Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào

Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh xem xét khả năng đánh thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, thay vì 10% như đề xuất ban đầu. Đây là tín hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng leo thang mạnh mẽ trong cuộc đọ sức thương mại với Trung Quốc. Giới quan sát nhận định Trung Quốc đang ở thế bị động, chỉ biết 'ăn miếng trả miếng'. Sự thật có đơn giản như vậy?

Hai sai lầm lớn của Trung Quốc

Chuyên gia Trương Lâm, thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc ở Bắc Kinh nhận định, Bắc Kinh đã phạm "hai sai lầm lớn" trong cuộc chiến tranh thương mại với Washington. Sai lầm cơ bản thứ nhất là Bắc Kinh quá coi thường Tổng thống Trump, cho rằng ông chỉ là một doanh nhân và những đe dọa chiến tranh thương mại chỉ là đòn phô trương thanh thế bề ngoài trước cuộc bầu cử giữa kỳ. Bắc Kinh đã quên rằng trong bản Chiến lược Quốc phòng công bố trước khi căng thẳng thương mại leo thang, Washington đã xác định không thể chấp nhận các hoạt động thương mại và kinh tế của Trung Quốc như hiện nay. Cái sai thứ hai là không thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và EU, và hy vọng một cách thiếu thực tế rằng có thể hình thành liên minh thương mại với châu Âu để đối phó với Washington. Thực tế là dù quan hệ xuyên Đại Tây Dương có nhiều bất đồng nhưng nhìn chung, các nước phương Tây đều cùng chia sẻ một số giá trị chung cốt lõi. Tuyên bố mới nhất về thương mại giữa Mỹ và EU đã gửi thêm một thông điệp đến Bắc Kinh, theo đó Washington và Brussels sẽ "làm việc chặt chẽ với nhau, cũng như với các đối tác cùng chí hướng" để giải quyết một loạt vấn đề như "đánh cắp tài sản trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp, thị trường bị các công ty nhà nước bóp méo, và tình trạng sản xuất dư thừa".

Vì những sai lầm trên, Bắc Kinh đã bị đẩy vào một cuộc đọ sức thương mại với cường quốc kinh tế số một thế giới, với hệ quả là "thời vàng son của ngành xuất khẩu" Trung Quốc đang trên đà cáo chung. Nếu Mỹ và EU, và thậm chí Nhật Bản, hình thành một khối tự do thương mại mới trong khi kinh tế Trung Quốc chững lại, Bắc Kinh sẽ càng khó phục hồi đà tăng trưởng…

"Điểm huyệt" ngành dầu khí Mỹ

Tuy nhiên, dù bị động nhưng Bắc Kinh cũng “không phải dạng vừa”. Một trong những bằng chứng rõ nhất là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có nguy cơ khiến thêm một ngành công nghiệp đang bùng nổ của Mỹ - là xuất khẩu dầu khí - chới với.

Xuất khẩu dầu của Mỹ đã tăng hơn 4 lần kể từ khi Quốc hội cuối năm 2015 rút lại lệnh cấm kéo dài 40 năm. Mức tăng trưởng thần tốc của ngành công nghiệp này đã đưa sản lượng dầu của Mỹ lên mức cao kỷ lục và dẫn tới việc xây dựng những cơ sở xuất khẩu khổng lồ. Tuy nhiên, mặt hàng xuất khẩu này của Mỹ đang đối diện với nhiều nguy cơ. Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai của Mỹ, mới đây đe dọa áp thuế lên dầu thô của Mỹ để trả đũa các biện pháp thuế quan của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc. Nếu Trung Quốc làm thật, xuất khẩu dầu của Mỹ sẽ tụt giảm, giá dầu nội địa của Mỹ sẽ bị tổn thương và hoạt động của ngành công nghiệp năng lượng sẽ bị chậm lại. Các hải cảng trên khắp vùng vịnh của Mỹ đã đổ rất nhiều tiền của nâng cấp cơ sở vật chất để có thể tiếp nhận những con tàu chở dầu khổng lồ. Các đường ống dẫn cũng được xây dựng để chuyển dầu từ các giếng dầu Bakken và Permian Basin ở Tây Texas đến Vùng Vịnh Mexico, nơi chúng sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, nguy cơ là Mỹ không thể tìm được thị trường khác đủ sức thay thế Trung Quốc.

Về phần mình, Trung Quốc có thể dễ dàng mua dầu từ các quốc gia khác, trong đó có Iran, vốn đang tuyệt vọng tìm khách hàng do lệnh trừng phạt hà khắc của Mỹ. Đây sẽ là một kết cục đáng lo ngại cho các công ty dầu khí Mỹ vốn dựa vào xuất khẩu. Để lách lệnh trừng phạt của Mỹ, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ mua dầu Iran thông qua một ngân hàng họ đã từng sử dụng trong các vụ giao dịch trước đây với Iran. Số tiền này sau đó sẽ được Iran dùng để mua hàng hóa của Trung Quốc.

Vĩnh Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chua-biet-meo-nao-can-miu-nao.aspx