Chú trọng đào tạo thực hành, trao cơ hội cho sinh viên

Trong thời gian đào tạo toàn khóa, Trường cao đẳng Công Thương miền Trung cơ cấu đến 75% thời gian cho thực hành tại trường và trực tiếp tại doanh nghiệp. Đó là lý do học sinh sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp đều có việc làm ngay. Thậm chí nhiều ngành nghề, các doanh nghiệp, công ty phải đặt hàng lao động ngay khi các em còn trên ghế nhà trường.

Lãnh đạo Trường cao đẳng Công Thương miền Trung tìm hiểu, hợp tác với doanh nghiệp để đưa học sinh sinh viên học tập, thực tập tốt nghiệp. Ảnh: CTV

Đảm bo k năng ngh nghip

Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, Phòng Quản lý đào tạo Trường cao đẳng Công Thương miền Trung (MITC) đã tổ chức cho 4 nhóm, với 86 học sinh sinh viên (HSSV) nhà trường đi thực tập cuối khóa tại doanh nghiệp. TS Trần Thị Nguyệt Cầm, Trưởng phòng Quản lý đào tạo cho biết, trong số này có 44 sinh viên ngành Ô tô đi thực tập tại nhà máy Hamaden (tỉnh Hưng Yên) và nhà máy Hi-Lex (TP Hải Phòng), 42 sinh viên ngành Kỹ thuật máy lạnh thực tập tại dự án ở TP Đà Nẵng và Phú Quốc (Kiên Giang).

Năm 2023, MITC đã đưa 1.623 lượt HSSV đi học tập và thực tập tại 163 doanh nghiệp trên khắp cả nước. Điều này không chỉ giúp HSSV nắm bắt được quy trình làm việc chuyên nghiệp mà còn tạo cơ hội cho các em xây dựng mạng lưới quan hệ và tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực mình đang được đào tạo tại trường.

Với triết lý đào tạo “Giáo dục khai phóng - Gắn kết thực tiễn - Năng lực sáng tạo”, MITC xây dựng chương trình đào tạo với khối lượng kiến thức nền, kỹ năng mềm, kiến thức và kỹ năng nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội, khi HSSV ra trường có thể gia nhập vào lực lượng lao động xã hội. Trong quá trình đào tạo, một trong những điều mà nhà trường quan tâm, đầu tư là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HSSV học tập và phát triển khả năng trong môi trường thực tế.

Một trong những chính sách được nhà trường đặc biệt chú trọng là chương trình đào tạo kép. Thay vì giới hạn kiến thức trong phòng học, xưởng thực hành của nhà trường, HSSV của MITC được nhà trường kết nối với các doanh nghiệp, đưa các em vào môi trường thực tế để học tập, thực tập một cách trực quan sinh động.

Theo ThS Nguyễn Văn Đức, Phó Hiệu trưởng MITC, điều này giúp các em có cơ hội hiểu rõ hơn về yêu cầu công việc, các kỹ năng cần thiết và xu hướng phát triển của ngành nghề mình lựa chọn; giúp các em tiếp cận với những thách thức, cơ hội và kiến thức thực tế từ những người có kinh nghiệm; giúp các em có thể điều chỉnh hướng nghiệp và phát triển những kỹ năng phù hợp để thích ứng với môi trường làm việc thực tế sau này.

“Thực tế chứng minh rằng, với cách đào tạo thiên về thực hành này, các em đảm bảo kỹ năng nghề nghiệp, thuần thục công việc, khi tốt nghiệp có thể vào làm việc ngay, doanh nghiệp không phải tốn thời gian và chi phí để đào tạo lại”, ThS Đức nói.

Với HSSV, khi học tập, thực tập tại doanh nghiệp, các em vừa được kiểm chứng những lý thuyết đã học trong nhà trường vừa có cơ hội thực hành, làm quen công việc thực tế để nâng cao trình độ, kỹ năng, không phải bỡ ngỡ khi tốt nghiệp. Ở môi trường thực tế này, các em cũng cảm thấy thoải mái hơn, vừa được thực hành kỹ năng vừa được nơi thực tập hỗ trợ một khoản tiền nhất định hằng tháng.

Em Nguyễn Quang Khải, sinh viên cao đẳng Công nghệ ô tô cho biết: “Khi thực tập chúng em học được thêm nhiều kiến thức và kỹ năng thực tế, vừa được hỗ trợ tiền ăn ca và tiền công, nên khi tốt nghiệp tụi em rất tự tin. Em vừa được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH Kỹ nghệ Kingston Việt Nam, KCN Phú Tài (TP Quy Nhơn, Bình Định) với mức lương 10 triệu/tháng”.

Thêm kênh đánh giá cht lưng

Theo TS Trần Thị Nguyệt Cầm, thực tế đã chứng minh hướng đi, quan điểm, triết lý giáo dục, đào tạo của nhà trường hiện nay là đúng đắn, lấy “chất lượng là sứ mệnh, thành công là đích đến”. Điều này được thể hiện qua chất lượng đào tạo đáp ứng được nhu cầu lao động xã hội, hơn 90% HSSV tốt nghiệp đều có việc làm đúng chuyên môn, ngành nghề, với mức lương hợp lý.

Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, nhà trường xác định tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác với doanh nghiệp nâng cao kỹ năng nghề cho HSSV. Doanh nghiệp nơi hợp tác đào tạo, hỗ trợ thực hành cũng là một kênh, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, điểm số của sinh viên.

Thay vì tập trung vào kết quả thi đánh giá trên giấy tờ, MITC có thêm kênh đánh giá chất lượng trên cơ sở năng lực thực tế và tiềm năng phát triển của HSSV. Thực tập chính là cơ hội để thử thách khả năng, kỹ năng của HSSV sau một thời gian học lý thuyết trong nhà trường.

Việc hợp tác giữa MITC và doanh nghiệp là phương thức đào tạo kép, doanh nghiệp được tham gia vào quá trình đào tạo vừa mở ra cơ hội thực tập, làm việc cho HSSV; đồng thời, các doanh nghiệp cũng có cơ hội tìm kiếm và tuyển dụng những nhân tài có tiềm năng từ MITC.

Ông Nguyễn Long, Giám đốc Công ty CP Địa chất và Khoáng sản - Vinacomin (TP Hồ Chí Minh) đánh giá cao về phương thức và chất lượng đào tạo của MITC; mong muốn hợp tác cùng MITC để đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như sẵn sàng phối hợp thực hiện kế hoạch đào tạo kép của nhà trường.

Thành công của sự hợp tác với các doanh nghiệp trong phối hợp nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp tiếp tục khẳng định uy tín, chất lượng của nhà trường, bắt kịp xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0

ThS Nguyễn Văn Đức cho biết thêm, hiện nay nhà trường đặt mối quan hệ hợp tác với hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực ngành nghề có liên quan đến các mã ngành, nghề mà nhà trường đào tạo. Nhà trường và doanh nghiệp cam kết sẽ hỗ trợ và phát triển chung trong các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực giữa hai bên.

TRN QUI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/313974/chu-trong-dao-tao-thuc-hanh-trao-co-hoi-cho-sinh-vien.html