Chú trọng xây dựng hệ thống thủy lợi ở Triệu Phong

Hiện nay, trên địa bàn huyện Triệu Phong có 4 đập, hồ chứa nước và 83 trạm bơm, trong đó có 3 công trình đập, hồ chứa và 5 trạm bơm do Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị quản lý, các công trình còn lại do đơn vị thủy lợi cơ sở quản lý. Hệ thống công trình thủy lợi và trạm bơm này có nhiệm vụ tưới cho hầu hết diện tích đất trồng lúa trên địa bàn huyện.

Tiến hành kiên cố hóa hệ thống thủy lợi liên xã ở Triệu Phong - Ảnh: T.V

Để tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả hệ thống thủy lợi liên xã, Xí nghiệp Thủy nông Nam Thạch Hãn và Xí nghiệp Thủy nông Gio Cam Hà tổ chức quản lý, điều hành theo kế hoạch được duyệt, đảm bảo điều hòa phân phối nước, tiêu nước công bằng, hợp lý để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, các công trình thủy lợi nhỏ trên địa bàn huyện do các đơn vị thủy lợi cơ sở quản lý như hợp tác xã, tổ hợp tác đều phát huy hiệu quả. Các đơn vị này được thành lập theo quy định của pháp luật, có con dấu riêng, cán bộ quản lý được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo quy định.

Với hệ thống thủy lợi bao phủ khắp các cánh đồng là điều kiện thuận lợi để huyện Triệu Phong phát triển nông nghiệp trên cơ sở thế mạnh của từng vùng. Ở vùng đồng bằng đã chủ động nguồn nước tưới, huyện tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, tạo bước đột phá và sức bật mới trong sản xuất.

Điển hình có các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như sản xuất giống lúa chất lượng cao không chỉ tạo được bộ giống tốt mà còn giúp các địa phương trong huyện chủ động được nguồn giống trong sản xuất; mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, rau an toàn; thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa kết hợp với nhiều mô hình trang trại và gia trại có quy mô lớn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Một kết quả nổi bật nữa trong sản xuất nông nghiệp là huyện Triệu Phong đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện là cây lúa. Nhiều năm nay, mô hình sản xuất lúa theo hướng canh tác tự nhiên đã triển khai ở 4 xã: Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Tài, Triệu Trạch với diện tích 54 ha do Hợp tác xã Nông sản sạch Triệu Phong liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các hộ sản xuất trên địa bàn 4 xã.

Một số đơn vị như Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Quảng Trị, Công ty Giống cây trồng vật nuôi Thừa Thiên Huế thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25 theo hướng hữu cơ, có chứng nhận VietGAP với một số đơn vị sản xuất lúa trên địa bàn. Trên địa bàn đã hình thành nhiều mô hình chăn nuôi quy mô lớn có sự liên kết bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, huyện Triệu Phong có 55 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô trang trại theo Luật Chăn nuôi, trong đó có 1 trang trại quy mô lớn, 14 trang trại quy mô vừa, 40 trang trại quy mô nhỏ.

Trong thời gian tới, UBND huyện Triệu Phong xác định tiếp tục nâng cấp, sửa chữa hệ thống kênh mương hiện đang sử dụng, duy tu bảo dưỡng các công trình thủy lợi, tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân trong quá trình khai thác sử dụng hệ thống thủy lợi. Ưu tiên đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho cây trồng cạn, quan tâm xử lý kịp thời những vùng hạn, vùng thiếu nước.

Huy động, lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng chương trình, dự án nâng cấp hồ đập đảm bảo an toàn và phục vụ tưới tiêu, thực hiện tốt việc kiên cố hóa kênh mương nhằm đảm bảo hệ thống thủy lợi liên xã đồng bộ với hệ thống thủy lợi các xã theo quy hoạch. Hằng năm, thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai cũng như rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống công trình đê kè, hồ đập trên địa bàn để vận hành, quản lý, khai thác phục vụ tốt cho phát triển nông nghiệp ở địa phương.

Tuấn Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=172115&title=chu-trong-xay-dung-he-thong-thuy-loi-o-trieu-phong