Chữa lành bằng cơ chế đúng

Những người thầy thuốc bước vào ngày kỷ niệm ngành y của mình với không ít ưu tư, trăn trở.

Khó khăn, nhọc nhằn, thách thức, tổn thương…, những vấn đề nan giải đang bày ra trước mắt, ai cũng thấy. Đối diện với nó đã là áp lực; vượt qua được nó, đồng thời phải làm tròn trọng trách của một nghề hết sức đặc biệt - đội ngũ "blouse trắng" đang ngày đêm chịu sức ép rất lớn.

Nhưng thực tiễn khiến chúng ta tin rằng mọi thứ sẽ được giải quyết. Cuộc chiến mới đây với kẻ thù COVID-19 cam go đến thế, chúng ta - trong đó ngành y là lực lượng xung kích, nòng cốt - đã vượt qua được với tâm thế của người thắng cuộc. Việt Nam dù còn hạn chế nhiều mặt về khoa học - công nghệ, nghiên cứu, đào tạo…, thế nhưng giữa khó khăn chất chồng ấy, y khoa nước ta không chịu bó gối, ngược lại vẫn đạt được những tiến bộ thần kỳ. Rất nhiều kỹ thuật, phương pháp mới và hiệu quả ra đời nhờ trí sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa của bác sĩ Việt đã cứu sống bao người, khiến y giới quốc tế ngạc nhiên và khâm phục.

Trên tất cả là cái tâm đáng kính của người thầy thuốc. "Lời thề Hippocrates" rất hay, dường như khắp nơi trên thế giới, sinh viên y khoa trước khi ra trường đều phải đọc, song hơi dài và có những điểm chưa chắc còn phù hợp với tình hình hiện nay. Trong khi đó, xã hội chúng ta kỳ vọng vào tài và tâm của y - bác sĩ chỉ bằng một câu dặn ngắn gọn mà sâu sắc, đủ ý: "Lương y như từ mẫu" - tức "Thầy thuốc (giỏi) như mẹ hiền". Và chắc cũng không đâu trên thế giới, người ta gọi bệnh viện là "nhà thương" như ở Việt Nam.

Khái quát lên, những điều đó chính là một trong những phẩm giá quý báu của dân tộc ta: Lòng nhân ái. Chính lòng nhân, sự vị tha, đức hy sinh làm nên sự đoàn kết và sức mạnh, giúp dân tộc thắng giặc ngoại xâm, vượt qua đói nghèo và lạc hậu, vươn lên sánh vai với bạn bè quốc tế. Chúng ta đã đồng lòng làm được rất nhiều điều diệu kỳ trong ngày hôm qua, thì hôm nay và mai sau - tại sao phải thu mình trước những cản ngại trước mắt?

Chính phủ, với cơ quan chuyên môn tham mưu là Bộ Y tế, đã công bố những giải pháp gỡ vướng cho hệ thống bệnh viện, có thể đầu tháng 3 tới sẽ thông suốt. Đó là lời giải trước mắt. Chiến lược lâu dài là chính sách đầu tư bài bản, phát triển xứng đáng và đúng trọng tâm, trọng điểm cho ngành y; đặt người thầy thuốc vào đúng vị thế của họ. Cùng với đó là hệ thống pháp lý về y tế phù hợp, minh bạch. Việt Nam - trong đó tiêu biểu là TP HCM, với hàng loạt cơ sở y tế hiện đại đã được đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động; lực lượng y - bác sĩ đông và giỏi, làm chủ được những kỹ thuật y khoa mới và rất phức tạp - hoàn toàn có thể trở thành trung tâm khám chữa bệnh hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Tương lai đó không hề xa, người Việt chúng ta sẽ không phải tốn gần 3 tỉ USD mỗi năm ra nước ngoài trị bệnh nữa.

Để điều đó sớm thành hiện thực, trước hết cần chữa lành những tổn thương của ngành y. "Phác đồ" chữa lành chính là cơ chế đúng đắn.

DƯƠNG QUANG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/chua-lanh-bang-co-che-dung-20230226223333839.htm