Chưa có giải pháp triệt để trong cải tạo chung cư cũ

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM còn hàng trăm khu chung cư xuống cấp nghiêm trọng, đang hằng ngày đe dọa trực tiếp tới sự an toàn của hàng ngàn hộ dân sinh sống ở đây. Mặc dù chính quyền TP đã có chủ trương di dời, cải tạo, song vấn đề này đang còn gặp nhiều bất cập.

Theo thống kê mới đây của Sở xây dựng TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, tập trung ở các (quận 1, 10, 3, 5, 4). Hầu hết các chung cư này đều bị xuống cấp, trong đó có nhiều chung cư có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Vừa ở vừa run

Ghé thăm khu chung cư Ngô Gia Tự “nổi tiếng” cũ nát, đang thoi thóp chờ sập tại quận 10 mới thấm thía sự kinh sợ của hàng trăm hộ dân đang từng giờ phải đối mặt với tử thần nơi đây. Chung cư được xây dựng từ năm 1968, bao gồm 16 lô, mỗi lô có một trệt và ba tầng, trải qua 50 năm tồn tại, các mặt tường, trần nhà nơi đây nhiều chỗ bị bong tróc, trơ ra cốt thép đã hoen rỉ bên trong, môi trường sống tối tăm, ẩm thấp.

Nhiều chung cư xuất hiện tình trạng nứt nẻ, bong tróc

Ông Huỳnh Văn Phong, ngụ tại chung cư Ngô Gia Tự cho biết, gia đình ông đã sinh sống tại đây hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng xuống cấp ngày càng nặng hơn khi nhiều lớp bê tông bị bong tróc, tường xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài, nước thấm qua trần chảy xuống nhà…

“Chung cư này cũ lắm rồi còn gì đâu nữa, chúng tôi ai cũng có mong muốn được chuyển đến nơi khác để sống, đa phần là người dân lao động nghèo, thu nhập thấp nên cực chẳng đã mới chấp nhận sống ở đây. Nhiều khi mưa gió, đi ra hành lang cũng run cả người vì sợ tường rơi trúng", ông Phong trao đổi.

Rác thải nhếch nhác là tình trạng chung của rất nhiều chung cư cũ trên địa bản TP.HCM

Bà Năm - một người dân sống tại khu chung cư này cũng chia sẻ, cơ sở vật chất nơi đây đều bị hư hỏng nặng, thậm chí có nhiều người dân khi ra vào luôn phải đội mũ bảo hiểm vì sợ tường bong tróc rơi trúng đầu. “Trước tình trạng chung cư xuống cấp như bây giờ, nhiều gia đình có điều kiện, họ đã di tản hoặc ra ngoài mua nhà khác để ở, còn các hộ khó khăn như chúng tôi vẫn phải “cầm cự” tại đây. Nếu Nhà nước không sớm có những biện pháp giúp đỡ, chia sẻ thì người dân chúng tôi chỉ biết chờ vào may rủi, số phận”, bà nói.

Chung cảnh ngộ, tại chung cư Thanh Đa (thuộc phường 27, quận Bình Thạnh) người dân cũng đang sống cảnh nơm nớp lo sợ nhà sập, bởi các hạng mục đã xuống cấp ngiêm trọng. Các hộ dân cho biết, nhiều hạng mục đã nứt vỡ, dây điện chằng chịt, hệ thống PCCC cũ kỹ, chính quyền cũng nhiều lần đến kiểm tra, bàn bạc nhưng vẫn chưa đưa ra được phương án cụ hỗ trợ cụ thể.

“Từ ngày về ở, tôi đã thay lại toàn bộ hệ thống điện, nước trong nhà nhiều lần vì trời mưa tường và trần nhà bị dột ẩm ướt, bê tông rệu rã nên mạng lưới dây điện cũng mục theo, có khi bị nhiễm điện và vô ý đụng tay vào tường là bị điện giật tê cả người. Không những thế, nguy cơ cháy nổ nơi đây luôn hiện hữu”, ông Hùng - một người dân sống tại đây cho hay.

Trần nhà tại chung cư Vĩnh Hội, quận 4, (TP.HCM) bị bong lóc, thường xuyên rơi xuống sàn nhà

Không chỉ có chung cư Ngô Gia Tự hay chung cư Thanh Đa, trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều chung cư cũng xuất hiện tình trạng tương tự, điều mà người dân mong muốn là các cấp chính quyền TP cần có phương án xử lý, bố trí và di dời người dân đến một nơi khác để có được cuộc sống an toàn.

Là một trong những người sống tại chung cư Vĩnh Hội (quận 4) từ lúc công trình mới hoàn thành, ông Tâm cho biết, khi nghe TP có chủ trương di dời người dân ở đây ai cũng ủng hộ. “Không ai muốn sống trong khu nhà đã quá xập xệ, nguy hiểm như thế này. Được di dời là điều tốt nhưng chúng tôi mong muốn được quay trở lại đây sinh sống sau khi tòa nhà được cải tạo lại. Cùng với việc di dời, mong chính quyền có thêm phương án hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống vì đa số người dân ở đây có hoàn cảnh khó khăn”, ông Tâm nói.

Có cùng tâm sự, bà Hoa (sống tại hung cư Nguyễn Thiện Thuật) cho biết, người dân sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng để dự án phá dỡ, xây dựng lại các chung cu cũ này sớm được triển khai.

Nhiều vướng mắc cản trở

Được biết, theo kế hoạch, đến năm 2020 TP.HCM phải giải quyết 50% trong số 474 chung cư cũ trên địa bàn. Tuy nhiên với tình hình hiện tại thì khó có thể đạt được mục tiêu đề ra bởi trong vòng 10 năm qua thành phố mới tháo dỡ được 32 chung cư cũ, còn việc cải tạo diễn ra rất chậm.

Nhiều đơn vị BĐS cho rằng không mấy mặn mà đầu tư vào việc cải tạo chung cư cũ bởi diện tích đất nhỏ nhưng dân số lại đông. Bên cạnh đó, nhu cầu tái định cư tại chỗ của người dân lớn còn không gian có thể bố trí lại chật hẹp khiến việc cải tạo không có nhiều sự lựa chọn.

Mục tiêu cải tạo 50% chung cư cũ đến năm 2020 của TP.HCM khó thực hiện

Thực tế là hầu hết các chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 đều ở khu vực trung tâm, được kiểm soát chặt chẽ về hệ số sử dụng đất và mức trần giới hạn về dân số. Nếu muốn điều chỉnh quy mô dự án, các chủ đầu tư phải mất nhiều thời gian lo thủ tục hành chính, lợi nhuận vì thế mà bị ảnh hưởng. Ngoài ra, chủ đầu tư gặp nhiều vướng mắc liên quan đến phương thức đền bù đến người dân đang sinh sống tại đó.

Theo các chuyên gia, chính quyền nên xây dựng chế chính sách để cân đối giữa quyền lợi của người dân và nhà đầu tư. Bên cạnh đó cần nghiên cứu cho phép thiết lập các chỉ tiêu quy hoạch mềm dẻo, trên cơ sở đánh giá rõ áp lực công trình sau khi cải tạo đối với hạ tầng giao thông, môi trường đô thị, đồng thời tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ, nếu các chủ đầu tư tham gia bằng nguồn vốn của mình tại các dự án này thì họ mong muốn có lợi nhuận hợp lý. Hiện nay cơ chế trong Nghị định 101 còn thiếu quy định về chỉ tiêu dân số, tức cho gia tăng số căn hộ một cách hợp lý để chủ đầu tư có thể thu hồi vốn.

Nhiều đơn vị BĐS cho rằng không mấy mặn mà đầu tư vào việc cải tạo chung cư cũ

Chia sẻ vấn đề này với báo giới, ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, từ nay đến năm 2020 TP cần nguồn vốn khoảng 500.000 tỷ đồng để quy hoạch, phát triển đô thị. Trong số này, TP lo được 34,8%, còn lại hơn 60% phải nhờ vào các nhà đầu tư, huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia thực hiện.

Ông Tuấn cho biết thêm, theo dự kiến, trong thời gian tới TP có thể cải tạo, sửa chữa hơn 200 chung cư, kinh phí bình quân để cải tạo mỗi căn khoảng 1,1 tỷ đồng. Theo ông Tuấn, vấn đề quan trọng trong công tác này là phải đảm bảo nguồn vốn và các quận, huyện cần tập trung khẩn trương hoàn tất các thủ tục có liên quan.

ĐỨC LINH

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/chua-co-giai-phap-triet-de-trong-cai-tao-chung-cu-cu-10708.html