Chú trọng yếu tố con người trong hiện đại hóa Cảnh sát cơ động

Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) đã được Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII thông qua với tỷ lệ phiếu rất cao. Bộ Chính trị cũng vừa tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết 12 về 'Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới', với mục tiêu đến năm 2025 một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, trong đó có Cảnh sát cơ động (CSCĐ). Đây cũng là lực lượng đã có một Đề án riêng về tiến trình hiện đại hóa...

Lực lượng đầu tiên tiến thẳng lên hiện đại

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thiếu tướng Lê Ngọc Châu, Tư lệnh CSCĐ cho biết, trong mỗi giai đoạn cách mạng, phát triển của đất nước, Đảng ta luôn xác định mục tiêu xây dựng CAND, trong đó xây dựng CSCĐ là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang, "lá chắn thép" trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (TTATXH). Không phải đến Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị, mà trước đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII và đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định "xây dựng Quân đội nhân dân, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa các lực lượng", trong đó có CSCĐ. Đây là chủ trương nhất quán, đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, là cơ sở để Chính phủ, Bộ Công an lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng CSCĐ có sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị sơ kết công tác kế hoạch, tài chính, hậu cần, kỹ thuật CAND 6 tháng đầu năm 2022.

Quán triệt và cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hiện đại hóa lực lượng CSCĐ đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 (ban hành ngày 31/3/2021) nhằm xây dựng lực lượng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có tổ chức bộ máy tinh gọn, biên chế hợp lý, trang bị hiện đại, đồng bộ; cơ sở doanh trại phù hợp; hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

"Đây là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng việc CSCĐ là lực lượng đầu tiên của Bộ Công an được Chính phủ phê duyệt đề án cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Trong đó, xây dựng lực lượng CSCĐ chính quy là động lực; nâng cao trình độ tinh nhuệ về nghiệp vụ, vững mạnh về chính trị - tư tưởng là then chốt; hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật là trọng tâm", Thiếu tướng Lê Ngọc Châu thông tin.

Là lực lượng "đi đầu" hiện đại hóa, theo đồng chí Tư lệnh, Bộ Tư lệnh CSCĐ xác định mục tiêu xây dựng CSCĐ vững mạnh về chính trị - tư tưởng; xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức, biên chế của lực lượng CSCĐ từ Trung ương đến địa phương bảo đảm chất lượng, hiệu quả, có hệ thống chỉ huy, chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất, có lực lượng đủ mạnh, tinh nhuệ, sẵn sàng chiến đấu, làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH ở mọi địa bàn, khu vực, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện sát với yêu cầu, nhiệm vụ thực tế trong công tác và chiến đấu; ưu tiên nguồn lực đầu tư hiện đại hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật và thống nhất đồng bộ về hệ thống doanh trại của các đơn vị CSCĐ. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động và xây dựng CSCĐ. Nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các chế độ, chính sách phù hợp với tính chất đặc thù, nhằm thu hút nguồn nhân lực đối với lực lượng CSCĐ đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu trong tình hình mới.

Trang bị phương tiện ngang tầm nhiệm vụ

Qua những nội dung mà Tư lệnh CSCĐ trao đổi, có thể thấy, Đề án hiện đại hóa lực lượng CSCĐ chú trọng hiện đại hóa "con người" về cả chính trị - tư tưởng, tổ chức, biên chế, công tác huấn luyện. "Sở dĩ chúng tôi nhấn mạnh xây dựng CSCĐ vững mạnh về chính trị - tư tưởng bởi đây là nguyên tắc trong xây dựng lực lượng CAND nói chung, CSCĐ nói riêng, là cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của CSCĐ", Thiếu tướng Lê Ngọc Châu lý giải. Với chức năng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH trên phạm vi toàn quốc, CSCĐ luôn là lực lượng đi đầu, vào những nơi nguy hiểm nhất, khó khăn nhất, đối mặt, đấu tranh trực diện với các loại tội phạm nguy hiểm, sử dụng vũ khí "nóng" chống trả quyết liệt lực lượng thực thi pháp luật trong các vụ việc phức tạp về ANTT, biểu tình, bạo loạn, các vụ án, chuyên án về hình sự, ma túy, buôn lậu...; cũng như phối hợp tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, dịch bệnh... với một quyết tâm cao, đã ra quân là phải giành thắng lợi. Bên cạnh đó, với đặc thù quân số đông, chiến sĩ nghĩa vụ cũng chiếm tỷ lệ cao nên công tác chính trị - tư tưởng luôn phải được quan tâm và tăng cường.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, CBCS CSCĐ phải có bản lĩnh chính trị và ý chí chiến đấu cao, có năng lực chỉ huy và tác chiến trong mọi điều kiện, hoàn cảnh; có tư duy sắc sảo, tác phong khoa học, nhanh nhạy, có khả năng năm bắt và xử lý tốt các tình huống. Ngoài ra, việc tăng cường "rèn cán luyện quân" để chuyên sâu về võ thuật, quân sự, kỹ chiến thuật nhằm đào tạo cho mỗi CBCS CSCĐ có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, phương tiện được trang bị, có kỹ năng chiến đấu tinh nhuệ, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Về vũ khí, trang bị, phương tiện, Thiếu tướng Lê Ngọc Châu cho rằng, CSCĐ cần phải được đầu tư trang thiết bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện chiến đấu hiện đại, ngang tầm với khu vực và trên thế giới để đảm bảo tính cơ động nhanh, chiến đấu hiệu quả, thích ứng với mọi loại địa hình, địa vật và các tình huống, như: xe thiết giáp, chống đạn, tàu thủy, máy bay trực thăng... để tấn công trấn áp, tiêu diệt, bắt giữ các đối tượng chủ mưu cầm đầu và nhanh chóng ổn định tình hình, không để phức tạp lan rộng, kéo dài; đồng thời bảo đảm tuyệt đối an toàn về sức khỏe, tính mạng CBCS tham gia thực hiện nhiệm vụ.

Từ lâu, Cảnh sát các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia đã được trang bị máy bay, tại Việt Nam thì ngoài lực lượng Phòng không Không quân của Bộ Quốc phòng, Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển cũng được trang bị máy bay để thực hiện nhiệm vụ... Ngoài ra, tội phạm có thể xảy ra ở những nơi các phương tiện khác không thể tiếp cận được (rừng núi hẻo lánh, mưa lũ chia cắt, tòa nhà cao tầng, ách tắc giao thông...), cần phải có lực lượng Không quân CAND làm nhiệm vụ tổ chức trinh sát, trang bị vũ khí, phương tiện, chở quân đổ bộ tác chiến, cứu nạn, cứu hộ... "CSCĐ chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ, tổ chức tác chiến tốt, bảo đảm yếu tố cơ động nhanh, bí mật, bất ngờ khi chủ động trong việc bố trí con người, phương tiện, vũ khí và phải được tổ chức huấn luyện theo phương án", Tư lệnh CSCĐ nhấn mạnh.

An Quỳnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/chu-trong-yeu-to-con-nguoi-trong-hien-dai-hoa-canh-sat-co-dong-i660732/