Chùa Hà: Ngôi chùa linh thiêng và nhiều điển tích

Chùa Hà là ngôi chùa khá nổi tiếng giữa lòng Hà Nội. Nổi tiếng về cầu tình duyên, cầu bình an. Vào những ngày rằm, mùng một, chùa đông như hội, luôn có rất nhiều khách hành hương đến dâng lễ.

Cổng chùa Hà. Ảnh: Đổng Thắng.

Cổng chùa Hà. Ảnh: Đổng Thắng.

Theo lịch sử, chùa Hà (chùa Bối Hà) hay còn được gọi là Thánh Đức tự, tọa lạc tại Giáp Bối Hà, thôn Trung, xã Dịch Vọng, tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, nay là phố chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Chùa được tạo dựng từ cuối thời Lê để thờ Phật theo phái Đại thừa.

Vì sao chùa có tên gọi là Thánh Đức, truyền rằng: Vua Lê Thánh Tông đã đến các chùa ở Dịch Vọng như chùa Thôn Hậu, chùa Bối Hà cầu tự mà sinh được thái tử Lý Càn Đức (Lý Nhân Tông), ban lễ vật cho các chùa đó, nên chùa Bối Hà có tên là chùa Thánh Đức, chùa Thôn Hậu có tên là chùa Thánh Chúa.

Chuông chùa Thánh Đức đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ 7 hiện treo trên Tam quan có đoạn: “Nay ở Giáp Bá Hà, thôn Dịch Vọng Trung, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây, nước Đại Việt có chùa Thánh Đức là nơi danh lam cổ tự, từ xưa chùa đã là nơi Phật pháp trang nghiêm, có đủ Phật đường, Pháp âm, bảo tháp...”

Không gian yên tĩnh bên trong chùa Hà. Ảnh: Đổng Thắng.

Chùa Hà hiện nay còn bảo tồn được khối kiến trúc vật chất với đầy đủ các hạng mục công trình được bố cục hài hòa trong một không gian rộng lớn bao gồm: tam quan, hồ sen, tòa tam bảo kết cấu chữ Đinh, nhà thờ Tổ, thờ Mẫu phía sau thượng điện, nhà bia và bộ sưu tập dị vật có giá trị lịch sử nghệ thuật thời Lê – Nguyễn. Trong đó, đáng lưu ý nhất là bộ tượng tròn, 18 tấm bia đá, chuông đồng nêu hiệu Cảnh Thịnh 7 (1799) có nội dung ca ngợi cảnh đẹp và sự linh thiêng của chùa.

Trải qua bao thời kì lịch sử, chùa Thánh Đức đã bị phá hủy nhiều lần. Đến đời vua Lê Huy Tông (1675 – 1705) có hai người quê làng Thổ Hà (Bắc Giang) sang ở chùa, để bán các đổ gốm sứ ở chợ trong và ngoài thành. Nhờ buôn bán phát đạt, hai gia đình phát nguyện công đức số tiền lớn cùng nhân dân trùng tu chùa với quy mô lớn bằng gạch ngói vào năm Chính Hòa (1680).

Ao cá hình bán nguyệt. Ảnh: Đổng Thắng.

Từ năm 1941 đến năm 1945, chùa Hà là nơi được Xứ ủy Bắc Kỳ chọn làm cở sở hoạt động bí mật. Tối 15 tháng 8 năm 1945, tại tam quan gác chuông chùa Hà diễn ra hội nghị quan trọng để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám tại Hà Nội. Năm 1984, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định và gắn biển di tích cách mạng kháng chiến tại chùa Hà và đến năm 1996, chùa Hà được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật.

Theo người dân sống gần chùa Hà cho biết: chùa rất linh thiêng về cầu tình duyên, trong chùa có hai ban, ban đầu lúc mới đi vào cổng chùa sẽ thấy, ban đầu mọi người cầu bình an, sức khỏe, công việc… ban thứ hai thường các chàng trai chưa vợ, cô gái chưa chồng đến dâng lễ mong tìm được một nửa tình duyên còn lại, có những đôi lứa đang yêu nhau cũng đến chắp tay thành kính cầu cho tình duyên trăm năm hạnh phúc.

Các ngày lễ, ngày rằm, mùng một, những ngày cuối tuần khách đến dâng lễ rất đông, ngoài ra chùa còn là nơi rất yên tĩnh vào các ngày còn lại, những ngày thanh tịnh đến nhẹ nhàng của một ngôi chùa nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội.

Đổng Thắng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/chua-ha-ngoi-chua-linh-thieng-va-nhieu-dien-tich-63277