Chú trọng thể chất

Trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tới đây, giáo dục thể chất sẽ là môn học bắt buộc, học sinh sẽ học suốt thời phổ thông, nhằm đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện cả 4 mặt: Đức, Trí, Thể, Mỹ. Điều này cho thấy việc giảng dạy môn thể dục trong nhà trường phổ thông sẽ có nhiều đổi thay, để học sinh biết thích ứng, lạc quan với các điều kiện sống; có cuộc sống khỏe mạnh về thể lực và tinh thần.

Tăng cường thể dục thể thao trong nhà trường là vấn đề cần thiết.

Từ lâu môn học thể dục thường bị coi là môn phụ. Học sinh thường không thích học môn thể dục, hoặc tham gia học bộ môn này với tâm lý đối phó là chủ yếu. Mà không chỉ riêng học sinh, trong suy nghĩ của chính giáo viên, rồi cả phụ huynh, thể dục cũng không phải là một môn quan trọng. Lý giải về điều này, TS Vũ Thu Hương- giảng viên khoa Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, giáo dục Việt Nam chỉ chú trọng đánh giá bằng điểm số cộng với bệnh thành tích nên học sinh cũng chỉ nhăm nhăm học môn văn hóa mà quên đi môn giáo dục thể chất vốn cực kì quan trọng.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, khi các em không khỏe mạnh sẽ liên quan nhiều vấn đề về đạo đức, thậm chí là cả sức khỏe tâm thần. Điều này là không thể xem nhẹ. Nhưng cũng từ thực tế giáo dục thể chất trong nhà trường phổ thông, không thể không so sánh với các nước khác. Nếu đặt chân đến các trường học ở Nhật Bản, điều đầu tiên ta thấy đó là các câu lạc bộ, các hoạt động thể dục thể thao xuất hiện khắp nơi, từ mẫu giáo cho đến tiểu học và các cấp học lớn hơn. Hoặc ở các nước phát triển khác, trong môi trường giáo dục, hoạt động thể dục thể thao là một bộ phận không thể thiếu.

Đơn cử như quan niệm về giáo dục thể chất của người Mỹ cũng được thể hiện qua bộ phim Forrest Gump nổi tiếng, kể chuyện chàng trai Forrest có IQ ở mức dưới trung bình, không mạnh khỏe, nhưng nhờ luyện tập và nỗ lực phi thường, Forrest được tuyển thẳng vào ĐH Alabama vì tài chạy nhanh đó, và trở thành siêu sao bóng bầu dục. Nhờ thành tích chơi bóng mà cậu học sinh ấy được diện kiến Tổng thống John Kennedy. Forrest Gump đã chạy vòng quanh nước Mỹ trong hơn ba năm, trở thành thần tượng và là nguồn cảm hứng cho nhiều người.

Trở lại với vấn đề giáo dục thể chất trong trường học, trước những bất cập tồn tại quá lâu của bộ môn thể dục trong nhà trường, trong chương trình mới tới đây các chuyên gia góp ý, cần phải thay đổi từ quan niệm cho tới nội dung, cách thức dạy và học bộ môn này. Làm sao phải để cả học sinh, phụ huynh và giáo viên đều hiểu và thấy được thể dục cũng là bộ môn khoa học, quan trọng không kém tri thức, đạt điểm cao phải khổ luyện.

Người có tri thức phải có cả thể lực. Học thể dục cũng chính là môn học góp phần hình thành các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh. Học thể dục cũng là để học đạo đức, học cách chia sẻ, học kỹ năng sống…Do đó, việc đổi mới cách dạy môn học thể dục/giáo dục thể chất cần chú trọng về kỹ năng, năng lực vận động. Đặc biệt là thái độ, thói quen của học sinh đối với việc tập luyện thể dục thể thao ở cả trong và ngoài nhà trường.

Như thế, chỉ khi không còn quan niệm môn học chính - phụ, thì giáo dục thể chất trong nhà trường mới được coi trọng; rèn luyện thể lực và trí lực của học sinh mới thực sự cân đối, hài hòa.

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/chu-trong-the-chat-tintuc423794