Chú trọng hiệu quả và minh bạch trong đầu tư công

Hôm qua 16-11, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc tại Hội trường. Buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Buổi chiều, QH thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðầu tư công.

NGÀY LÀM VIỆC THỨ 21, KỲ HỌP THỨ SÁU, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Ðại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: DUY LINH

Ðại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: DUY LINH

LÀM RÕ HƠN NHỮNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU BIA

Về sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, hầu hết các đại biểu QH nhất trí với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của QH, đồng thời cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật là quan trọng để góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tên gọi của dự án Luật được nhiều đại biểu QH quan tâm góp ý kiến. Ðại biểu Quàng Thị Vân (Ðiện Biên) và nhiều ý kiến nhất trí với tên gọi "Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia" vì tên gọi này ngắn gọn, bao quát, dễ hiểu, dễ nhớ, thuận lợi cho việc tuyên truyền, tiếp cận pháp luật của người dân; thể hiện rõ mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân, phù hợp quan điểm về y học dự phòng là cần chủ động phòng ngừa từ sớm, chứ không chỉ ứng phó khi đã lạm dụng và xảy ra hậu quả tiêu cực. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) và một số đại biểu khác đề nghị lấy tên gọi là "Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia" hoặc "Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn" để hướng trọng tâm vào hành vi của người sử dụng rượu, bia; có ý kiến khác đề nghị lấy tên là "Luật Phòng, chống tác hại của đồ uống có cồn" để có tính bao quát, dễ áp dụng và hạn chế việc lợi dụng luật. Lý giải cho quan điểm này, các đại biểu cho rằng, nếu tên gọi là "Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia" dễ bị hiểu là khẳng định rượu, bia hoàn toàn có hại. Trên thực tế, tác hại là do sử dụng quá liều lượng và sử dụng những sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Tranh luận với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nêu rõ: Dự án Luật không phải cấm rượu, bia, mà là phòng, chống tác hại rượu, bia, tức là chỉ phòng những thứ gây hại khi sử dụng rượu, bia quá mức cần thiết và không bảo đảm chất lượng… Vì vậy, tên gọi như dự án luật là hợp lý.

Nhiều đại biểu quan tâm những quy định của Luật về sản xuất rượu thủ công. Theo đó, cần tăng cường quản lý, duy trì việc cấp phép cho nấu rượu thủ công nhưng phải bảo đảm an toàn đối với sức khỏe con người và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Dự án Luật cần đưa ra được những mô hình quản lý rượu thủ công phù hợp thực tế. Ðây là công việc sẽ gặp không ít khó khăn, trở ngại. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu QH đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại các quy định về những hành vi bị cấm, như cấm bán rượu, bia trên in-tơ-nét… để tránh xung đột với các luật khác, như: Luật Quảng cáo, Luật Ðầu tư, Luật Thương mại. Ngoài ra, dự án Luật cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ và chế tài xử lý nghiêm những hành vi bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi và bán trong khung giờ bị cấm…

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công

Buổi chiều, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðầu tư công, hầu hết ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành luật này. Ðại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) và nhiều đại biểu nêu rõ quan điểm sửa đổi, bổ sung, đó là: Phải thể chế hóa đường lối của Ðảng về cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư công; tạo khuôn khổ pháp lý ổn định, khả thi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; nâng cao tính công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính. Chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðầu tư công, chưa sửa đổi toàn diện vì quá trình triển khai thực hiện tuy có phát sinh vướng mắc, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện luật chưa nghiêm, còn lúng túng, một số văn bản hướng dẫn thi hành thiếu cụ thể, khó thực hiện. Hơn nữa, luật mới có hiệu lực ba năm, thời gian áp dụng quá ngắn, chưa đủ điều kiện tổng kết kỹ lưỡng, đánh giá chính xác tính hiệu quả.

Một số đại biểu nhấn mạnh: Nội dung sửa đổi, bổ sung cần được rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, nhất là bảo đảm tính cụ thể, minh bạch, phù hợp về thẩm quyền để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Ðể đạt mục tiêu này, nên tập trung sửa đổi những quy định đã bộc lộ bất cập trong thực tế triển khai về phân loại nguồn vốn đầu tư công và quy trình, thủ tục phù hợp từng loại nguồn vốn; bổ sung phân loại dự án đầu tư công; cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp trong thẩm định nguồn vốn, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án. Bổ sung các nhiệm vụ, chương trình, dự án không phải thực hiện quyết định chủ trương đầu tư; điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án trong trường hợp làm tăng quy mô, vượt tổng mức đầu tư, thay đổi phân loại dự án; sửa đổi quy định về thủ tục phê duyệt và giao kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; quy định về thời hạn giải ngân...

Một số đại biểu đề nghị chưa sửa đổi luật hoặc nếu sửa đổi thì cần làm rõ tác động, hiệu quả chính sách sau khi sửa đổi của một số quy định của luật hiện hành. Thí dụ, cân nhắc, đánh giá kỹ việc sửa đổi, các quy định về tiêu chí xác định các dự án quan trọng, chưa bổ sung quy định về kế hoạch đầu tư công trung hạn ba năm và giữ như quy định hiện hành; chưa bổ sung một số quy định nhằm mở quá rộng các dự án khẩn cấp, dự án thuộc đối tượng không phải xem xét, quyết định thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, cân nhắc một số quy định về thẩm quyền của cấp huyện, của Thường trực HÐND trong quyết định đầu tư; đồng thời loại bỏ một số quy định, khái niệm... chưa bảo đảm tính thống nhất với các luật liên quan.

Về các trường hợp không được uống rượu, bia tại Ðiều 9, tôi đề nghị bổ sung nhóm đối tượng là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng không được sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ làm việc; cấm uống rượu, bia tại các cơ sở cai nghiện, cơ sở tạm giữ. Riêng đối với nhóm đối tượng dưới 18 tuổi, tôi đề nghị cân nhắc thêm khi cấm bởi theo quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, người từ 15 tuổi đến 18 tuổi có thể ký hợp đồng lao động đối với một số công việc theo quy định của pháp luật, tức là họ có thể chịu trách nhiệm trước việc làm của mình.

Ðại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam)

Ðể hạn chế tiếp cận và giảm tiêu thụ rượu, bia, tôi thống nhất việc tăng thuế rượu, bia. Tuy nhiên, cần đồng bộ với việc kiểm soát nghiêm ngặt và giảm sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu thủ công, rượu giả, rượu lậu. Nếu không, chúng ta vừa thất thu thuế, doanh nghiệp bị thiệt hại mà vẫn không giảm tiêu thụ được rượu, bia, lại còn nguy hiểm hơn vì chuyển sang các rượu kém chất lượng. Tôi đề nghị đối với các hành vi vi phạm phải phạt thật nặng, tiêu hủy rượu giả, rượu lậu, chứ không có tái xuất như thuốc lá lậu.

Ðại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh)

Một số đại biểu kỳ vọng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ra đời sẽ giảm được tác hại và lạm dụng rượu, bia một cách đáng kể. Theo tôi, với tình trạng sử dụng rượu, bia của Việt Nam hiện nay, mong ước của chúng ta sẽ khó thực hiện được. Ðây là luật rất khó. Chính vì vậy, chúng ta cần thận trọng để tránh tình trạng khi ban hành luật không hiệu quả lại phải sửa đổi, bổ sung. Theo tôi, vì tính cấp bách của tình hình lạm dụng rượu, bia tại Việt Nam, đề nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định về hành vi bị cấm rõ ràng, đơn giản…

Ðại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang)

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38269802-chu-trong-hieu-qua-va-minh-bach-trong-dau-tu-cong.html