Chưa hết cảnh vệ sinh bừa bãi, đổ trộm rác thải ở Hà Nội

Nghị định 155/2016/NĐ-CP (NĐ 155) của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực từ tháng 2/2017 với nhiều mức xử phạt rất nghiêm khắc trong lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, sau một năm thực hiện, dường như tình trạng môi trường đô thị vẫn không mấy được cải thiện, nhiều người dân trên địa bàn Hà Nội vẫn tỏ ra khá thờ ơ.

Vi phạm tràn lan

Các vụ vi phạm môi trường vẫn gia tăng

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2017, Bộ đã thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 426 tổ chức trong việc chấp hành pháp luật về môi trường, xử lý chất thải rắn sinh hoạt… Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy: Có 159 tổ chức vi phạm (chiếm 37,32% số tổ chức được thanh tra, kiểm tra) với những hành vi: Xả thải gây ô nhiễm môi trường, thực hiện không đúng các quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện quản lý chất thải rắn không đúng quy định; không lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, liên tục... Bộ đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 159 tổ chức với số tiền 30,083 tỷ đồng.

Theo đó, trong nghị định mới, các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng sẽ bị tăng mức xử phạt gấp nhiều lần so với trước. Cụ thể, theo Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, các hành vi như vứt đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định bị phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng; tiểu tiện, đại tiện bậy bạ bị phạt 1 - 3 triệu đồng; xả rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt 3 - 5 triệu đồng; xả rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị mức phạt từ 5 - 7 triệu đồng…

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của PV, trên nhiều tuyến đường tại các đô thị, khu dân cư, đặc biệt là khu vực bến xe lớn như Mỹ Đình, Giáp Bát… hành vi như tiểu tiện ngoài đường vẫn khá phổ biến. Cá biệt, ở khu vực đường Lê Đức Thọ (Q Nam Từ Liêm) có 3 nhà vệ sinh chỉ cách nhau 200 – 500m, nhưng một số người dân thiếu ý thức vẫn vô tư “xả” ngay cạnh nhà vệ sinh, khiến môi trường nơi đây luôn thường trực mùi xú uế khó chịu. Chưa hết, ở ngay trên trục đường Lê Quang Đạo, tình trạng tập kết rác thải và xả rác sinh hoạt trên vỉa hè cũng diễn ra phổ biến.

Tình trạng rác thải được xả tràn lan còn dễ dàng thấy ở đường Bùi Xương Trạch đoạn cách nút giao với ngõ Định Công Thượng 200m. Tại đây, mặc dù có biển “cấm đổ rác”, song một số người thiếu ý thức vẫn đem rác thải sinh hoạt thậm chí là phế thải xây dựng ra “tập kết” ở khu vực này. Theo những người dân sống quanh khu vực này, cứ sau một thời gian được chính quyền địa phương và đơn vị vệ sinh môi trường dọn sạch thì tình trạng “xả” bừa bãi như trên lại tái diễn.

Cần đồng bộ hóa nhiều giải pháp

Có một điểm đáng chú ý là, theo Nghị định 155, thẩm quyền xử phạt là UBND các cấp, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Quy định là vậy nhưng theo tìm hiểu thực tế, phần lớn người dân cho rằng hiếm khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt. Chính vì thế, rất nhiều cá nhân thiếu ý thức vẫn không hề “chùn tay” khi xả rác sinh hoạt ra đường, nơi công cộng, đổ trộm phế thải tại các ô đất trống của dự án…

Minh chứng dễ thấy nhất là nhiều tuyến đường trục chính của Hà Nội, nhất là những tuyến vành đai, đường mới mở như: Kim Giang, Định Công, Nguyễn Xiển, Đại lộ Thăng Long… từng có thời điểm phải “gánh” những bãi phế thải xây dựng ngổn ngang.

Khi tìm hiểu về vấn đề này, người viết từng khảo sát tình trạng “phế thải tặc” hoành hành dọc tuyến đường gom thuộc Đại lộ Thăng Long (Hà Nội), đặc biệt là đoạn giáp ranh giữa địa bàn Nam Từ Liêm và Hoài Đức. Tại đây, tình trạng đổ trộm phế thải đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông, ô nhiễm môi trường và phá vỡ cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, trao đổi về công tác tuần tra, xử lý trên địa bàn, cán bộ địa phương – đơn vị theo Nghị định 155, có thẩm quyền xử phạt dường như đang gặp khó.

Nói cách khác, với đơn vị xã, phường… mặc dù được giao trách nhiệm xử phạt, song họ đang đối mặt với tình trạng “nhiều không” như: không có đủ lực lượng trực 24/24h tại các đường phố, ngõ xóm, nơi công cộng; không có trang thiết bị kỹ thuật (máy quay, máy ảnh…) chuyên dụng… tất cả những yếu tố này đã khiến việc xử lý vi phạm trở nên kém hiệu quả.

Chia sẻ thêm về vấn đề liên quan, theo ông Trần Duy Hải – Chủ tịch UBND phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) khẳng định, hiện UBND quận Nam Từ Liêm và phường Tây Mỗ đều đang quan tâm và phối hợp rất tích cực vấn đề trả lại hành lang giao thông văn minh, sạch đẹp cho khu vực Đại lộ Thăng Long đoạn chạy qua địa bàn. Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng, việc phát hiện, bắt quả tang các đối tượng có hành vi đổ trộm phế thải xây dựng trên trục đường gom trục Đại lộ hiện hết sức khó khăn. Một phần xuất phát từ khung giờ hoạt động thất thường của những đối tượng này, phần khác vì lực lượng tuần tra mỏng, các đối tượng “phế thải tặc” lại hết sức liều lĩnh.

Khách quan nhìn nhận, để Nghị định 155 đi vào cuộc sống, trước hết các ngành chức năng liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị định 155/2016/NĐ-CP tới cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức đúng đắn, sâu sắc về sự cần thiết phải xử phạm nghiêm đối với các hành vi vi phạm bảo vệ môi trường, để từ đó đồng tình, ủng hộ chủ trương đúng đắn này.

Ngoài ra, cũng cần quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nơi công cộng như nhà vệ sinh, phòng hút thuốc, thùng rác, lắp đặt hệ thống camera… nhằm tạo điều kiện phục vụ tốt nhu cầu của người dân và kiểm soát người vi phạm.

Sơn Bình

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/chua-het-canh-ve-sinh-bua-bai-do-trom-rac-thai-o-ha-noi-381398.html