'Chưa bao giờ tôi mua được cho cháu chiếc lồng đèn…'

Trong cơn mưa của những ngày cận trung thu, cụ bà hai Thành bán chuối tại góc đường Nguyễn Công Trứ (Q.1, TP.HCM) không giấu được cảm xúc khi được tặng chiếc lồng đèn miễn phí.

Các thành viên lớp học sẽ tặng lồng đèn cho người lao động nghèo đến cuối tuần này - Ảnh: HOA NỮ

Trao gửi yêu thương

Cụ hai Thành là một trong những người lao động nghèo được các bạn trẻ đến từ Lớp học hạnh phúc (lớp học đặc biệt của những người trẻ đam mê thiện nguyện), đến tận nơi trao tặng những chiếc lồng đèn nhân dịp trung thu đang về.

Đêm 20.9, trời mưa xối xả nhưng các thành viên của Lớp học hạnh phúc vẫn đội mưa đến với người lao động nghèo. Các bạn đi nhiều nẻo đường của TP.HCM, nơi đâu có người lao động nghèo đang mưu sinh trong đêm, các bạn đều dừng chân lại, mang những chiếc lồng đèn do chính các bạn làm từ những vật liệu tái chế để tặng. Mỗi chiếc lồng đèn trao đi, như trao chính niềm vui và hạnh phúc mà các bạn gói ghém vào trong từng cái ống hút, từng chai nhựa rồi tạo thành những chiếc đèn lấp lánh đầy hy vọng.

Dù trời mưa, các bạn trẻ vẫn lặn lội mang trung thu về sớm cho người lao động nghèo - Ảnh: HOA NỮ

“Vì gánh mưu sinh và lo toan cuộc sống, nên họ chịu nhiều thiệt thòi so với người khác. Và đôi khi trong dòng đời mưu sinh vất vả đó, họ quên mất đi việc phải mua cho con, cho cháu một chiếc lồng đèn. Chính vì thế, nếu mình mang lồng đèn tặng cho các bác, sau giờ lao động, các bác sẽ mang về tặng cho con, cháu mình. Từ đó niềm vui và hạnh phúc sẽ nhân lên rất nhiều lần", anh Trần Lý Thành, người sáng lập lớp học, chia sẻ.

Vừa nhìn thấy bác lao công đang tất tả với xe rác trong đêm mưa, các thành viên đã chạy đến. Lúc đầu, bác lao công đứng thẫn thờ vì ngạc nhiên khi được tặng quà. Sau khi nghe các bạn trẻ chia sẻ về lý do và gửi lời chúc gia đình bác một mùa trung thu đầm ấm, bác lao công xúc động rồi nói lời cảm ơn.

Nhận được chiếc lồng đèn, bác Vũ gắn vào xe và tiếp tục công việc của mình - Ảnh: HOA NỮ

Hỏi chuyện thì biết bác tên là Nguyễn Văn Vũ (nhà ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) mỗi ngày bác đi làm từ 19 giờ đến 3 giờ sáng mới về. Nghe bác kể xong, Nguyễn Thị Cẩm Duyên (thành viên của lớp) thốt lên: “Thương bác quá, giờ đó em còn chăn ấm nệm êm, yên giấc ngủ. Nếu không đi như thế này, em đâu biết được có nhiều hoàn cảnh mưu sinh vất vả đến như vậy”.

Chia tay bác Vũ, chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến với những người lao động nghèo. Trên đường đi, Duyên kể: “Nhờ tham gia những hoạt động như thế này, em trưởng thành hơn rất nhiều. Ở lứa tuổi này của em, công danh sự nghiệp và tiền bạc đều không có. Em chỉ biết góp những công sức nhỏ bé nhất để mong chia sẻ được một chút niềm vui và hạnh phúc nào đó trong cuộc sống. Từ nhỏ em đã có ước mơ lớn lên sẽ làm thật nhiều tiền, sau đó xây những cô nhi viện để giúp đỡ trẻ em mồ côi. Nhưng có lẽ ước mơ đó quá xa vời với em bây giờ, nên em sẽ bắt đầu bằng những hành động nhỏ nhất”.

Hạnh phúc đơn giản là sẻ chia

Và sự trưởng thành mà Duyên nhắc đến trong chia sẻ của mình, cũng chính là điểm chung mà các thành viên của Lớp học hạnh phúc đều cảm nhận được. Đấy là những yêu thương và cho đi, là những câu chuyện, những mảnh đời mà các thành viên gặp được trong suốt hành trình thiện nguyện về với người lao động nghèo.

Bé My (2 tuổi) con của chị Nguyễn Thị Lan (Q.4, TP.HCM) theo mẹ đi bán ban đêm, thích thú khi nhận được chiếc lồng đèn - Ảnh: HOA NỮ

Trong đó có câu chuyện của cụ hai Thành bán chuối, đã để lại trong chúng tôi nhiều xúc cảm khó quên.

Lúc chúng tôi tới chỗ cụ, trời vừa tạnh cơn mưa, cụ di chuyển rổ chuối của mình ra mép đường để tiếp tục bán. Cụ nói từ chiều đến giờ mưa suốt nên mới bán được 2 nải chuối. Nhận được chiếc lồng đèn, cụ mừng rơn như bán hết cả rổ chuối của ngày hôm nay.

Mân mê chiếc đèn lồng trên tay, cụ nói: “Chưa bao giờ tôi mua được cho cháu chiếc lồng đèn. Nay mang chiếc lồng đèn này về, cháu tôi sẽ vui lắm đây”. Rồi cũng như bao người lao động khác được các bạn trẻ tặng lồng đèn, cụ hai Thành rối rít cảm ơn.

Cụ hai Thành kể về quá trình nhặt đứa cháu nuôi của mình - Ảnh: HOA NỮ

Người cháu mà cụ nhắc đến là đứa cháu nuôi, cụ nhặt được lúc mới hơn 1 tháng tuổi và nuôi đến bây giờ đã gần 15 năm. Nhà cụ ở huyện Hóc Môn (TP.HCM), nhưng cụ lên Q.1 để bán chuối, cả ngày đến đêm cụ đi bán, bán hết chuối cụ lại về thuê trọ gần cầu Ông Lãnh để tắm rửa và ngủ nghỉ.

“Chỉ để tắm rửa và ngủ thôi, sáng ra lại đi tiếp. Như thế cho đỡ tốn tiền, một lần tắm giặt và ngủ như vậy là 25.000 đồng”, cụ hai Thành nói.

Rồi câu chuyện của chú chín Phát chạy xe ôm, năm nay chú đã 70 tuổi nhưng vẫn không thể bỏ nghề chạy xe ôm. Một phần vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, một phần cũng vì nhớ nghề.

Chú chín Phát hạnh phúc khi được các bạn trẻ ghé thăm, trò chuyện và tặng lồng đèn - Ảnh: HOA NỮ

“Thời nay, xe công nghệ chạy nên khách ít đi nhiều, nhưng tôi cũng không bỏ nghề được, nhớ lắm. Vừa kiếm đồng vào đồng ra, vừa chạy cho những khách quen, đi đâu họ cũng gọi mình. Với đi làm, gặp rồi nói chuyện với các cháu như thế này, cũng vui lắm”, chú chín Phát trải lòng.

Nói rồi, chú nhận chiếc lồng đèn từ các bạn trẻ nhưng băn khoăn hỏi: “Còn cái nào nữa không các cháu. Hay chỉ có một chiếc này nữa thôi, nếu có một chiếc này thì các cháu để dành cho những người khác. Còn nhiều khổ lắm các cháu à”.

Dù đấy không phải là chiếc lồng đèn cuối cùng, nhưng những lời chú chia sẻ khiến chúng tôi ấm lòng. Rồi chúng tôi tự nhủ: “Hạnh phúc đâu phải là điều gì đó quá lớn lao, hạnh phúc đơn giản là khi được sẻ chia”.

Hoa Nữ

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/chua-bao-gio-toi-mua-duoc-cho-chau-chiec-long-den-1005300.html