Chu Văn An: Thầy giáo có đức nghiệp mẫu mực của muôn đời

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Chu Văn An 'tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, không cầu lợi lộc'. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, 'học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa'.

Người thầy "Vạn thế sư biểu"- chuẩn mực muôn đời của Việt Nam

Thầy Chu Văn An hiệu là Tiều Ẩn – tự là Linh Triệt, thụy là Văn Trinh. Sinh ngày 25 tháng 8 năm Nhâm Thìn niên hiệu Trùng Hưng thứ 2 (1292) tại thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì (nay thuộc thành phố Hà Nội). Cha là Chu Văn Thiện, mẹ là Lê Thị Chuân.
Thuở nhỏ sớm có nghị lực, học rất giỏi, nghiêm khắc sửa mình, cương trực thẳng thắn, không màng danh lợi. (Theo thần tích tại quê Thanh Liệt – Thanh Trì - Hà Nội, ông đỗ Tiến sỹ năm 12 tuổi).

Mặc dù đỗ đạt cao nhưng ông không ra làm quan mà ở nhà đọc sách và dạy học tại thôn Văn. Trường Huỳnh Cung của thầy là cái nôi đào tạo hiền tài khắp xa gần. Có học trò là vương tôn, công tử, có học trò khoác áo thường dân, lại có cả học trò không phải người phàm tục. Sinh thời, ông được dân chúng tôn là "Vạn thế sư biểu", nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam.

Chu Văn An thường nói với các học trò của thầy rằng: Ta chỉ dạy cho các trò làm nguời chứ không dạy cho các tro làm quan. Học trò của thầy nhiều người đỗ đạt cao vẫn giữ đức thanh liêm và làm nên sự nghiệp lớn như: Lê Quát, Phạm Sư Mạnh. Cảm mến tài đức của thầy, vua Trần Minh Tông mời thầy về Thăng Long làm Tư nghiệp Quốc Tử giám và dạy thái tử học.

Khi Trần Dụ Tông lên ngôi, vua ham thích vui chơi, trễ nải việc chính trị, bề tôi nhiều người vi phạm phép nước, đời sống nhân dân khổ cực cơ hàn – sưu cao thuế nặng, bọn gian thần thì lộng quyền hà khắc ức hiếp dân lành. Vận mệnh đất nước ảm đạm bởi lũ quan tham. Thấy được tội ác tầy trời của những kẻ nịnh thần cần phải xử nghiêm để giữ yên kỷ cương phép nước, nhiều lần Chu Văn An thẳng thắn khuyên vua sửa trị nhưng vua không nghe. Thầy dâng “Thất trảm sớ” xin chém đầu 7 tên nịnh thần nhưng vua bỏ qua không xem xét. ( Mai Thọ Đức, Trâu Canh, Bùi Khâm, Văn Hiến, Nguyễn Thanh Lương, Tâm Đức Ngưu, Đoàn Nhữ Cẩu).

Đau lòng trước nhân tình, thế thái thầy từ quan, treo mũ áo tại cửa Huyền Vũ, về núi Phượng Hoàng, Chí Linh, dựng nhà dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách lưu lại cho hậu thế. Sống giữa tùng xanh, trúc biếc, lấy tên Tiều Ẩn – ví mình như một tiều phu ẩn dật trong rừng.

Đau lòng trước nhân tình, thế thái thầy từ quan, treo mũ áo tại cửa Huyền Vũ, về núi Phượng Hoàng, Chí Linh, dựng nhà dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách lưu lại cho hậu thế.

Tuy ở chốn lâm tuyền nhưng tấm lòng thầy vẫn đau đáu vận mệnh quốc gia. Và triều đình cũng không quên một nhân tài mẫu mực. Khi triều chính có đại sự, bao giờ cũng mời ông về tham dự. Mỗi lần như thế ông đều tâu bày thẳng thắn, hy vọng giữ vững kỉ cương, làm cho quốc thái, dân an, thể hiện một nhân cách lớn. Vua thường cho người mang lễ vật đến nhà ban tặng. Thầy thường từ chối và nếu có nhận lại đem chia cho mọi người.

Năm 1370, Trần Nghệ Tông lên ngôi, thầy tuy tuổi đã cao, vẫn chống gậy về kinh bái yết. Vua ban chức gì thầy cũng không nhận. Thầy trở lại nhà riêng ở Phượng Hoàng và mất tại đây vào ngày 26 tháng 11 năm Canh Tuất (1370) thọ 79 tuổi.

Vua được tin liền cho quan triều đến tế, đặt tên Thụy là Văn Trinh, hiệu là: Tiều Ẩn Khang Tiết tiên sinh, sắc phong Thượng Đẳng Thần và cho phối thờ tại Văn Miếu, ban tiền làm đền thờ ở 27 xã có môn sinh của Chu Văn An. Đây là trường hợp đặc biệt của giới nho sĩ nước nhà.

Gây dựng một nền giáo dục đi tới muôn dân

Sau khi thầy mất, học trò làm nhà bên mộ đến cả năm, tế lễ để tỏ lòng thương tiếc thầy. Lịch sử dân tộc tôn vinh thầy là nhà nho có đức nghiệp lớn nhất. Sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bàn: “Văn Trinh Công thờ vua thì nói thẳng trước mặt; việc xuất hay xử đều có lí lẽ, rèn đúc nhân tài thành công khanh; cao thượng, tiết tháo, thiên tử cũng không bắt nổi làm tôi, nét mặt nghiêm nghị mà đạo làm thầy được tôn; lời nói lẫm liệt mà kẻ nịnh phải sợ. Đáng là bậc tôn sư của nhà nho nước Nam ta.”

Trong sự nghiệp giáo dục, thầy giáo Chu Văn An có nhiều cải cách tiến bộ khiến cho đương thời và mãi mãi về sau ghi nhận và trân trọng. Thầy là người đầu tiên truyền đạo Nho của Khổng Tử sang Việt Nam thành một đạo riêng biệt của người Việt đó là “Hữu giáo vô loại”, tức là nền giáo dục đi tới muôn dân.

Trong khắp các nhà trường của chúng ta ngày nay đều dạy học sinh theo quan điểm “Học đi đôi với hành” Điều này 700 năm trước thầy Chu Văn An đã nói: “ Học mới chỉ là mắt, hành mới có chân. Có mắt, có chân mới tiến được, có biết mới làm được, có làm mới biết. Nhưng cái biết trong làm mới là cái biết thiết thực, cái biết sâu sắc nhất.

Đã hơn sáu thế kỷ, kể từ khi Chu Văn An qua đời, những tư liệu viết về ông đã thất lạc nhiều, di tích liên quan đến ông cũng thay hình đổi dạng. thế nhưng, những gì người đời viết về ông còn lại đến hôm nay đều là những lời lẽ trân trọng, chí tình về một nhà giáo tài đức vẹn toàn.

Hiếu Lan

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/dan-toc-ton-giao/van-hoa/chu-van-an-thay-giao-co-du-c-nghie-p-mau-muc-cua-muon-doi-803570.html