khi xảy ra sự cố, tai nạn lao động (túi thuốc, bông băng phục vụ sơ cấp cứu tại công trường...). Nhắc nhở người lao động thực hiện nghiêm nội quy công trường trong quá trình làm việc; ghi sổ nhật ký thi công xây dựng; thực hiện các biện pháp an toàn và biện pháp phòng chống cháy nổ vật liệu, thiết bị và người làm việc; các biện pháp an toàn khi tiến hành công tác hàn, cắt kim loại khu vực thi công. Thực hiện biện pháp an toàn cho máy, thiết bị và người lao động khi tiến hành vận chuyển, đổ bê tông các hạng mục hố móng, vách, rãnh thoát nước... Nhờ đó quá trình làm việc của người lao động trên công trường luôn được đảm bảo, không để xảy ra các vụ tai nạn lao động.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về lao động, ATLĐ cho người sử dụng lao động, người lao động nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc nhóm ngành, nghề có nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, phát sinh bệnh nghề nghiệp, sử dụng nhiều loại máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ và sử dụng lao động làm công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm đã quan tâm tới công tác đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động. Qua kiểm tra thực tế của cơ quan chức năng cho thấy các doanh nghiệp, người sử dụng lao động cơ bản quan tâm thực hiện công tác ATVSLĐ. Như xây dựng kế hoạch và nội quy ATVSLĐ, thực hiện nghiêm túc việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động tại nơi làm việc; khám sức khỏe cho người lao động... Cùng với đó, đa phần người lao động có ý thức chấp hành nội quy, quy trình ATVSLĐ trong quá trình sản xuất, làm việc tại doanh nghiệp. Tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động tại doanh nghiệp; sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc, nâng cao kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ, chủ động phòng ngừa các tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho bản thân.

Tuy nhiên theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, vẫn còn một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn thiếu quan tâm đến công tác ATVSLĐ, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản... Trong khi đó, đội ngũ công nhân lao động phần lớn xuất thân từ những lao động phổ thông, không qua đào tạo, trình độ quản lý cũng như kiến thức về an toàn lao động còn hạn chế, dẫn đến việc tăng nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chính vì vậy tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ cùng với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành liên quan tới lao động, ATVSLĐ là nhóm giải pháp quan trọng mà Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết liệt triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Gia Kiên

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/192725/chu-trong-dam-bao-atvsld