Chưa biết bao giờ Mỹ mới chặn được tên lửa Nga

Theo Phó Đô đốc John Hill, Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA), Mỹ đang phát triển hệ thống phòng thủ tích hợp đối phó tên lửa Nga.

Giám đốc của MDA cho biết, việc Mỹ phải bắt tay vào phát triển hệ thống phòng thủ tích hợp là do những hệ thống đánh chặn hiện tại của nước này không đủ để đối phó với tên lửa thế hệ mới của Nga.

Sự xuất hiện của vũ khí răn đe hạt nhân mới nhất của Nga - tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Sarmat và đầu đạn siêu vượt âm Avangard đã giúp Nga đã vượt qua Mỹ trong một loạt các công nghệ quân sự.

Khả năng của hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia không đủ để giảm thiểu một phần thiệt hại tiềm tàng trong trường hợp Chiến tranh thế giới thứ ba bùng nổ.

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Hiện lãnh thổ Mỹ được bao phủ bảo vệ trước một cuộc tấn công ồ ạt bằng hàng chục tên lửa đánh chặn GBMD đặt trong hầm phóng ở Alaska và California. Chúng được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu đạn đạo trong không gian vũ trụ.

Ba trạm radar PAVE PAWS cố định ở các hướng chiến lược quan trọng nhất chỉ định mục tiêu cho tên lửa đánh chặn. Hệ thống này đã được đưa vào hoạt động vào năm 2005. Nhưng trong các cuộc thử nghiệm, GBMD chỉ bắn hạ được một nửa số mục tiêu, vụ thử không làm người Mỹ hài lòng.

Giữa những năm 2010, Washington chi gần 6 tỷ USD cho việc phát triển một đầu đạn mới cho tên lửa đánh chặn. Nhưng vào năm 2019, dự án đã phải đóng cửa do đầu đạn có những sai sót nghiêm trọng trong thiết kế.

Đến đầu năm 2020, Lầu Năm Góc quyết định phát triển tên lửa đánh chặn thế hệ tiếp theo (Chương trình Next-Generation Interceptor, NGI). Trong trường hợp tốt nhất, vũ khí sẽ được trang bị trong nửa sau của thập kỷ này.

Cho đến khi đó, việc đảm bảo an ninh Mỹ được đề xuất sử dụng các phương thức tương tự như các yếu tố hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực, đặt ở các khu vực khác nhau trên thế giới.

Ngoài ra, Mỹ còn có hệ thống lá chắn trên biển là những tàu Aegis với tên lửa đánh chặn thế hệ mới Standard SM-3 Block IIA. Hiện việc triển khai hệ thống Aegis Ashore tại Mỹ cũng đã được tính đến để tăng cường khả năng phòng thủ cho đất nước.

Theo Phó Đô đốc John Hill, lớp phòng thủ cuối cùng hiện nay là những tổ hợp THAAD. Hiện những hệ thống này đang được triển khai tại Hàn Quốc và Guam.

"Khó khăn nhất là liên kết cả ba lớp trong hệ thống phòng thủ tên lửa đầy hứa hẹn thành một tổng thể duy nhất. Để có hành động phối hợp, cần tạo ra một mạng lưới giao tiếp hiệu quả.

Ngoài ra, cần tích hợp hệ thống phòng không Patriot vào đó. Các quân nhân phụ trách hệ thống phòng thủ tên lửa của đất nước phải được có sự lựa chọn sử dụng phương tiện nào trong những thời điểm thích hợp", Phó Đô đốc John Hill cho biết.

Ông John Hill thừa nhận, việc hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ vẫn còn lâu mới hoàn thành. Đầu tiên, không rõ sẽ cần đến bao nhiêu hệ thống. Thứ hai, vẫn chưa có sự quản lý thống nhất đối với hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp. Thứ ba, hiệu quả chống lại các loại vũ khí mới nhất của Nga vẫn chưa được chứng minh.

Các nhà phân tích Mỹ cảnh báo quân đội rằng chỉ tăng số lượng tên lửa đánh chặn là không đủ. Lầu Năm Góc cần phát triển thành phần không quân: tên lửa đánh chặn trên các máy bay chiến đấu hiện đại. Ngoài ra, các vệ tinh quỹ đạo sẽ đóng một vai trò quan trọng, dẫn đường trong tất cả các giai đoạn hành trình bay.

Đặc biệt, những hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại của Mỹ chỉ có khả năng tiêu diệt các tên lửa bay tương đối chậm theo một lộ trình có thể đoán trước được. Chúng vẫn chưa biết cách phát hiện và bắn hạ các đầu đạn siêu thanh cơ động như những vũ khí thế hệ mới của Nga.

Thanh Hà

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/chua-biet-bao-gio-my-moi-chan-duoc-ten-lua-nga-3437525/