Chưa có 'Lưu Quang Vũ thứ hai'

Sân khấu cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng đang rơi vào tình trạng loay hoay tìm hướng. Mặc dù các liên hoan sân khấu được tổ chức đều đặn theo đúng chu kỳ, thế nhưng dường như để nâng cao chất lượng, thu hút khán giả vẫn đang là bài toán khó cho chính những nhà quản lý, những người làm nghệ thuật.

Sân khấu Thủ đô đang thiếu những vở diễn mới, chất lượng. (Ảnh minh họa).

Ngày 28/9, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở VHTT Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ III – 2018. Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 9/10 với sự tham gia của 10 nhà hát, đoàn nghệ thuật biểu diễn với 10 vở diễn thuộc loại hình nghệ thuật như chèo, cải lương, kịch nói.

Trong đó, Nhà hát Kịch Việt Nam với vở “Thế sự”; Nhà hát Tuổi trẻ với “Tôi đẹp tôi có quyền”; Nhà hát Kịch Quân đội tham dự vở “Mùa hoa sữa”; Đoàn kịch Công an nhân dân với vở “Bão của hoàng hôn”; Nhà hát Cải lương Hà Nội tham gia vở “Đen trắng vòng đời”; Nhà hát Cải lương Việt Nam với vở “Lý triều dựng nghiệp”; Nhà hát Chèo Hà Nội mang đến vở “Cô Son”; Nhà hát Chèo Việt Nam với vở “Thị Hến”; Nhà hát Kịch Hà Nội vở “Ngôi nhà trong thành phố”; Trung tâm sân khấu và phát triển với vở “Không có hoa hồng”.

Liên hoan được tổ chức chào mừng kỷ niệm 64 năm giải phóng Thủ đô đã hội tụ đầy đủ những “tinh anh”. Trong đó, hầu hết các vở diễn tham dự đều là các tác phẩm chất lượng cao của các đơn vị nghệ thuật. Thế nhưng, bên cạnh niềm vui là những “khoảng lặng” của chính những người làm nghề. Bởi thực tế, các vở diễn đều không phải là các tác phẩm mới của các nhà hát, thậm chí có vở đã được dàn dựng cách từ vài chục năm.

Đơn cử như vở diễn “Mùa hoa sữa” của Nhà hát Kịch Quân đội đã được dàn dựng cách đây 20 năm. Tuy nhiên, dường như câu chuyện “bình mới, rượu cũ” không chỉ là câu chuyện tại Liên hoan sân khấu Thủ đô mà đó dường như đã trở thành “căn bệnh” trầm kha của sân khấu cả nước.

Thẳng thắn chia sẻ vấn đề này, NSƯT Lê Chức- Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết: “Chưa bao giờ tôi thấy hoạt động biểu diễn sân khấu khó khăn đến như thế này. Chúng ta đang trở thành những người “ăn xin” Nhà nước, bởi vì vé bán không được”.

NSƯT Lê Chức cũng dẫn chứng thực tế nhiều nhà hát một tháng nếu bán vé “tay bo” chỉ được 9 cái. Bên cạnh đó, việc tổ chức các liên hoan, việc đồng nghiệp ngồi xem đồng nghiệp diễn dường như là “nhiệm vụ bất khả thi”. Bởi đơn giản không có kinh phí để lưu trú. Thành ra, hầu hết các liên hoan chỉ “tử tế” ở đêm khai mạc. Còn đến đêm bế mạc khi có đã kết quả là đã “nát chợ”. NSƯT Lê Chức cũng thẳn thắn đề nghị chúng tôi có thể chấp nhận và xin chờ những ai không phải là hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho chúng tôi một đề cương kịch bản. Chúng tôi “xin rước” đi trại viết như một Hội viên kỳ cựu để hy vọng có được những người viết mới, những kịch bản mới.

Bởi ngay như Liên hoan sân khấu Thủ đô lần này với 10 vở diễn tham gia Liên hoan tôi xin đặt câu hỏi có nhiêu vở là vở mới? Hình như ít. Có bao nhiêu vở phải phục dựng, có bao nhiêu vở phải đóng vào quỹ “tuổi thọ” mà chúng ta vẫn phải mang ra diễn. “Vì chúng ta đang thiếu kịch bản. Chúng ta chưa có được một Lưu Quang Vũ thứ hai. Chúng ta chưa có được những đạo diễn lừng lẫy như thầy Nguyễn Đình Nghi, Đình Quang… Vì thế sân khấu ngày hôm nay cũng vô cùng lúng túng về kịch bản” - NSƯT Lê Chức nói.

Theo NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội: “Ở thời điểm hiện nay, tôi khẳng định không có vở diễn nào ra đời có thể thu hút được sự chú ý của đa số công chúng như mấy chục năm về trước. Tuy nhiên, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người Việt đã bắt đầu có sự phân hóa rõ ràng, như nhạc giao hưởng, opera, ballet... đã dần dần có những lớp khán giả riêng. Vấn đề cơ bản hiện nay là sân khấu của chúng ta đang thiếu những vở diễn lớn. Nguyên nhân một phần do tình hình thực tế khó khăn, một phần do các đơn vị nghệ thuật quá mải chạy theo thị hiếu khán giả bình dân, thành phần chiếm đa số”.

Theo ông Chiêm: Sân khấu của chúng ta hiện đang gặp vấn đề lớn là các nhà hát đang rất thiếu phong cách riêng. Vậy nên chúng ta đang bị tình trạng “xem một đoàn biết được nhiều đoàn”. Chính vì thế, cái gọi là “hiệu ứng cười” mới dễ dàng lan rộng trong các nhà hát như vậy. Đương nhiên, ngoài những chức năng chính của nghệ thuật như nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, chức năng giải trí cũng vô cùng quan trọng, và rất nhiều khán giả chỉ có nhu cầu giải trí tức thời, vì vậy họ tìm đến các ban, nhóm hài.

“Vấn đề ở chỗ các nhà hát hiện nay chưa xác định được đâu là thế mạnh riêng của từng đơn vị, nên chỉ chạy theo cái mà nơi khác đã thành công. Tất nhiên, chủ trương đó cũng không sai, trong tình trạng hiện nay các nhà hát phải dùng hài kịch để lấy ngắn nuôi dài là đúng. Nhưng chỉ chạy theo thị hiếu, hoặc lấy những cách chọc cười, tức thời ấy làm mục tiêu thì không đúng”- NSND Trần Quốc Chiêm nói.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/chua-co-luu-quang-vu-thu-hai-tintuc418438