Chữa bệnh vô cảm

Không phải đến khi xảy ra vụ việc một nữ sinh tại Hưng Yên bị đánh hội đồng một cách dã man, người ta mới đặt câu hỏi: Trẻ em yếu thế không được bảo vệ thì trách nhiệm thuộc về ai? Bởi lâu nay, việc giúp những đứa trẻ tự kỷ, những trẻ khiếm khuyết kỹ năng sống hòa nhập cộng đồng vẫn là cuộc vật lộn gian nan của không ít gia đình. Nếu để những đứa trẻ sợ hãi mỗi ngày đến trường thì đây thực sự là một việc đáng suy ngẫm.

Xây dựng môi trường học đường lành mạnh để mỗi ngày trẻ đến trường là một ngày vui.

Xây dựng môi trường học đường lành mạnh để mỗi ngày trẻ đến trường là một ngày vui.

Sau sự việc vừa xảy ra với học sinh Y. (Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), nhiều học sinh cho biết, đây không phải lần đầu tiên em bị bạn bè hành hạ như vậy. Sau khi xảy ra vụ việc, nạn nhân bất ổn về tâm lý nên được gia đình đưa vào Bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên điều trị. Vụ việc gây bất bình dư luận, nhưng tìm hiểu được biết ngay cả một số bạn bè và thầy cô giáo trong trường cũng có quan điểm cho rằng: Em Y. bị bắt nạt, bị kỳ thị do “kỹ năng sống chưa tốt”! Đây thực sự là một quan điểm phản giáo dục, bởi như thế những người như em Y. sẽ bị thiệt thòi đến 2 lần mỗi ngày tới trường. Em vừa thiếu sự hỗ trợ giúp đỡ từ giáo viên chủ nhiệm, từ bạn bè hơn thế lại còn luôn đứng trước nguy cơ bị hành hung tập thể.

Gần như năm học nào, trên khắp cả nước cũng xảy ra những vụ bạo lực học đường đau lòng. Đáng báo động hơn, là rất nhiều vụ bạo lực tuy có người chứng kiến (chụp ảnh, ghi hình lại), nhưng những người bị hành hung đã không hề nhận được sự trợ giúp, bênh vực từ bè bạn. Tại sao những đứa trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường lại hành động thiếu nhân văn với chính bạn học của mình? Trong khi hàng ngày, hàng giờ chúng ta vẫn mong muốn “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” với con trẻ; bàn chuyện “ứng xử văn minh trong môi trường giáo dục”... Phải chăng lối giáo dục áp đặt, thiếu dân chủ, thậm chí ra hình phạt học sinh bằng cách giáo viên yêu cầu học sinh đánh bạn đã “gieo mầm” bạo lực và vô cảm trước cái ác vào chính các em vốn “tính bản thiện”?

Một giáo viên cũng đang làm công tác chủ nhiệm học sinh lớp 9 THCS đã chia sẻ, sau sự việc vừa qua, chính cô cũng suy nghĩ rất nhiều về vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong nhà trường. Trong trường hợp giáo viên nói đã “làm hết trách nhiệm” như ở Trường THCS Phù Ủng mà vẫn để hậu quả cực kỳ đau lòng xảy ra thì đó là biểu hiện của vô trách nhiệm. Sự vô cảm của giáo viên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường dã man như thế. Sự vô cảm thể hiện ở việc không quan tâm tới hoàn cảnh đặc biệt của học sinh; không quan tâm tới tâm tư tình cảm của học trò đang lớn; coi chuyện hành hung bạn là chuyện đánh nhau của “trẻ con”. Những hành vi bắt nạt bạn trong lớp không phải bộc phát, nó tiềm ẩn từ lâu. Đáng lý, khi sự việc diễn ra lần đầu tiên, cô phải biết và giáo dục học sinh ngay. Nhưng cô để học sinh bị bắt nạt nhiều lần và đến lần này thì sự việc quá nghiêm trọng. Cô thiếu nhiều thứ quá, thiếu tình thương, thiếu cả phương pháp…

Người lớn quá vô tình và vô cảm, ngày lại ngày sẽ tiếp tay cho mầm ác. Trong trường hợp nêu trên, những bạn học đánh bạn Y. phải được giáo dục lại đã đành, nhưng cả một tập thể lớp mà không bạn nào lên tiếng bênh vực bạn Y. thì rõ ràng em đã bị đẩy vào thế cô đơn, không thể tìm được sự chở che.

Từ trường hợp của em Y. ở Hưng Yên, nhiều bậc phụ huynh không khỏi chạnh lòng về chặng đường hòa nhập cộng đồng gian nan của những đứa trẻ tự kỷ, những trẻ khiếm khuyết kỹ năng sống. Hiện một số tỉnh thành đã đặt ra vấn đề “không được từ chối tiếp nhận trẻ tự kỷ”, nhưng cái khó là các trường không đủ điều kiện, nhân lực, không có phương pháp để chăm sóc, giáo dục trẻ bị rối loạn tâm lý, hành vi nên hầu hết trẻ tự kỷ ở các địa phương tuy được nhận vào các trường công nhưng đều không thực sự được hòa nhập. Chưa kể ở nhiều nơi trẻ tự kỷ bị từ chối nhận, hoặc nhận nhưng phụ huynh phải cam kết cùng nhà trường rèn để con đạt tiêu chí học tập như trẻ bình thường khác, còn những vấn đề bất thường xảy ra nhà trường không chịu trách nhiệm. Chính điều này đã dẫn đến việc một số phụ huynh có con tự kỷ chưa dám cho con đến trường khi con ở độ tuổi tiểu học. Có những trẻ 8-9 tuổi vẫn được cha mẹ cố gắng xin cho ở lại trường mầm non chỉ vì con chưa tự làm được các việc vệ sinh cá nhân…

Như thế, chừng nào những đứa trẻ yếu thế còn bị kỳ thị bởi thói vô cảm, thì cơ hội được bình đẳng với bạn học, cơ hội hòa nhập và được tôn trọng ở cộng đồng còn rất xa vời.

Hỗ trợ trẻ em yếu thế không chỉ là sự hảo tâm, mà còn là sự giang tay, sẻ chia của cộng đồng, để các em có cơ hội được sống giữa tình yêu thương, được bình đẳng trong tiếp cận mọi quyền lợi, nhất là quyền của trẻ em. Nếu để những đứa trẻ thấy sợ hãi mỗi ngày đến trường thì đây thực sự là một việc đáng suy ngẫm.

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/chua-benh-vo-cam-tintuc433589