Chú trọng phòng bệnh nghề nghiệp

Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động tới người lao động (NLĐ). Bệnh xảy ra cấp tính hoặc từ từ. Một số bệnh nghề nghiệp không chữa khỏi và để lại di chứng.

Người lao động của một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Tuy nhiên, bệnh nghề nghiệp có thể phòng tránh được. Ngoài trách nhiệm của người sử dụng lao động thì NLĐ cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh phù hợp.

Công nhân tử vong vì bệnh bụi phổi silic

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An vừa ghi nhận một nam công nhân 47 tuổi, ngụ H.Nghi Lộc, làm việc tại một doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất kinh doanh bột đá tử vong sau hơn 1 năm mắc bệnh bụi phổi silic.

Ngành Y tế Nghệ An sau đó đã phối hợp với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) thành lập đoàn công tác tổ chức khám, điều tra bệnh nghề nghiệp cho các công nhân đang làm việc tại DN kể trên. Qua rà soát, ngoài 5 người đã tử vong do bệnh bụi phổi silic còn có 3 bệnh nhân khác cũng được xác định mắc bệnh bụi phổi silic, đang điều trị tại nhà và các cơ sở y tế, sức khỏe rất yếu.

Thông tư số 28/2016/TT-BYT của Bộ Y tế về Hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp quy định, đối tượng áp dụng khám phát hiện bệnh nghề nghiệp gồm: NLĐ tiếp xúc với các yếu tố có hại có khả năng mắc bệnh nghề nghiệp hoặc làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, kể cả người học nghề, tập nghề, NLĐ đã nghỉ hưu hoặc NLĐ đã chuyển công tác không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp.

Trước tình trạng đáng báo động trên, Bộ Y tế đã có những hướng dẫn cụ thể về việc phòng bệnh bụi phổi silic. Bụi phổi là tình trạng bụi bẩn tích tụ trong phổi do hít phải trong nhiều năm và tiến triển thành bệnh. Nguyên nhân chính là người bệnh tiếp xúc với những vật liệu có khả năng phát tán những hạt rất nhỏ xâm nhập vào phổi. Bệnh có thể gây triệu chứng ho khan, khạc đờm đen, cảm giác đau nhói ở ngực, tức ngực, khó thở, hụt hơi. Ở giai đoạn đầu, bệnh có thể không có dấu hiệu.

Bệnh bụi phổi chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, chỉ được điều trị kiểm soát triệu chứng và ngăn bệnh tiến triển bằng cách sử dụng thuốc giảm viêm, rửa phế nang toàn bộ hai phổi, thuốc giảm quá trình xơ hóa phổi, thở oxy. Những công việc có nguy cơ khiến NLĐ mắc bệnh bụi phổi silic như: khai thác quặng đá; đẽo mài đá; tán, nghiền, sàng các quặng đá; đúc đá, làm sạch hoặc làm nhẵn vật bằng tia cát; sản xuất, chế biến thủy tinh, đồ gốm, gạch chịu lửa…

Tại Đồng Nai, giai đoạn 2013-2023, ngành Y tế đã thực hiện khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho hơn 119,4 ngàn NLĐ tại 516 DN. Qua đó, đã giám định bệnh nghề nghiệp cho 128 trường hợp. Một số bệnh nghề nghiệp mà NLĐ thường mắc phải như: bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, bệnh bụi phổi silic…

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình, bên cạnh những DN có ý thức trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định về khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ thì vẫn còn nhiều DN lơ là vấn đề này. Trong khi đó, NLĐ đang phải đối mặt với khá nhiều loại bệnh nghề nghiệp do làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại. Không những thế, những lao động làm việc văn phòng cũng dễ mắc phải những căn bệnh về cột sống thắt lưng, mắt… Do đó, nếu không được khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng làm việc của NLĐ cũng như ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của DN.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Theo một nghiên cứu của BS CKII Huỳnh Cao Hải, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, NLĐ trong 2 ngành sản xuất may mặc và giày da trên địa bàn tỉnh luôn phải làm việc trong điều kiện áp lực cao về mặt thể chất và tinh thần. Ngoài ra, họ thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường làm việc có nhiệt độ cao, độ ồn cao, bụi và thậm chí là các hóa chất độc hại (tại các công đoạn tẩy hàng của ngành may mặc, công đoạn quét keo, dán đế của ngành giày da…).

Kết quả nghiên cứu trên gần 1,2 ngàn NLĐ làm việc tại 14 DN giày da, dệt may trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 cho thấy, có hơn 61% NLĐ có sức khỏe loại 3, khoảng 30% có sức khỏe loại 2. Nhóm bệnh phổ biến mà NLĐ mắc phải là răng hàm mặt, mắt, các bệnh nội khoa. Triệu chứng sức khỏe thường gặp là cơ xương khớp, thần kinh, có khoảng 15% NLĐ bị giảm thính lực ở một hoặc hai bên tai.

Các bác sĩ cho biết, điểm chung để phòng ngừa các bệnh nghề nghiệp là DN cần thay đổi quy trình, công nghệ sản xuất theo hướng sạch, thân thiện với môi trường, sử dụng các loại máy móc ít phát sinh yếu tố độc hại, ít ồn, rung; sử dụng dây chuyền công nghệ tự động, khép kín; làm giảm các yếu tố độc hại bằng cách thông gió, hút gió chung và tại chỗ. Thay thế những hóa chất độc hại bằng các chất ít độc hại hơn.

Ngoài ra, DN cần quan trắc định kỳ các yếu tố có hại trong môi trường lao động; tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ; tách NLĐ ra khỏi môi trường có yếu tố độc hại nếu nghi ngờ mắc bệnh.

Quá trình làm việc, nhất là làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, NLĐ cần được trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân theo quy định. Đơn vị sử dụng lao động cần xây dựng nội quy đảm bảo an toàn, vệ sinh nơi làm việc; tổ chức thời gian làm việc, nghỉ giữa ca hợp lý, sắp xếp các vị trí việc làm phù hợp với điều kiện sức khỏe của NLĐ…

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202312/chu-trong-phong-benh-nghe-nghiep-aee3d15/