Chứa Chan - núi của những câu chuyện kỳ thú

Tôi đã 4 lần lên núi Chứa Chan, đi bộ và một lần lên bằng cáp treo gần đây nhất. Mỗi chuyến đi với mục đích khác nhau: khảo sát tư liệu dân gian, tìm hiểu về di tích và... rong chơi trên con đường còn hoang sơ, ngoằn ngoèo và nhìn núi ở độ cao vượt trên tầng cây từ thùng cáp. Mỗi trải nghiệm khác nhau nhưng rất thú vị đối với dãy núi địa đầu của Đồng Nai về phía đông trong địa phận H.Xuân Lộc.

Tác giả trên đường lên núi Chứa Chan. Ảnh: Xuân Nam

Tác giả trên đường lên núi Chứa Chan. Ảnh: Xuân Nam

Không biết từ khi nào và ai đặt tên Chứa Chan cho ngọn núi được xem là “đệ nhị thiên sơn” của Đông Nam bộ (sau núi Bà Đen ở Tây Ninh). Người dân địa phương còn gọi núi Chứa Chan là núi Gia Ray, Gia Lào. Đến nay, cái tên Chứa Chan đã quen thuộc với nhiều người khi khu núi này được xếp hạng danh lam thắng cảnh cấp quốc gia năm 2012 và đi vào hoạt động khai thác du lịch.

Thực ra, nhiều tư liệu xen lẫn với truyện kể dân gian qua nhiều thời kỳ về ngọn núi này cứ đan xen nhau trong lớp mờ ảo, tạo thành huyền tích chứ không hẳn là tư liệu xác đáng. Và có lẽ, đó cũng là cái cách để tạo nên sự hấp dẫn cho núi, cho chùa trên núi hay một thuyết nào đó để lý giải…

* Thiên nhiên và chùa trên núi

Núi Chứa Chan thuộc địa phận 4 xã và 1 thị trấn của H.Xuân Lộc, có hình vòng cung gồm 3 ngọn nối tiếp hình bát úp với diện tích 1.400ha. Những lần lên núi, tôi chỉ dừng ở lưng chừng núi và điểm chính là chùa Bửu Quang để nhìn lên đỉnh và xuống phía thung lũng xa. Nếu có cao hơn chút nữa là lúc leo lên trên những tảng đá sau núi nhìn cho rõ hơn, chụp một ảnh làm kỷ niệm chứ chưa có điều kiện chinh phục độ cao nhất của núi. Vì vậy, tôi phải xem những tư liệu liên quan ghi chép về núi này và biết được một số thông tin của đỉnh cao nhất trong cụm núi Chứa Chan. Đỉnh cao nhất của núi Chứa Chan được xác định 837m so với mực nước biển. Phần lớn, sườn núi có độ nghiêng 30-35O và có những nơi tạo vách thẳng đứng.

Núi Chứa Chan là nơi phát nguyên của các con suối: suối Gia Ui (chảy về hướng đông), Gia Miên (hướng tây), Gia Liêu (hướng nam) và Gia Lào (hướng bắc) với nguồn nước trong mát quanh năm. Trên các hốc đá, những mạch nước ngầm sủi lên và tụ lại, người dân địa phương gọi là giếng Tiên.

Trên núi có 4 ngôi chùa. Chùa Bửu Quang ở vị trí cao nhất, tọa lạc theo thế của một số vách, hàm đá có độ cao trên 660m. Chùa được khai sơn vào đầu thế kỷ XX với sự kiến tạo theo hàm Rồng của một hang đá.

Nền chùa này được truyền tụng có vết tích của ngôi chùa cổ, xây bằng đất sét do hòa thượng Ngộ Chơn/Bửu Chơn khởi dựng vào thời Nguyễn. Thuở xưa với nhiều thú dữ, nhà sư đến trú ngụ, đưa Phật pháp đến với vùng đất này. Sau khi nhà sư hóa xác vân du, người dân lấp kín cửa động để nhớ về con người đắc đạo, lưu tồn di tích miền sơn cước.

Có cảnh quan với vòng cung núi ở địa đầu Đồng Nai, những dấu tích về tín ngưỡng tôn giáo, từng là căn cứ kháng chiến gắn liền với sinh thái đa dạng, núi Chứa Chan với những giá trị lịch sử - văn hóa - môi trường đã được xếp hạng di tích, được đầu tư phát triển du lịch. Khi đi trên những bậc thềm khu cáp treo trên núi, những dự án khai thác đầu tư khá hoành tráng được trưng bày thật hấp dẫn có lẽ sẽ cuốn hút những du khách tiếp tục đến tham quan.

Qua nhiều đời truyền thừa, kiến trúc chùa Bửu Quang được mở rộng, tôn tạo và ngày nay trở thành điểm hành hương của nhiều Phật tử, trong đó đông đảo nhất vào lễ hội tháng Giêng.

Các ngôi chùa khác được khởi dựng muộn, vào giữa thập niên 50 (thế kỷ XX), cũng tựa dựng vào thế của các hang đá trên sườn núi: chùa Lâm Sơn (độ cao 250m), chùa Linh Sơn (450m).

Hiện nay, có hai đường lên chùa Bửu Quang - có vị trí cao nhất trong các chùa ở trên núi Chứa Chan. Đường cáp treo rất thuận lợi được đầu tư và quản lý của Công ty TNHH TM&SX Toàn Xuân Hưng. Từ đường cáp treo, du khách có thể ngắm những tầng cây phía dưới, các chòi rẫy, vườn cây xanh chen lẫn với đá. Phóng tầm mắt ra xa, có thể thấy một cánh đồng rộng lớn với những mảng ruộng lúa xanh, những khu dân cư thấp thoáng. Con đường đi bộ thì dài men theo vách núi đã định hình từ trước khá lâu bởi những người dân địa phương với độ dài hơn 3km. Trước đây còn hoang vắng, đường mòn, đá lởm chởm xuyên qua những vườn, rẫy của người dân. Hiện nay, đường khá dễ đi với những bậc tam cấp nối tiếp nhau. Đặc biệt, trên một số đoạn đường được tạo thế bằng phẳng để người đi bộ có thể nghỉ chân.

Trên con đường này, có một địa điểm được nhiều người hành hương ghé lại gắn liền với một dáng cây kỳ thú, cây đa ba gốc. Cây cao hơn 12m và có ba gốc lớn, chụm lại tạo nên một ngọn cao. Nhiều câu chuyện mang tính chất huyền hoặc đã làm cho nhiều người tò mò và dừng lại nơi đây.

Hiện nay, sự lựa chọn cho du khách tham quan Chứa Chan, đến chùa Bửu Quang khá thuận lợi. Tùy theo khả năng và sở thích mà du khách chọn đi cáp treo hay bộ hành để thưởng ngoạn cảnh quan từ trên cao.

* Dấu tích và chuyện xưa

Trên đỉnh cao nhất của núi có những điểm đáng chú ý: Thứ nhất, nhà nghỉ xây hoàn toàn bằng đá, gồm 2 phòng, khoảng 50m2 và hồ nước được làm trước năm 1945. Nhà nghỉ là nơi những quan chức của bộ máy thuộc địa Pháp ở Đông Dương đến nghỉ ngơi, hai danh tính được nhắc đến là Thống đốc Pierre André Michel Pagès (1936-1939), Toàn quyền Decoux (1940-1945). Hồ nước được thực hiện theo cách đục từ một phiến đá nguyên khối để chứa nước và dẫn tới nhà ga xe lửa Gia Ray. Nước từ hồ nước này trong và sạch vẫn còn được sử dụng.

Núi Chứa Chan. Ảnh: Hoàng Long

Thứ hai, khu vườn trà của nhà vua Bảo Đại chung quanh ngôi biệt thự. Những dịp đến đây, vua Bảo Đại nghỉ ngơi, săn bắn và chơ thể thao (tennis). Thập niên 70, quân đội Mỹ phá bỏ ngôi biệt thự để xây dựng một trạm rada, sân bay dã chiến. Vườn chè xưa còn lưu dấu bởi những cây chè cổ thụ.

Rải rác trong khu vực núi Chứa Chan có nhiều cụm, tảng đá khá độc đáo. Khu vực triền núi cao ở phía Bắc thuộc xã Xuân Trường có bãi đá nhiều hình thú, công kênh vào nhau với diện tích khoảng 500m2. Nhiều tảng đá ken vào thành những bức tường dày, lối vào âm sâu, khúc khuỷu. Khu vực đá này khi các cơ quan xếp hạng di tích định danh là Mật khu Hầm Hinh bởi gắn liền với thời kỳ các lực lượng cách mạng dùng làm căn cứ thời chống Pháp, chống Mỹ. Nhà văn Trần Thu Hằng của Đồng Nai phóng tác viết về một chuyện tình liên quan đến khu di tích này đã xuất bản khá thú vị.

Một số hình ảnh của người Pháp đầu thế kỷ XX phản ánh về cộng đồng dân tộc sinh sống ở khu vực núi Chứa Chan với những nét văn hóa tộc người độc đáo. Trong kho tàng truyện kể dân gian, người Chơro có nhắc đến hình ảnh người khổng lồ buổi sáng ăn mây trời. Núi cao, phủ mây vào sáng sớm và người khổng lồ đã nuốt, vén mây trời, đem ánh sáng cho các buôn làng phía dưới.

Tác giả Lương Văn Lựu trong Biên Hòa sử lược toàn biên khi tả cảnh núi Chứa Chan có kể câu chuyện Bóng thần nữ mài gươm trên núi này với chuyện tình bi ai, sự tích hổ thần, ông Bạc, ông Chì, ông Vàng với các dấu tích kỳ thú trên núi.

***

Xuân Lộc có nhiều cảnh quan như hồ Núi Le, các vườn cây ăn trái, cánh đồng, làng nghề, làng người Chơro... là tiềm năng lớn để phát triển du lịch của địa phương. Tuy nhiên, hướng đến du lịch phát triển bền vững, ngoài cơ sở vật chất đã được đầu tư, khai thác, hoạt động du lịch cần quan tâm sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, gắn với văn hóa tộc người, hành hương, cảnh quan môi trường và lợi ích thiết thực của người dân tại chỗ… Đó cũng là câu chuyện cần nghiên cứu để phát triển du lịch tại núi Chứa Chan.

Ghi chép của Đinh Huyền Dũng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202003/chua-chan-nui-cua-nhung-cau-chuyen-ky-thu-2995429/