Chưa khi nào oanh tạc cơ tàng hình B-2 Mỹ cùng cất cánh đông như thế này

Không quân Mỹ huy động 12 oanh tạc cơ tàng hình B-2 cất cánh liên tiếp, nhằm phô trương sức mạnh và thể hiện khả năng sẵn sàng chiến đấu.

"12 oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit thuộc Không đoàn ném bom số 509 đã thực hiện đợt cất cánh liên tiếp tại căn cứ Whiteman hôm 15/4, kết thúc cuộc diễn tập thường niên Sprit Vigilance" không quân Mỹ cho hay.

"Hoạt động huấn luyện định kỳ bảo đảm các quân nhân luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tấn công trên phạm vi toàn cầu vào mọi thời điểm", không quân Mỹ nhấn mạnh.

12 oanh tạc cơ tương đương gần 70% toàn bộ máy bay B-2 trong biên chế không quân Mỹ hiện nay.

Lực lượng này thường chỉ có 11-12 chiếc B-2 đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu, số còn lại nằm tại nhà xưởng bảo dưỡng.

"Triển khai cùng lúc 12 máy bay B-2 là động thái rất ấn tượng, do đây là dòng máy bay đắt tiền nhất của không quân Mỹ và đòi hỏi quá trình bảo dưỡng cực kỳ phức tạp. Đó có thể là thông điệp nhằm phô trương sức mạnh và khả năng sẵn sàng xuất kích của phi đội này", chuyên trang quân sự War Zone nhận định.

Diễn tập "Voi đi bộ" nằm trong đợt diễn tập Spirit Vigilance diễn ra tại căn cứ Whiteman ở bang Missouri là hoạt động huấn luyện nhằm cải thiện khả năng chiến đấu của lực lượng duy nhất biên chế phi đội B-2 Spirit.

Diễn tập cất cánh liên tục sẽ mô phỏng tình huống nổ ra xung đột quy mô lớn, trong đó phi đội B-2 phải gấp rút sơ tán khỏi căn cứ để tránh đòn phủ đầu và tấn công mục tiêu chỉ định trong thời gian ngắn nhất.

Trong hoạt động này, các phi công được lệnh đưa máy bay dàn đội hình trên đường băng ở khoảng cách an toàn tối thiểu và sẵn sàng cất cánh liên tục.

Diễn tập "Voi đi bộ" giúp chỉ huy đánh giá khả năng triển khai lực lượng tối đa trong thời gian ngắn, mô phỏng số lần xuất kích tăng đột biến trong các chiến dịch quân sự.

B-2 Spirit là mẫu oanh tạc cơ chiến lược được Mỹ ra mắt năm 1988, cũng là phi cơ đắt nhất trong lịch sử.

Giá thành chế tạo một chiếc B-2 khi đó là 515 triệu USD, tương đương 1,06 tỷ USD hiện nay.

Nếu tính cả chi phí nghiên cứu phát triển, mỗi chiếc Spirit sẽ có giá lên tới 2,1 tỷ USD. Dòng B-2 là mũi nhọn trong mọi đòn đánh phủ đầu của Mỹ, nhờ khả năng tàng hình trước radar đối phương.

Mỹ vẫn là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực chế tạo máy bay tàng hình nói chung và máy bay ném bom chiến lược tàng hình nói riêng.

Cho đến hiện tại B-2 Spirit vẫn là loại máy bay ném bom tàng hình đắt nhất, độc đáo nhất và mạnh nhất thế giới.

Máy bay B-2 Spirit lấy ý tưởng từ những chú chim với hình dáng khí động học độc đáo giúp chúng có thể xâm nhập sâu vào không phận đối phương mà không bị phát hiện.

Người Mỹ đã thành công khi thêm những thành tố tổng hợp vào trong chất liệu chế tạo cánh, đáng chú ý nhất là sợi carbon để tạo nên một chiến đấu cơ có độ bền cơ học cao.

Chiếc B-2 Spirit được cấu tạo bởi 80% là vật chất tổng hợp, đa phần là sợi carbon. Khung bên trong được kết nối với thân và nơi đặt bình nhiên liệu lớn nhất, thì được làm bằng titan và nhôm.

Vật liệu tổng hợp không chỉ khiến chiếc B-2 Spirit nhẹ hơn mà nó cũng là một chất liệu hấp thu sóng radar rất tốt, cho phép chiếc máy bay ném bom này có thể tàng hình được trước radar đối phương.

Hãng chế tạo vũ khí Northrop Grumman phát triển cho máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit được gọi là Flying Wing – “thân cánh liền khối” và không cần dùng tới cánh đuôi.

Kiểu thiết kế này không có phần thân, chỉ đơn giản là hai cánh cỡ lớn ghép lại với nhau ở giữa và ở phần này có một cơ cấu rỗng với khoang điều khiển và các thiết bị điện tử được lắp đặt.

Nhưng thực tế về lý thuyết, chiếc B-2 hoàn toàn không có phần thân, trong các tài liệu bảo dưỡng của B-2 cũng không có phần thân máy bay mà chỉ có phần khoang điều khiển, khoang bom và hai phần cánh.

Thiếu cánh đuôi, chiếc B-2 không thể thăng bằng được theo chiều ngang so với thân máy bay. Để khắc phục điểm yếu này, các kỹ sư thiết kế đã đưa vào trong thân chiếc B-2 một con lắc cân bằng.

B-2 Spirit được mệnh danh là bóng ma trên bầu trời bởi tải trọng bom lớn cộng với khả năng tàng hình vượt trội, nó có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không hiện đại để tấn công sâu vào đất liền.

Động cơ của B-2 lắp bộ trộn dòng khí, lấy không khí lạnh dẫn vào buồng đốt động cơ và tua bin, làm hạ thấp nhiệt độ mặt ngoài.

Loa phụt động cơ nằm sâu trong thân máy bay, qua đó giảm đáng kể tín hiệu hồng ngoại.

Biện pháp này nhằm đối phó với khí tài hồng ngoại của đối phương có thể sử dụng để phát hiện máy bay qua tín hiệu nhiệt động cơ.

B-2 trang bị 4 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy F118-GE-100 cho phép đạt tốc độ 1.010 km/h, tầm bay 10.400km, trần bay 15.000m.

B-2 trang bị những công nghệ điện tử hàng không tiến tiến gồm: hệ thống radar mạng pha điện tử bị động AN/APQ-81 cung cấp chế độ ngắm mục tiêu, hỗ trợ B-2 bay bám sát và tránh địa hình; hệ thống định vị hàng không; hệ thống đối phó trả đũa điện tử.

Rõ ràng với những thông số ấn tượng, B-2 Spirit là một kỳ quan vũ khí của Mỹ. Nó đã được chứng minh ngay từ những năm đầu đi vào biên chế.

Cụ thể tháng 6/1995, Mỹ đã đưa B-2 tới tham dự triển lãm hàng không Paris (Pháp). Trước khi xuất phát, Mỹ đã thông báo cho Pháp đường bay của B-2.

Quân đội Pháp đã ra lệnh cho trạm radar cảnh giới sục sạo nhưng không thể nào phát hiện được B-2 cho tới khi nó hạ độ cao, lộ diện trước con mắt người.

Từ khi đi vào biên chế đến nay, B-2 Spirit đã tham gia hàng chục phi vụ ném bom vào lãnh thổ đối phương và thu được hiệu suất đáng nể.

Chính vì thế mỗi lần loại vũ khí này được triển khai đều nhận được sự quan tâm lớn từ các đối thủ của Mỹ.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chua-khi-nao-oanh-tac-co-tang-hinh-b-2-my-cung-cat-canh-dong-nhu-the-nay-post573932.antd