Chưa có tiêu chuẩn kiểm định, người dân bị 'ngợp' thông tin về ô nhiễm không khí

TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh (CEGR) cho biết, hiện có quá nhiều nguồn thông tin tham khảo về chất lượng không khí. Tuy nhiên, giữa các ứng dụng, hệ thống đo có những sai lệch khiến người dân bị 'ngợp' thông tin, không biết nên tin vào đâu.

Sáng 11/10, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP), Trung tâm Sống - học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn) tổ chức Hội thảo "Hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội”.

TS Hà Đăng Sơn cho biết, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các trang quan trắc như AirVisual, Pam Air và cả các cổng thông tin chính thống như Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, Đại sứ quán Mỹ...

So với 3 năm trước, hiện chúng ta có quá nhiều nguồn để tham khảo thông tin chất lượng không khí. Tuy nhiên, chính vì số liệu các nguồn thông tin có sự chênh lệch nhau nên người dân đang bị ngợp thông tin.

TS Hà Đăng Sơn trao đổi với phóng viên.

TS Hà Đăng Sơn trao đổi với phóng viên.

“Giữa các đơn vị đo đạc, các ứng dụng khác nhau nhiều khi cho những kết quả khác nhau. Ngay như sáng 11/10, chỉ tiêu ô nhiễm không khí theo ứng dụng PamAir là màu vàng, thấp hơn so với ứng dụng AirVisua, còn theo nguồn của Đại sứ quán Hoa Kỳ thì không khí Hà Nội sáng nay lên mức màu đỏ, còn các kênh khác có màu vàng... Do có quá nhiều thông tin nên chúng ta bị “ngợp”, bên này đỏ, chỗ này vàng, chỗ kia da cam. Người dân không biết đâu thực sự là thông tin tin tưởng được”, TS Hà Đăng Sơn cho biết.

Cùng với sự chênh lệch giữa các đơn vị đo, cũng chưa có quy trình kiểm định chất lượng, mức độ, độ tin cậy số liệu, thiết bị đo, độ chính xác tuân theo tiêu chuẩn nào. Do đó, ông Hà Đăng Sơn cho rằng, với góc độ là người tiêu dùng, khi có nhiều thông tin thì càng có điều kiện so sánh để hiểu các số liệu được thu thập, xử lý công bố như thế nào, không nên quá hoang mang.

Chuyên gia này cũng cho biết thêm, hiện Hà Nội có 2 loại thiết bị quan trắc được sử dụng chủ yếu. Một là các trạm quan trắc đủ tiêu chuẩn quốc tế để quan trắc không khí trong phạm vi lớn, hai là các máy đo cảm biến, giá rẻ và quan trắc trong phạm vi hẹp.

"Như các trạm quan trắc của Chi cục Bảo vệ Môi trường, đây là các trạm đủ tiêu chuẩn, cho con số đáng tin cậy, nhưng có độ trễ nhất định, số liệu không tức thời, nhanh nhạy. Vậy làm sao để cải thiện chất lượng cung cấp thông tin, làm sao để người dân nhận biết được hiện trạng chất lượng không khí tức thời, tại lúc đó?", Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh hay.

Nhận xét về các trang quan trắc như AirVisual, Pam Air, TS Hà Đăng Sơn cho hay các trang quan trắc này thường sử dụng các thiết bị cảm biến, cầm tay, giá rẻ. Các thiết bị này rất tiện dụng trong đo đạc được ở nhiều địa điểm nhưng nhược điểm là độ chính xác không cao.

Các máy đo cảm biến có độ chênh lệch lớn, dễ bị tác động bởi các nhân tố môi trường bên ngoài và phạm vi quan trắc của các máy đo cảm biến cũng đang có nhiều nghi vấn.

Cũng có ý kiến cho rằng các máy đo cảm biến này có phạm vi đo 1 km, nhưng khi cầm máy đo này đứng đầu đường và cuối đường cách nhau 10 mét có khi kết quả đã thay đổi. Ngoài ra, các máy đo này tuổi thọ sử dụng chỉ trên dưới 1 năm, trong quá trình sử dụng phải liên tục hiệu chỉnh, điều chỉnh để đảm bảo các chỉ số quan trắc đưa ra chính xác, khách quan.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh khuyến nghị, người dân khi sử dụng các ứng dụng quan trắc nên là những "người tiêu dùng thông thái". Bởi có những nguồn thông tin chỉ để tham khảo do độ tin cậy không cao, không được các cơ quan chuyên môn quản lý xác thực.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/chua-co-tieu-chuan-kiem-dinh-nguoi-dan-bi-ngop-thong-tin-ve-o-nhiem-khong-khi-20191011141031099.htm