Vì sao Mường Phăng vẫn chưa được công nhận là xã An toàn khu cách mạng?

Sau 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, xã Mường Phăng vẫn chưa được công nhận là xã An toàn khu cách mạng dù đây là nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ gắn liền với tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Khi được công nhận là xã An toàn khu cách mạng sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ngoài những chính sách của Đảng, Nhà nước dành để tri ân, nâng mức sống cho người dân, đó còn là phần thưởng lớn lao, là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc xã Mường Phăng. Tuy nhiên đến nay sau 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, xã Mường Phăng vẫn chưa được công nhận là xã An toàn khu cách mạng dù đây là nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ gắn liền với tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Người dân mong chờ

Xã Mường Phăng nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 30km di chuyển bằng đường bộ. Đây là vùng căn cứ địa cách mạng quan trọng, nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ địa điểm thứ 3 và là địa điểm cuối cùng đặt cơ quan đầu não của quân đội ta trong Chiến dịch.

Năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chọn Mường Phăng là nơi đặt Sở Chỉ huy thứ 3 và cũng là Sở Chỉ huy cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy Chiến dịch của quân đội ta đã đóng chân tại đây 105 ngày, từ ngày 31/1/1954 đến ngày 15/5/1954. Trước đó, địa điểm thứ nhất của Sở Chỉ huy đặt tại hang Thẩm Púa (xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) trong thời gian 32 ngày, từ ngày 17/12/1953 đến 17/1/1954. Địa điểm thứ 2 đặt tại bản Huổi He (xã Nà Tấu, nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ) trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1/1954 đến 30/1/1954.

Cũng tại nơi này, bằng tài thao lược quân sự của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra những quyết sách đúng đắn để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Theo một số cụ cao niên trong xã Mường Phăng kể lại, cuối năm 1953, thời điểm địch cho quân nhảy dù tăng cường cho Mặt trận Điện Biên Phủ, chúng bố trí lực lượng, lập đồn bốt ở khắp mọi ngả đường vào trận địa và cho máy bay quần thảo khắp nơi nhằm chặt đứt mọi đường tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm và hậu cần cho quân đội Việt Nam.

Thời điểm này, người dân Mường Phăng cũng đã tham gia quyên góp, ủng hộ bộ đội gần chục tấn gạo và nhiều gia súc, nhiều người dân trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn đã tình nguyện xin đi vận chuyển quân lương.

Đây là nơi nhiều quyết sách quân sự quan trọng được đưa ra, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển địa điểm đóng chân của Sở Chỉ huy Chiến dịch từ bản Huổi He (xã Nà Tấu) về Mường Phăng (từ ngày 31/1/1954 đến ngày 15/5/1954), người dân các dân tộc ở Mường Phăng lại chung tay đóng góp sức người, sức của cùng lực lượng công binh khảo sát địa hình để xây dựng Sở Chỉ huy; làm giao liên; quyên góp lương thực, thực phẩm ủng hộ bộ đội; giữ bí mật cho quân ta xây dựng căn cứ và tham gia khai thác đá mở đường cho chiến dịch, góp phần đảm bảo Chiến dịch toàn thắng.

Thế nhưng từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 đến nay đã gần 70 năm, nhân dân các dân tộc xã Mường Phăng vẫn mong chờ từng ngày địa phương được công nhận là xã An toàn khu. Bởi điều đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ngoài những chính sách của Đảng, Nhà nước dành để tri ân, nâng mức sống cho người dân, đó còn là phần thưởng lớn lao, là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc xã Mường Phăng. Thế nhưng suốt từ đó đến nay, hồ sơ để công nhận Mường Phăng là xã An toàn khu vẫn chưa được hình thành.

Ông Lò Văn Biên, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng, là con trai của cụ Lò Văn Bóng, người tham gia bảo vệ an ninh vòng ngoài kiêm liên lạc cho Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 chia sẻ: Suốt bao nhiêu năm qua, xã Mường Phăng chờ mãi nhưng vẫn chưa được công nhận là xã An toàn khu cách mạng. Bởi khi được công nhận xã An toàn khu cách mạng người dân sẽ được hỗ trợ bảo hiểm y tế và nhiều hơn nữa những chính sách khác của Đảng, Nhà nước. Ngoài ra đó còn là niềm tự hào của đồng bào Mường Phăng.

Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ, cho biết, trước đây khi chưa sát nhập về thành phố Điện Biên Phủ, Phòng Nội vụ huyện Điện Biên cũng đã tiến hành các bước lập hồ sơ xã An toàn khu cách mạng đối với xã Mường Phăng (từ ngày 1/1/2020 xã Mường Phăng sáp nhập về thành phố Điện Biên Phủ).

Thế nhưng suốt từ năm 2017, trong nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri, UBND xã đã đề nghị, kiến nghị huyện Điện Biên để xã Mường Phăng trở thành xã An toàn khu cách mạng. Nhưng từ đó đến nay xã cũng chưa nhận được thông báo hay công văn chỉ đạo gì về việc hướng dẫn, phối hợp với các phòng ban chuyên môn thu thập tài liệu, chứng cứ để làm cơ sở hoàn tất hồ sơ, thủ tục...trình cấp có thẩm quyền. Hiện Phòng Nội vụ của thành phố Điện Biên Phủ đang đảm nhiệm làm tiếp nội dung này, chúng tôi cũng không biết đã có hồ sơ chưa; hồ sơ, thủ tục làm đến đâu và gồm những gì nên vẫn chỉ biết chờ đợi!

Vì sao chưa được công nhận An toàn khu?

Là địa danh có tiềm năng du lịch lịch sử, xã Mường Phăng có rất nhiều di tích thành phần thuộc quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ - di tích cấp quốc gia đặc biệt. Trên suốt chiều dài trục chính nối từ bản Bua - bản "cửa ngõ" vào lòng chảo Mường Phăng, chạy qua trung tâm xã có các di tích: Cụm tượng đài mừng công, công viên chiến thắng Mường Phăng, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ...

Xa hơn nữa, nằm trên đỉnh Pú Huốt (núi Sừng Trời) - đỉnh cao nhất của dãy núi Pú Đồn ở độ cao hơn 1.700 mét so với mực nước biển là nơi mà cách đây 64 năm, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân đội ta đã chỉ đạo xây dựng, đặt đài quan sát để theo dõi, nắm bắt tình hình chiến trường ở lòng chảo Mường Thanh.

Mường Phăng luôn được đánh giá là vùng căn cứ địa cách mạng quan trọng.

Để kịp thời bổ sung, điều chỉnh và thực thi đồng bộ các chính sách nhằm tri ân, nâng mức sống cả về vật chất và tinh thần, sức khỏe, giáo dục, văn hóa của người dân sống trong các xã An toàn khu, vùng An toàn khu cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cả nước và của từng địa phương; bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn, giáo dục và phát huy các giá trị lịch sử cách mạng của chiến khu An toàn khu cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngày 24/3/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về chính sách hỗ trợ xã An toàn khu, vùng An toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Theo đó, người dân của xã An toàn khu được Nhà nước hỗ trợ thẻ Bảo hiểm y tế; địa phương được hỗ trợ xây dựng, tu sửa bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng và các thiết chế văn hóa xã An toàn khu.

Về nội dung này ông Nguyễn Đình Duy, chuyên viên Phòng Nội vụ, thành phố Điện Biên Phủ, người được giao trực tiếp hoàn tất hồ sơ thủ tục xã An toàn khu cho xã Mường Phăng cho biết đang chờ xã Mường Phăng thu thập thông tin về để phòng tổng hợp, sau đó sẽ gửi Sở Nội vụ để trình cấp có thẩm quyền. Khi được hỏi hiện nay bộ hồ sơ công nhận xã An toàn khu của Mường Phăng đã làm đến bước nào và đang vướng ở đâu thì ông Duy cho biết vẫn đang chờ xã Mường Phăng.

Nhưng trong thực tế, UBND xã Mường Phăng cũng đang trông chờ vào các phòng chuyên môn của thành phố, còn phòng chuyên môn của thành phố thì lại đang chờ UBND xã Mường Phăng!

Trước đó, ngày 29/12/2020, UBND thành phố Điện Biên Phủ đã có văn bản số 2003/UBND-NV gửi Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên, về việc đề nghị gia hạn thêm thời gian để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận xã An toàn khu; thời gian đến ngày cuối quý IV, năm 2021.

Người dân vẫn mong chờ Mường Phăng được công nhận là xã An toàn khu sau gần 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: Hiện nay, xã Mường Phăng chỉ còn khoảng 8% hộ nghèo, xã cũng đã về đích thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Việc được công nhận là xã An toàn khu sau gần 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang là điều người dân trên địa bàn vẫn đang rất chờ đợi, mong muốn chính quyền địa phương chỉ đạo các phòng chuyên môn nhanh chóng hoàn tất hồ sơ, thủ tục để UBND tỉnh Điện Biên có cơ sở, chuyển Bộ Nội vụ, trình Thủ tướng công nhận xã Mường Phăng là xã An toàn khu cách mạng./.

Theo Quyết định số 897/QĐ-TTg, ngày 27/5/2016 của thủ tướng Chính phủ, ban hành tiêu chí, quy trình thủ tục công nhận xã an toàn khu, vùng an toàn khu. Xã An toàn khu phải có 3 trong 5 tiêu chí sau:

Tiêu chí 1: Được cấp ủy đảng từ Khu ủy, Quân khu ủy trở lên chỉ đạo xây dựng An toàn khu cách mạng (nơi có các điều kiện về địa hình, địa thế, chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội, dân cư và bảo đảm an toàn cho các hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ).

Tiêu chí 2: Nơi ở (nuôi, giấu, giữ bí mật), làm việc và hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của các đồng chí cán bộ của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp Khu và Quân khu trở lên.

Tiêu chí 3: Nơi diễn ra các sự kiện đặc biệt quan trọng, có các quyết sách chiến lược của Đảng mang tính chất bước ngoặt trong các giai đoạn của 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hoặc nơi đóng trụ sở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp Khu và Quân khu trở lên, trụ sở ngoại giao (Sứ quán, Tổng Lãnh sự quán,...) của nước ngoài, cơ quan Bộ Chỉ huy Mặt trận cấp chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Tiêu chí 4: Nơi đóng quân, đào tạo, huấn luyện, tập kết, trung chuyển của các lực lượng vũ trang (quân đội, công an) từ cấp đại đội trở lên; nơi có kho cất trữ lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng,... trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ phục vụ cho Mặt trận cấp chiến dịch hoặc cấp Quân khu trở lên.

Tiêu chí 5: Nơi có cơ sở và phong trào cách mạng vững mạnh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; đồng thời, lực lượng vũ trang của địa phương đã chủ động hoặc phối hợp với lực lượng vũ trang chính quy tổ chức các trận đánh địch để bảo vệ an toàn cho cán bộ, cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước đóng trên địa bàn hoặc là nơi đã diễn ra trận đánh thắng lợi quan trọng góp phần tạo ra cục diện chiến trường lợi thế cho cách mạng và kháng chiến tại địa bàn và khu vực lân cận.

Hồ sơ đề nghị công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu, gồm:

Tờ trình của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu.

Hồ sơ khoa học của xã An toàn khu, vùng An toàn khu, bao gồm: Phần lý lịch (trong đó nêu rõ tên gọi trước đây và hiện nay của xã, các xã trong vùng; vị trí, diện tích và dân số hiện nay của xã, các xã trong vùng; nêu rõ và phân tích các sự kiện, di tích lịch sử cách mạng, thành tích phục vụ cách mạng được cấp có thẩm quyền ghi nhận,... diễn ra trên địa bàn); bảng tổng hợp các sự kiện, di tích lịch sử cách mạng; các tài liệu, tư liệu, hình ảnh, xác nhận của nhân chứng lịch sử,...

Báo cáo tóm tắt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về các xã đề nghị công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn (biên bản thẩm định hồ sơ của cấp tỉnh và văn bản liên quan kèm theo).

Công văn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (gửi kèm theo hồ sơ) gửi Bộ Nội vụ đề nghị thẩm định.

Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/vi-sao-muong-phang-van-chua-duoc-cong-nhan-la-xa-an-toan-khu-cach-mang-854812.vov