Chữa cháy rừng - cần trang bị đủ, hiện đại

Mỗi năm, nước ta xảy ra hàng chục vụ cháy rừng, gây thiệt hại lớn về tài sản, tác động lớn đến môi trường sinh thái và đời sống nhân dân.

Các vụ cháy rừng gần đây cho thấy, lực lượng tham gia chữa cháy, kể cả lực lượng chuyên trách, chủ yếu sử dụng thiết bị thô sơ như: Bàn dập lửa, máy thổi gió, câu liêm; thậm chí nhiều người dùng vật dụng sẵn có như cành cây, cuốc, xẻng để chiến đấu với “giặc lửa”. Các loại trang bị, phương tiện chữa cháy rừng chuyên dụng, hiện đại còn rất khiêm tốn.

Nhiều đám cháy bùng to, lan rộng, các lực lượng chỉ có thể bất lực đứng nhìn. Trong nhiều tình huống, người tham gia chữa cháy còn bị đẩy vào tình thế nguy hiểm. Việc thiếu trang bị, phương tiện chữa cháy rừng chuyên dụng, hiện đại là một trong những nguyên nhân để lại hậu quả lớn sau các vụ cháy.

Các vụ cháy rừng gần đây cho thấy, lực lượng tham gia chữa cháy, kể cả lực lượng chuyên trách, chủ yếu sử dụng thiết bị thô sơ. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Các vụ cháy rừng gần đây cho thấy, lực lượng tham gia chữa cháy, kể cả lực lượng chuyên trách, chủ yếu sử dụng thiết bị thô sơ. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Chính vì thế, việc nghiên cứu, trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy rừng hiện đại như máy bay chữa cháy, xe cứu hỏa chuyên dụng, thiết bị đo lường và công nghệ thông tin điều phối; hóa chất dập lửa hiệu quả và những thiết bị cá nhân như quần, áo, giày, mũ, kính chống cháy... là vấn đề cần phải được các cấp quan tâm, đầu tư.

Hiện nay, Nhà máy Z113 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã nghiên cứu sản xuất một số thiết bị chữa cháy với tính năng đặc biệt như thiết bị bay, giàn ống phóng, quả cầu chữa cháy... Tuy nhiên, những sản phẩm đó vẫn chưa được trang bị rộng, chưa đáp ứng yêu cầu trước sự đe dọa và tấn công của "giặc lửa".

Ngoài ra, việc đầu tư nghiên cứu sản xuất, mua sắm các loại trang bị, phương tiện phòng, chống cháy rừng cũng phải sát đặc điểm địa bàn, bảo đảm máy móc, trang bị phát huy hiệu quả. Bởi nếu như xe cứu hỏa không có đường cơ động, không có nguồn nước gần thì cũng không thể phát huy tác dụng; hay khi phương tiện cơ động được thì lại thiếu máy móc, hóa chất dập lửa.

Cùng với nghiên cứu sản xuất, trang bị, cần tổ chức lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, có chiến thuật và kỹ năng ngăn chặn cháy rừng. Các lực lượng tham gia phải có sự chỉ huy thống nhất, hiệp đồng chặt chẽ, luyện tập thuần thục các phương án để xử lý nhanh, hiệu quả những tình huống.

Bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sống. Việc nghiên cứu, sản xuất, mua sắm trang bị, phương tiện chữa cháy rừng là vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt vẫn phải lấy phòng là chính. Công tác tuyên truyền, nâng cao tinh thần cảnh giác, đề phòng hỏa hoạn, cháy rừng đến mọi người phải được chú trọng. Khâu giám sát cháy rừng phải thường xuyên, liên tục; các nguồn lửa, nguồn sinh nhiệt rừng cần được kiểm soát chặt chẽ.

Các địa phương có rừng, các đơn vị đảm nhiệm bảo vệ rừng cần tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực nghiêm túc, nhất là những ngày nắng nóng; bố trí nhiều điểm chốt chặn, tuần tra, canh gác khu vực trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ người ra-vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao...

Nắng nóng gay gắt đang diễn ra trên địa bàn cả nước, nguy cơ cháy rừng rất cao, nhiều địa phương đã ban hành cảnh báo cháy rừng lên cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Thực tế từ đầu năm đến nay đã xảy ra một số vụ cháy rừng ở cả miền Bắc và miền Trung. Trước nguy cơ và diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu, chúng ta càng không được phép chủ quan với "giặc lửa".

SƠN BÌNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/chua-chay-rung-can-trang-bi-du-hien-dai-729523