Chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng, làm sao tránh?

9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, TP. Trong đó, 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, TP khu vực phía Nam.

Một bệnh nhi điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Một bệnh nhi điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa tựu trường.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Đây là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi.

Các dấu hiệu nhận biết của bệnh tay chân miệng: Giai đoạn khởi phát: Từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày; Giai đoạn toàn phát: kéo dài từ 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh như loét miệng, phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông… Sốt, nôn, nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng về thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 - ngày 5 của bệnh.

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vaccine dự phòng, vì vậy biện pháp phòng bệnh hiệu quả tại cộng đồng mà Cục Y tế dự phòng khuyến cáo bao gồm: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống (ăn chín, uống chín); vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo người dân thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh; Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Đối với các cơ quan, đơn vị, Bộ Y tế cũng đã gửi công văn khẩn đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh, TP chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, TP chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả trên địa bàn, tập trong vào các vùng có số mắc cao, nguy cơ bùng phát dịch.

Hà Dũng

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/suc-khoe/chua-co-vaccine-phong-benh-tay-chan-mieng-lam-sao-tranh-128706.html