Chùa Khánh Lâm - điểm du lịch tâm linh hấp dẫn

Lâu nay, nhiều người hay dùng một cách lẫn lộn cụm từ 'danh lam thắng cảnh'. Nguyên nghĩa của cụm từ này là để gọi một cảnh đẹp nào đó có gắn liền với chùa chiền, am cốc. ('Lam' là từ nhà Phật, như 'già lam', thoát âm từ 'Buddham'). Ví như danh lam thắng cảnh Hương Tích, Yên Tử, Bái Đính… Như vậy, cảnh đẹp mà không có chùa thì chỉ gọi là 'thắng cảnh', không ghép thêm 'danh lam'.

Chùa Khánh Lâm. Ảnh: Tạ Văn Sỹ

Từ định nghĩa đó, Kon Tum lâu nay cũng có nhiều cảnh đẹp được biết đến, nhưng chưa thể gọi là "danh lam thắng cảnh" vì chưa có điểm nào có chùa đẹp hoặc nổi tiếng. Nhưng, từ nay trở đi, Kon Tum đã có một danh lam thắng cảnh mới với đầy đủ nghĩa lý của từ ngữ và giàu ý nghĩa văn hóa - nhân văn.

Khoảng 3 năm trở lại đây, các tín đồ Phật giáo Kon Tum và du khách tới đây ngoạn cảnh đã dần dà thường xuyên đi về một nơi "thâm sơn cùng cốc" thuộc Khu du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plong, để vãn cảnh và đảnh lễ. Ấy là nơi đang lập dựng một ngôi chùa mới với tên gọi là Khánh Lâm, tuy rằng, lúc bấy giờ, chùa hãy còn bề bộn, ngổn ngang một công trình làm theo kiểu cuốn chiếu, dần dà, có đến đâu làm đến đấy.

Đến Tết Bính Thân 2016 thì khuôn viên chùa đã được định hình khá rõ. Bước đầu đã hoàn thiện gian Chánh điện (phần trang trí, sắp đặt bên trong còn phải bổ sung một số hạng mục). Chánh điện được cấu trúc ba tầng mái, là sự kết hợp tinh xảo, hài hòa giữa đặc thù truyền thống và địa phương. Hai tầng mái bên dưới cong vút đầu đao, tượng trưng kiến trúc đình chùa cổ truyền, tầng mái trên cùng vát thẳng trời xanh, là cách điệu mái nhà rông, một nét văn hóa độc đáo, biểu trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa. Hình ảnh này biểu đạt rõ tinh thần hòa nhập cộng đồng xưa nay của Phật giáo. 12 cánh cửa ra vào nơi tiền sảnh chạm khắc điêu luyện hình tượng 12 vị Dược Xoa trong kinh Dược Sư, biểu thị 12 vị hộ mệnh cho loài người nơi trần thế.

Hai bên sân tiền Chánh điện là hai dãy nhà Tây Lan và Đông Lan song song đối xứng, mỗi nhà có chiều dài khoảng 25m, chiều rộng khoảng 10m, toàn bộ cột kèo xiên trính và cửa đều làm bằng gỗ mít rừng, được bào chuốc láng hoặc chạm khắc hoa văn tinh xảo; mái nhà lợp ngói âm dương, mang nét cổ kính truyền thống và tạo cảm giác ấm cúng, thân thiện. Phía trước cửa, đối xứng hai bên sân tiền Chánh điện và nhà Tây Lan, Đông Lan là Lầu chuông (với chiếc hồng chung cao chừng 2m, nặng khoảng trên 1 tấn) và Lầu trống (thân trống là gỗ pơ-mu liền khối, có đường kính 1,4m). Phía trước Chánh điện là tượng Quan thế âm Bồ tát cao 17m, đẹp, trầm tư, thánh thiện và hồ sen đối xứng phía bên kia, đang thi công dang dở. Lệch chéo ở phần hậu cảnh khuôn viên chùa là các công trình nhà ăn, nhà bếp, khu vệ sinh… ngăn nắp, thoáng đãng…

Mặc dù đã mang dáng dấp một ngôi chùa bề thế, tôn nghiêm, nhưng vẫn còn nhiều hạng mục dang dở. Ví như chưa có Nhà Tổ, Nhà Tăng, Thư phòng… Ngay cả nhóm tượng 18 vị La Hán cũng còn đang đắp tạc dở dang, không biết Tết này có kịp thỉnh đặt vào đúng nơi trang nghiêm cho mọi người chiêm bái? Tuy chưa hoàn thiện, nhưng nhìn vào cụm tượng dở dang cũng đã khiến người xem liên tưởng đến mấy dòng thơ nổi tiếng của Huy Cận: "Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau/ Quay theo tám hướng hỏi trời sâu/ Một câu hỏi lớn không lời đáp/ Cho đến bây giờ mặt vẫn chau!…".

Ở phần sân hậu Chánh điện cũng vậy, chưa có cỏ xanh, chỉ mới trồng 12 cây hoa Sa La (gốc từ Ấn Độ), biểu tượng cho điểm Song Thọ Thị Hiện Niết Bàn, tức sự kiện Đức Phật Tổ nằm nhập diệt dưới bóng hai cây hoa Sa La cổ thụ sau bao nhiêu năm hành thiền độ pháp… Ấy là chưa nói sẽ còn có nhà nghỉ dưỡng, nhà giảng võ để truyền bá võ cổ truyền dân tộc cho môn tăng và mọi người, còn có khu trung tâm từ thiện nhằm bảo trợ những hoàn cảnh bất hạnh nơi cõi trầm luân…

Thầy Đại đức Thích Nhuận Bảo, Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum, chính là người đã phát khởi tâm nguyện việc dựng lập chùa này. Chùa được làm lễ khởi công vào Rằm tháng Hai năm Nhâm Tuất, tức ngày 7-3-2012, trong diện tích quy hoạch được giao 10ha, trên một ngọn đồi nguyên sinh phong quang cao, trên 1.200m so với mực nước biển.

Tên chùa Khánh Lâm là ghép từ tên chùa Tổ đình Trung Khánh, nơi thầy Nhuận Bảo xuất thân và tên chùa Phước Lâm, nơi thầy Nhuận Bảo đang được cung thỉnh về trụ trì. Nếu suy diễn ra ngoài tên gọi ghép, thì tự thân "Khánh Lâm" cũng có ý nghĩa riêng. Khánh là vui, mừng. Lâm là rừng. Như vậy, Khánh Lâm nghĩa là chùa mang đến điềm vui, tin mừng của tinh thần độ thế về nơi núi rừng u nhã, u linh!

Theo triết lý nhà Phật, mọi sự thành bại đều từ căn duyên mà có. Cái "duyên" lớn của sự hình thành chùa Khánh Lâm phải kể từ ngày thầy Nhuận Bảo mang túi vải vân du tìm nơi dựng chùa hoằng pháp. Duyên may, khi thầy đặt chân đến đất Măng Đen gặp được quý vị lãnh đạo của huyện Kon Plong sẵn lòng tâm nguyện, đã hoan hỷ chấp y ý nguyện của thầy, liền cho tiến hành mọi thủ tục hành chánh và tạo mọi điều kiện thuận lợi trong tiến trình dựng lập.

Chùa Khánh Lâm là biểu tượng của sự chung công, góp sức từ rất nhiều nguồn. Ngoài tâm đức của quý vị lãnh đạo huyện Kon Plong lúc khởi phát như đã nói, còn có Công ty Nam Trường Long cung tiến dường như toàn bộ phần Chánh điện (nội ngoại thất); mọi kinh phí khác đều từ sự chung tay, góp sức, đồng lòng của đạo hữu bốn phương.

Thật ra, trên vùng đất Măng Đen cũng đã có một ngôi chùa nhỏ Bảo Sơn Tự do Tuyên úy quân đội Sài Gòn lập dựng cho binh lính, nhưng sau chiến tranh đã bị hư hại hoàn toàn. Đây là lần thứ hai dấu ấn Phật giáo được xác lập một cách đậm nét trên vùng đất chiến khu xưa này. Do vậy, kể từ khi phát công xây dựng đến nay, nhà chùa đã 3 lần tổ chức đại lễ cầu siêu tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ và đồng bào tử nạn trong công cuộc kháng chiến, cầu quốc thái dân an… kết hợp cùng với các dịp tổ chức Tuần văn hóa của huyện Kon Plong.

Thầy Nhuận Bảo bên hồng chung. Ảnh: Tạ Sỹ

Đường vào chùa Khánh Lâm (tính từ quốc lộ 24 vào) quanh co giữa chập chùng đồi núi, suối khe, khiến du khách dễ liên tưởng tới đường vào Đất Phật Trúc Lâm, Yên Tử ở tỉnh Quảng Ninh - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông hành thiền và đắc đạo, lập nên thiền phái Trúc Lâm siêu việt - bởi cảnh sắc thâm u tịch mịch của đại ngàn nguyên sinh. Đến gần chân đồi, trước khi phải bước 236 bậc đá để lên chùa còn có dòng suối đá uốn quanh (đã được bắc cầu dây văng) khiến người ta liên tưởng đến suối Giải Oan dưới chân chùa Hoa Viên, khu Yên Tử, nơi Đức vua Trần Nhân Tông đã hóa giải mọi nỗi oan tình để tịnh tâm hành đạo mà thành Phật hoàng.

Khu du lịch sinh thái Măng Đen đang ngày càng được khách du lịch khắp nơi tìm đến. Cùng với những thác, những hồ, những rừng thông, đồi sim, những vườn hoa xứ lạnh… chùa Khánh Lâm chính là một trong những "điểm nhấn" đặc biệt trong quần thể Khu du lịch này. Ngoài ý nghĩa ngoạn cảnh, tìm về với thiên nhiên trong lành, khách thập phương còn tìm thấy ở đây ý nghĩa tâm linh, tịnh độ cho tâm hồn và cuộc sống. Tết Bính Thân năm nay, phật tử và du khách ở Kon Tum đã có thêm một nơi thanh tịnh, tôn nghiêm để hành hương đảnh lễ, đó là danh lam thắng cảnh chùa Khánh Lâm - Măng Đen.

Tạ Văn Sỹ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chua-khanh-lam-diem-du-lich-tam-linh-hap-dan/