Chùa Chân Tiên với Lễ thề thành Đông Quan

Lễ thề ở thành Đông Quan được tổ chức ngay tại chùa Chân Tiên, thôn Phụ Khánh, huyện Thọ Xương, thành Đông Quan.

Lê Thái Tổ, người anh hùng dân tộc của Việt Nam, người lật đổ ách cai trị hơn 20 năm của giặc Minh.

Lê Thái Tổ, người anh hùng dân tộc của Việt Nam, người lật đổ ách cai trị hơn 20 năm của giặc Minh.

Từ núi rừng Lam Sơn, nơi tụ nghĩa của những kiệt hiệt Đại Việt ở làng Cham, nằm bên tả ngạn sông Chu thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày nay, 18 vị anh hùng đã cất lên lời thề cùng Bình Định Vương Lê Lợi, hòa huyết trong chung rượu, làm nên hội thề Lũng Nhai bất tử.

Mùa xuân, tháng Giêng Mậu Tuất (1418), Bình Định Vương phát lời hiệu triệu toàn dân đánh giặc. Câu đối ở Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thọ Xuân, Thanh Hóa phản ánh tinh thần lời hiệu triệu đó:

Lam Sơn tụ nghĩa phục quốc bình Ngô tiêu sử sách
Tây Kinh thiên một kiến đô lập điện tráng sơn hà.

Nghĩa là:

Núi Lam Sơn tụ nghĩa khôi phục lại nước dẹp giặc Ngô còn rõ ràng trong sử sách
Tây Kinh thiên về dựng đô lập điện làm mạnh mẽ núi sông.

Hình ảnh minh họa Núi Lam Sơn hào kiệt tụ nghĩa.

Lam Sơn ngày đó được sử mô tả vang rền tiếng sấm, tràn đầy tiếng voi gầm ngựa hý, dội vào núi, lan vào sông trong dòng khí thiêng vận nước.

‘’Ta đây: Phát tích Lam Sơn, nương thân hoang dã,
Nghĩ thế thù khôn đội trời chung
Thề giặc nước khó cùng chung sống’’

(Đại Việt thông sử, Nxb Hồng Bàng, 2012, trang 107).

Từ đó căn cứ Lam Sơn trở thành trục xoay càn khôn, tạo thế cho nghĩa quân tổ chức nhiều đợt tập kích táo bạo vào đồn bốt, thành trì chính quyền đô hộ nhà Minh.

Trong thời gian từ 1424-1425, theo mưu kế của tướng Lê Chích, nghĩa quân đã tiến đánh Nghệ An để mở rộng vùng giải phóng ra tận Tân Bình, Thuận Hóa, tức vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngày nay.

Trước sự lớn mạnh như gió bão của nghĩa quân Lam Sơn, tháng 10 năm 1427 Liễu Thăng đem 10 vạn quân theo đường Lạng Sơn, Mộc Thạch theo đường Vân Nam tiến vào Đại Việt.

Di tích lịch sử Chi Lăng, Lạng Sơn.

Nhưng thế trận ở tử huyệt Quỷ Môn Quan đã bày sẵn chờ Liễu Thăng. Thế trận giăng lưới của các tướng Lưu Nhân Chú, Lê Sát, Trần Lựu được lệnh tấn công cất lưới.

Hậu quân, Bình Định vương truyền lệnh cho tướng Trần Nguyên Hãn luồn sâu trong lòng đất, xuyên vào thành, trong đánh ra, ngoài đánh vào dồn quân Minh vào cửa tử Xương Giang, nay thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang, thắt chặt để tiêu diệt.

Đền Xương Giang, Bắc giang ngày nay.

Tiếng thét dậy trời của nghĩa quân Lam Sơn làm quân Minh thất điên bát đảo. Các tướng nhà Minh như Thôi Tụ, Hoàng Phúc bị bắt sống. Sử phương Bắc ngậm ngùi chép: Chỉ có một viên chủ sự là trốn thoát được về nước.

‘’Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục’’ chép: ‘’Bình Định Vương là bậc tài trí sáng suốt, lại giỏi dụng binh, các tướng chẳng ai sánh kịp vì thế cho nên chiến thắng được quân địch mạnh lớn, khai sáng được cơ nghiệp, dõi truyền được quốc thống: Đáng lắm thay!’’ (Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Nxb Giáo dục, 2007, tập 1, trang 797).

Chiến thắng Chi Lăng Xương Giang đã khiến cho Vương Thông đang đóng ở thành Đông Quan lúng túng, hoảng sợ.

Sách An Nam Chí Nguyên đã tả kỹ về sự lúng túng này của Vương Thông:

‘’Sau trận thua ở Ninh Kiều, quá đỗi ngã lòng rối chí, bèn hứa cho Lê Lợi phần đất các châu thuộc Thanh Hoa. Án sát Dương Thì Tập nổi giận, nói: Vâng lệnh vua đi đánh giặc, nay lại giảng hòa với giặc, tự tiện bỏ đất không giữ thì còn trốn tội vào đâu.

Thông lớn tiếng quát: Những việc phi thường chỉ có hạng người phi thường mới làm nổi. Mày biết gì.

Từ đó không ai dám nói nữa’’. (An Nam Chí Nguyên, Nxb Đại học Sư Phạm, 2017, trang 107).

Nhận thấy tình thế như vậy, Bình Định vương cùng Nguyễn Trãi đã nhiều lần viết thư chiêu dụ Vương Thông đầu hàng, nhưng hắn vẫn tráo trở lật lọng.

Đến bấy giờ, hai đạo viện binh do vua Minh kéo sang đã bị quân ta tiêu diệt. Thành Đông Quan, tức Thăng Long, mà Thông đang đóng giữ bị nguy khốn đến cực độ nên Thông phải xin hòa, và được Bình Định vương cho kéo quân về nước.

Tranh minh họa Lễ thề thành Đông Quan, nơi Vương Thông phải nhục nhã cúi đầu xin hòa và rút về nước.

Sự đầu hàng của Vương Thông được thông qua ở một Lễ thề ở thành Đông Quan. Và như thế, lần giải phóng Thăng Long thứ tư này diễn ra trong hòa bình. Đại Việt không muốn kẻ thù đổ thêm máu, dù chúng từng quá tàn ác, ‘’trúc Nam Sơn không ghi hết tội’’, như lời của Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Đại Cáo.

Theo văn bia ở chùa Chân Tiên, lễ thề ở thành Đông Quan được tổ chức ngay tại chùa Chân Tiên, thôn Phụ Khánh, huyện Thọ Xương, thành Đông Quan.

Chân Tiên là sự ghép hợp giữa hai tên cổ là thôn Chân Cầm và Quán Chúng Tiên. Chùa được xây dựng vào thời vua Lý Thánh Tông, thế kỷ XII tại thôn Chân Cầm huyện Thọ Xương, nay là phố Lý Quốc Sư, Hà Nội.

Chùa Chân Tiên thời Lý chính tên là chùa Báo Thiên, có tháp Báo Thiên nổi tiếng ở Thăng Long. Đến thời Trần, theo Truyền Kỳ Mạn Lục, Nguyễn Dữ, chùa bị đổ nát nên chuyển về thôn Phụ Khánh, huyện Thọ Xương, tức khu vực Hỏa Lò ngày nay, và mang tên mới Chân Tiên Tự.

Đến triều Nguyễn, khi Pháp chiếm Hà Nội, người Pháp đuổi dân và chùa đi nơi khác để xây nhà tù, nên chùa Chân Tiên chuyển về làng Thể Giao, nay là số 151 phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Ảnh chụp cổng chùa Chân Tiên, lần chuyển địa điểm thứ 3 về tại số 151 phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Nói thêm một chút về số phận hàng tướng Vương Thông và đám quan cai trị của y sau hội thề thành Đông Quan.

‘’Năm Tuyên Đức thứ 3 (1428), bọn Thông về đến kinh đô, vua Minh giao cho đình thần xét hỏi về tội bọn này. Đình thần nói:

Bọn Thông thì làm trái phép mật, thua thiệt quân, Sơn Thọ thì bao che cho giặc làm phản, Mã Kỳ thì làm kích động gây biến ở nơi phiên thuộc.

Mấy người này đều bị luận tội tử hình. Còn các kẻ khác đều phải trị tội có nặng nhẹ khác nhau. Bọn Thái Phúc đều bị giết và bị tịch thu cả nhà’’. (An Nam Chí Nguyên, Nxb Đại học Sư phạm, 2017, trang 109).

Còn Bình Định vương Lê Lợi, năm Mậu Thân (1428), chính thức lên ngôi hoàng đế ở điện Kính Thiên, khôi phục nước Đại Việt. Năm Canh tuấn (1430) hoàng đế xuống chiếu đổi Đông Đô – Đông Quan thành Đông Kinh.

Qua thăng trầm biến động, chùa Chân Tiên xưa kia, nơi chúng kiến sự kiện lịch sử đặc biệt ấy, nay không còn ở đó nữa. Mỗi khi nghĩ về, lòng chúng ta không thể không nuối tiếc...

Hàn Thủy Giang.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/chua-chan-tien-voi-le-the-thanh-dong-quan-3403393/