Chú trọng nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Ngay trong những ngày đầu của kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIV, các đại biểu QH đã dành thời gian để thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nhiều ý kiến tập trung đánh giá kết quả ba năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Trước đó, ngày 25-9, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc ký Văn bản số 2232/TTKQH-TT công bố ba Nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ QH khóa XIV thông qua, trong đó có Nghị quyết số 574/NQ-UBTVQH14 ngày 13-9-2018 về thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018. Đây luôn là một lĩnh vực rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước, QH và toàn xã hội quan tâm trong nhiều năm qua.

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) chiếm gần ba phần tư diện tích tự nhiên cả nước ta, là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 DTTS với gần 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Theo đánh giá của QH, trong những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc đã được nâng cao rõ rệt, tỷ lệ giảm nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm từ 3 đến 4%/năm. Nguồn lực dành cho vùng đồng bào DTTS luôn được quan tâm, chú trọng để nơi đây thoát nghèo, vươn lên.

Tuy nhiên, trong thực tế, đây vẫn là vùng có điều kiện sống khó khăn nhất trong cả nước, tỷ lệ hộ nghèo cao. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Một bộ phận đồng bào dân tộc vẫn thiếu đói, nhất là vào những tháng giáp hạt hoặc những năm bị thiên tai. Nhiều đại biểu QH nhấn mạnh, một trong những thực trạng cần quan tâm giải quyết nhất hiện nay là đồng bào đang thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở, việc giao rừng để đồng bào trồng và bảo vệ đạt hiệu quả chưa cao.

Đề cập tình hình nêu trên, nhiều đại biểu QH cho rằng, đây là vấn đề rất đáng chú ý bởi thực trạng đói, nghèo của đồng bào DTTS và MN đã kéo dài trong nhiều năm và thường được nêu ra trong rất nhiều báo cáo về kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Vấn đề đặt ra cấp bách cần quan tâm nhất hiện nay là với rất nhiều chính sách, nguồn lực ưu đãi được thực thi nhưng nghèo, đói vẫn tồn tại ở nhiều nơi trong vùng đồng bào DTTS và MN.

Được biết, từ năm 2016 đến nay, các bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 39 chương trình, chính sách, được thể chế qua 55 văn bản, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giảm nghèo; phát triển sản xuất trong nông, lâm nghiệp, thủy sản; giáo dục - đào tạo…

Trao đổi bên hành lang QH và phát biểu ý kiến tại tổ cũng như tại Hội trường, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) và một số đại biểu nhận định: Hệ thống chính sách về vùng DTTS và MN hiện nay khá đầy đủ và toàn diện trên các lĩnh vực. Ngân sách nhà nước tuy còn khó khăn nhưng các chính sách dân tộc đã được Đảng và Nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực kết hợp các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, với ngân sách địa phương để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN. Bên cạnh đó, các đại biểu QH cho biết: Các tỉnh, thành phố vùng DTTS và MN còn ban hành một số chính sách đặc thù của địa phương. Một số tỉnh ban hành đề án, kế hoạch, chương trình hành động chuyên đề thực hiện các chính sách dân tộc về giảm nghèo tại các xã, thôn nghèo của tỉnh, nâng cao chất lượng giáo dục, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển làng nghề và du lịch, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội chung của vùng…

Tuy nhiên, hệ thống chính sách dân tộc hiện nay cũng bộc lộ nhiều hạn chế, như: chưa thật sự đồng bộ, thiếu kết nối, vẫn mang tính nhiệm kỳ, ngắn hạn, nội dung còn tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau, cho nên việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả chưa cao. Việc xử lý chuyển tiếp chậm, lúng túng dẫn đến gián đoạn trong thực hiện chính sách. Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách chưa chặt chẽ. Một số chính sách được xây dựng còn mang tính chủ quan, chưa sát với đặc điểm vùng miền, văn hóa đặc thù của đồng bào DTTS, phát triển thiếu bền vững. Cơ chế phân bổ vốn, quản lý, thanh quyết toán các chương trình, chính sách còn nhiều bất cập, khó lồng ghép các nguồn vốn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN. Chưa có cơ chế đặc thù để phát huy được nội lực người dân, người nghèo trong quá trình hội nhập. Nguồn lực bố trí cho các chính sách dân tộc chưa thể hiện rõ được tính ưu tiên theo đúng mục tiêu đề ra, phải kéo dài thời gian thực hiện. Đại biểu QH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) và một số đại biểu nêu thực trạng, có những chính sách giúp đồng bào DTTS và MN thoát nghèo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai… do không tìm được nguồn lực.

Thực trạng nêu trên đã ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu lực, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ vùng DTTS và MN phát triển. Đó là chưa kể đến tình trạng thất thoát, lãng phí có thể xảy ra ở các địa phương trong quá trình đầu tư nguồn lực cho đồng bào DTTS và MN. Có đại biểu lo lắng về vấn đề thoát nghèo bền vững của đồng bào DTTS và MN, đồng thời nêu thí dụ thực tế về một huyện ở tỉnh Phú Thọ vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa ra khỏi Chương trình 30a, có nghĩa là đã thoát nghèo. Thế nhưng hiện nay, cử tri và nhân dân nơi đây đang rất băn khoăn, trăn trở bởi sau khi hết chương trình này, cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội địa phương đang xuống cấp ngày càng trầm trọng và ngân sách địa phương không có tiền đầu tư, nguồn lực thiếu, hạn hán, thiên tai đe dọa…

Nguy cơ huyện trở về địa phương nghèo đang cận kề. Vì vậy, nhiều đại biểu QH chung mong muốn và đề nghị: Việc QH thành lập đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS và MN là rất quan trọng và cần được triển khai nghiêm túc, trách nhiệm cao. Kết quả, kết luận của đoàn giám sát, nhất là về những hạn chế, yếu kém trong công tác này cần phải được công khai và quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng.

Những sai phạm, vi phạm nếu có cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Các chính sách hướng về đồng bào DTTS và MN cũng như việc giám sát của QH cần tập trung hướng tới việc đưa ra những giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả các chính sách dân tộc; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về vị trí, nhiệm vụ của việc hỗ trợ đồng bào DTTS và MN thoát nghèo bền vững. Từ những yếu kém, hạn chế đã được chỉ ra, cần khẩn trương rà soát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện chính sách đã có và nghiên cứu ban hành những chính sách mới, để đáp ứng yêu cầu phát triển các vùng dân tộc miền núi…

Thời gian tới, QH cùng các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN…

Qua đó, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN, trong đó chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người DTTS; triển khai các hoạt động có chiều sâu nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS; ngăn chặn tham ô, tham nhũng, lãng phí là “lợi ích nhóm” trong đầu tư, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực này…

Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong các vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai còn cao. Việc huy động nguồn lực xã hội đóng góp công tác an sinh xã hội từ các doanh nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần có định hướng và quy định đầu mối quản lý, sử dụng nguồn xã hội hóa này hiệu quả để nguồn lực đầu tư được sử dụng đúng và phát huy hiệu quả, tránh trường hợp chia nhỏ dự án mức đầu tư thấp, không bảo đảm chất lượng, không sử dụng được. Thí dụ như các công trình nước sạch đầu tư ở một số vùng định cư, tái định cư trong thời gian vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa)

Hiện nay có khoảng 21% số người trên 15 tuổi vùng đồng bào DTTS và MN chưa đọc thông viết thạo tiếng Việt. Trong giai đoạn 2016 - 2018, đào tạo nghề cho đồng bào khu vực này là 480 nghìn người, chiếm 29% số người được đào tạo nghề trong cả nước, nhưng cũng chỉ chiếm 14% tổng số người DTTS trong độ tuổi lao động. Trong 300 người học nghề sơ cấp và dưới ba tháng, có 80% số người có việc làm nhưng vẫn làm theo nghề cũ là nghề nông nghiệp. Các số liệu này cho thấy mặt bằng rất thấp của giáo dục nghề nghiệp và sự lãng phí lớn về nguồn lực lao động vùng miền núi. Đề nghị Chính phủ quan tâm, tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo nghề theo hướng, đào tạo nghề phù hợp định hướng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng miền; đổi mới nội dung, phương pháp dạy nghề phù hợp điều kiện vùng miền núi và phong tục tập quán của vùng đồng bào DTTS, sát với nhu cầu học và khả năng tiếp thu của người học.

Đại biểu Quàng Văn Hương (Sơn La)

SONG LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38068002-chu-trong-nang-cao-doi-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui.html