Chưa hấp dẫn khán giả "nhí"

NDĐT - Trong khi một số chương trình sân khấu thiếu nhi của tư nhân ở Hà Nội “cháy vé”, thì một loạt các suất diễn của Liên hoan sân khấu thiếu nhi quốc tế 2010 lại có phần thưa vắng khán giả.

Việc quá ít số đoàn và chương trình tham dự liên hoan sân khấu thiếu nhi quốc tế 2010 đã khiến cho diện mạo của sân khấu thiếu nhi chưa thực hoàn hảo về thể loại cũng như nội dung đề cập. Sự vắng mặt của những cái tên đã trở thành thương hiệu của sân khấu thiếu nhi như: Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Sân khấu kịch Idecaf, Đoàn Xiếc TPHCM, Đoàn Múa rối TPHCM, Nhà hát Hòa Bình… phần nào khiến Liên hoan sân khấu thiếu nhi quốc tế chưa đủ mặt “anh tài”. Tuy nhiên không phải vì thế mà 7 chương trình của 7 đơn vị gồm 3 đoàn nghệ thuật quốc tế và 4 đoàn nghệ thuật trong nước tham dự liên hoan kém đi sức hấp dẫn của nó. Trước tiên phải kể tới hai chương trình của Nhà hát NaKaMa Nhật Bản với vở diễn Mơ! Mơ! Đừng có mơ! và Nhà hát Pantomimteatern – Thụy Điển với vở Ông nội và chiếc đàn Harmonica trong mơ. Các nghệ sĩ Nhật Bản đã mang tới một không khí biểu diễn sôi nổi và chuyên nghiệp với một vở diễn phù hợp với độ tuổi thiếu nhi. Đó là câu chuyện sinh động và tinh nghịch nhưng cũng đầy ý nghĩa về cuộc sống qua các con vật như chú rắn nước, những chú bọ ngựa, chú chim nhỏ… Mặc dù phải qua phiên dịch nhưng các em nhỏ dường như cũng không mấy khó khăn để cảm nhận câu chuyện cũng như tính cách của từng nhân vật trong vở kịch qua nét mặt, phong cách biểu diễn tươi tắn của các nghệ sĩ Nhật Bản. Nghệ sĩ Bo W Lindstrom của Nhà hát Pantomimteatern – Thụy Điển lần đầu tiên đã mạnh dạn chọn diễn một mình trên sân khấu để tham dự liên hoan lần này. 57 tuổi với 33 năm lăn lộn với sân khấu cho thiếu nhi, Bo đã chứng tỏ được tài năng diễn xuất đa dạng của mình, ông không chỉ diễn kịch câm mà còn kết hợp đủ các thể loại nghệ thuật khác như biểu diễn các giai điệu nhạc với cây đàn harmonica, biểu diễn múa rối… Những đồ vật rất đời thường như: Cây chổi lau nhà, chiếc loa cũ, chiếc máy nghe nhạc bằng đĩa cổ, những chiếc cà vạt, một chú chó bông nhỏ xíu… Tất cả đã trở nên sống động trong đôi bàn tay và cách xử lý khéo léo của nghệ sĩ Bo. Ông đã đưa trẻ thơ cùng khám phá vào một thế giới xưa với những kỷ niệm ngọt ngào của mình. Bốn chương trình của Việt Nam cũng lần lượt ra mắt khán giả, đó là : Ngôi nhà của bé của Nhà hát Tuổi Trẻ, Ngày hội múa rối của Nhà hát Múa rối Trung ương, Nàng Hến của Nhà hát Múa rối Thăng Long, Hoa hồng đỏ của Đoàn múa rối Hải Phòng. Đáng mừng là các chương trình của các đoàn Việt Nam được trẻ em hào hứng tiếp nhận, thậm chí còn vượt hơn cả các chương trình của các đơn vị quốc tế bởi phần nào rào cản ngôn ngữ cũng như văn hóa của mỗi nước một khác. Chương trình ca nhạc tạp kỹ Ngôi nhà của bé của Nhà hát Tuổi Trẻ với những bài hát vui nhộn do các nghệ sỹ Hồng Kỳ, Hải yến, Tường Văn, Tuấn Nghĩa…với những tình huống vui nhộn, hài hước đã rất cuốn hút các em nhỏ. Chương trình Ngôi nhà của bé năm nay có lẽ là để đi dự Liên hoan quốc tế nên cảnh trí sân khấu và trang phục được đầu tư cũng kỹ lưỡng hơn rất nhiều. Ba đơn vị múa rối là: Nhà hát Múa rối Trung ương và Nhà hát Múa rối Thăng Long, Đoàn múa rối Hải Phòng đều khéo léo kết hợp giữa các thể loại rối tạo nên những không gian rối mang phong cách riêng, đặc biệt sự kết hợp giữa người diễn với con rối được khai thác triệt để và hiệu quả... Có thể nói tại liên hoan lần này nghệ thuật múa rối đã phát huy được tác dụng tạo nên những màn hoạt náo vui nhộn khi biết khai thác và đánh trúng tâm lý của trẻ. Không thể phủ nhận rằng các chương trình tham dự Liên hoan sân khấu thiếu nhi quốc tế 2010 đã đáp ứng đúng tiêu chí mà ban tổ chức đề ra, đó là phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Tuy nhiên, ngoại trừ đêm khai mạc liên hoan tại Nhà hát Lớn Hà Nội chật kín khán giả, các suất diễn sau đều thưa vắng và nhiều hàng ghế không có người xem. Thí dụ như suất diễn của đoàn Thụy Điển tại Nhà văn hóa Thanh niên Trần Bình Trọng chỉ có 1/3 số ghế của rạp có người ngồi. Chương trình nghệ thuật đặc sắc tham dự liên hoan không bán vé, diễn miễn phí phục vụ các em thiếu nhi, vậy mà không đủ sức hút như các chương trình của các đoàn tư nhân khác. Thậm chí ngay tại chính địa điểm diễn ra liên hoan quốc tế như Nhà hát Lớn Hà Nội, Cung văn hóa Thiếu nhi Hà Nội thì khán giả lại đổ xô vào mua vé xem các chương trình của tư nhân và tỏ ra thiếu mặn mà với chương trình liên hoan. Lý giải điều này, nhiều nghệ sĩ cho rằng khán giả vẫn thường quen xem các chương trình vào dịp này với những tên tuổi nghệ sĩ như Xuân Bắc, Tự Long, Thành Trung… Hoặc nếu có xem đoàn nhà nước thì tới Nhà hát Tuổi Trẻ, Liên Đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Trung Ương… Hơn nữa, một lý do đáng lưu tâm đó là nhà tổ chức liên hoan chưa thể cạnh tranh được với tài quảng cáo thông tin tuyên truyền của các ông bầu, bà bầu show của sân khấu thiếu nhi. Một nghịch lý khác mà chỉ bản thân những người “trong cuộc” mới hiểu được vì sao lại thế?! Nghệ sĩ Chu Đắc Được – Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết Nhà hát đã nhiều lần đề cập diễn miễn phí tại một số trường cấp 1 - 2 của Hà Nội, nhưng đều không được chấp nhận. Bởi đã thành thông lệ lâu nay các trường tổ chức cho học sinh đi xem thì thường là chọn xiếc. Thực tế việc ký hợp đồng biểu diễn là do cá nhân hoặc một nhóm nghệ sĩ thuộc đoàn nhà nước hoặc tư nhân đứng ra tổ chức biểu diễn. Đáng nói là số tiền bán vé thường được chia đôi, một nửa cho nhóm nghệ sĩ tổ chức biểu diễn và một nửa được “lại quả” cho trường!? Đây là lý do vì sao mà các nghệ sĩ ở một số nhà hát và đơn vị nghệ thuật khác khó mà len chân vào biểu diễn, thậm chí là miễn phí ở một số trường học hiện nay. Liên hoan sân khấu thiếu nhi quốc tế 2010 vẫn tiếp tục diễn ra tới ngày 1-6-2010 – ngày Quốc tế thiếu nhi với những suất diễn miễn phí và những chương trình đặc sắc. Chỉ tiếc là bữa “đại tiệc” cho thiếu nhi vẫn còn thiếu món ngon vì chưa tập hợp được đầy đủ các thể loại sân khấu phục vụ thiếu nhi ở các đoàn trong nước, chưa nói là các đoàn sân khấu thiếu nhi mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới về tụ hội. Chắc hẳn đây cũng là bài học kinh nghiệm để ban tổ chức tiến hành cuộc Liên hoan lần sau một cách quy mô hơn và tổ chức quảng cáo tuyên truyền rộng rãi hơn để nhiều đối tượng trẻ em được thưởng thức những tác phẩm sân khấu có chất lượng, phù hợp với lứa tuổi của các em.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=175653&sub=134&top=43