Chưa 'hút' được doanh nghiệp tham gia dự án giao thông hình thức PPP

Triển khai các giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; nhiều bất cập trong các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT... là một trong những nội dung quan trọng được Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời tại phiên chất vấn chiều 7-6, trong chương trình kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời tại phiên chất vấn chiều 7-6.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời tại phiên chất vấn chiều 7-6.

Sớm giải quyết, nhưng... chưa biết đến bao giờ!

Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) nêu rõ, thực hiện chủ trương chung, nhiều doanh nghiệp đã chung tay đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Tuy nhiên, đến nay một số đơn vị không có khả năng hoàn vốn đầu tư do Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư bằng ngân sách nhà nước tuyến song hành hoặc tuyến tránh, làm phá vỡ phương án tài chính của dự án.

Nêu dẫn chứng dự án quốc lộ 14 đoạn ở Đắk Lắk theo hình thức BOT, sau khi đưa vào sử dụng chưa được 1 năm thì Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư từ ngân sách tuyến tránh thị xã Buôn Hồ khiến doanh nghiệp đang đứng bên bờ phá sản, đại biểu Lê Hoàng Anh đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình và phương án giải quyết.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong quá trình phát triển đất nước, chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đôi khi không lường hết được các khả năng. “Cách đây 10-15 năm, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông rất lớn, nguồn lực có hạn, chúng ta đã tạo mọi điều kiện để mời gọi nhà đầu tư. Đến khi kinh tế - xã hội phát triển, chúng ta xây dựng những kế hoạch, chiến lược cùng với sự phát triển thực tiễn, khi rà soát lại, ta thấy cần tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, chính vì thế, nhiều dự án bị ảnh hưởng. Cụ thể, khi hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng”, Bộ trưởng thông tin.

Ngay trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cũng quy định, khi một dự án đầu tư BOT của doanh nghiệp nếu doanh thu vượt quá 125% so với dự tính thì nhà đầu tư phải chia sẻ lại cho nhà nước. Nếu doanh thu thấp hơn 75% so với dự tính, thì Nhà nước phải chia sẻ với doanh nghiệp.

Riêng với dự án BOT quốc lộ 14 đoạn ở Đắk Lắk, khi làm tuyến tránh Buôn Hồ đã bị ảnh hưởng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu, trình Chính phủ phương án mua lại của nhà đầu tư. Đây là một tồn tại, hạn chế, sắp tới, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cơ chế thu phần vốn nhà nước đầu tư trên các tuyến cao tốc, cơ chế xử lý với các tuyến BOT bị ảnh hưởng do Nhà nước đầu tư các tuyến cao tốc, tuyến đường tránh.

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn chiều 7-6.

Tranh luận về nội dung trên, đại biểu Lê Hoàng Anh cho biết, Bộ trưởng khẳng định sẽ sớm giải quyết, trước đó, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo và kết luận vào tháng 4-2022 nhưng đến nay qua hơn 1 năm chưa có phương án khiến doanh nghiệp ngày càng khó khăn. Trong văn bản của Bộ trả lời cử tri Gia Lai cũng đều khẳng định sẽ sớm giải quyết, nhưng không nêu thời điểm cụ thể.

Nhiều dự án BOT trên cả nước chưa được thực hiện

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho biết, sau phiên chất vấn tại kỳ họp thứ ba, Bộ trưởng đã chỉ đạo sửa quốc lộ 1A, đoạn qua thành phố Dĩ An (Bình Dương) và giao Tổng cục Đường bộ làm thủ tục bàn giao đoạn đường cho địa phương quản lý nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Đại biểu cũng nêu thực trạng nhiều dự án BOT trên cả nước chưa được thực hiện, đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp sắp tới?

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) chất vấn.

Về nội dung trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng ghi nhận, sẽ kiểm tra thực tiễn triển khai thực hiện và xử lý. Bộ đã triển khai nhưng nhiều vướng mắc, đặc biệt liên quan hợp đồng ký kết cơ quan quản lý nhà nước với nhà đầu tư về số trạm thu phí.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, nhà nước hay doanh nghiệp đều bình đẳng khi ký hợp đồng. Thực tiễn liên quan đến các trạm thu phí, Bộ trưởng cho biết, có trạm đã xử lý được, có trạm cần tiếp tục đàm phán với các bên liên quan như các ngân hàng, nhà đầu tư. “Thực tế một số dự án không phải lỗi do nhà đầu tư, không phải do nhà nước mà do nhu cầu thực tiễn phát sinh, yêu cầu đòi hỏi về sự phát triển nên cần mở thêm tuyến”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin.

Trong khi đó, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay có một số dự án đã phê duyệt chủ trương theo hình thức BOT, tuy nhiên sau đó chuyển qua hình thức đầu tư công, dự án chưa triển khai thực hiện, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, làm thời gian chuẩn bị kéo dài và có thể ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai dự án về sau. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.

Trả lời đại biểu Trần Anh Tuấn, Bộ trưởng chia sẻ đây cũng là trăn trở của cá nhân và của Bộ khi đến nay chưa kêu gọi được nhiều doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP. Bộ trưởng cho rằng cần tạo được niềm tin của doanh nghiệp thông qua xem xét có điều chỉnh phù hợp, hoàn thiện cơ chế chính sách, bảo đảm tính ổn định của chính sách, trường hợp thay đổi cơ chế chính sách thì điều khoản chuyển tiếp như thế nào; tháo gỡ các vấn đề liên quan đến ngân hàng…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin, thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến, mời gọi đầu tư các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn, huy động doanh nghiệp tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông..

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1066449/chua-hut-duoc-doanh-nghiep-tham-gia-du-an-giao-thong-hinh-thuc-ppp