Chưa nên cắt giảm gói kích thích kinh tế

(ANTĐ) - Không nên cắt giảm trước thời hạn gói kích thích kinh tế bởi tăng trưởng chưa đủ mức tin tưởng để chấm dứt các gói kích thích này. Thậm chí, nên có một gói kích thích kinh tế bổ sung ở quy mô nhỏ hơn và có phương thức hỗ trợ phù hợp để kinh tế phục hồi một cách bền vững.

Trên đây là quan điểm về chính sách kích cầu của ông Lê Đức Thúy - Chủ tịch ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tại buổi tọa đàm do Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) tổ chức. Ông Thúy cho biết, gói kích thích kinh tế được đưa ra khi Chính phủ nhận thấy nguy cơ lạm phát đang giảm dần trong khi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lại cần được khuyến khích. Khoảng tháng 10-2008, Chính phủ chuyển ưu tiên chính sách từ kiềm chế lạm phát sang kích thích phát triển kinh tế. Dự kiến ban đầu gói kích thích kinh tế trị giá khoảng 145.000 tỷ đồng, tương đương 8 tỷ USD. Tuy nhiên, con số thực tế chỉ khoảng 122.000 tỷ đồng, tức là khoảng 6,5 tỷ USD. Chính phủ không chi hết số tiền này trong năm 2009. Theo tính toán, thực chi năm 2009 chỉ khoảng 100.000 tỷ đồng. Như vậy vẫn còn khoảng 22.000 tỷ đồng vốn trung và dài hạn của gói kích cầu thứ nhất được chi ra trong giai đoạn 2010-2011. Có thể thấy, Việt Nam đã đưa ra những quyết định kịp thời với những chính sách quyết liệt nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Hướng kích thích vẫn là nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tăng chi tiêu của Chính phủ và làm sao hỗ trợ để giảm lãi suất tín dụng, nhằm tăng nguồn cung nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế nhằm phục hồi tăng trưởng, bù đắp lại sự giảm sút đầu tư tư nhân và tiêu dùng cá nhân vẫn thường xảy ra trong các cuộc khủng hoảng. Giữa năm 2008, nhiều người tỏ ý lo ngại khoảng 20% doanh nghiệp Việt Nam phá sản, sẽ có ngân hàng đổ vỡ, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhưng trên thực tế điều đó đã không xảy ra. Nguồn tài chính mà Chính phủ dành để cứu ngân hàng và doanh nghiệp cũng không quá lớn, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng hỗ trợ lãi suất là cào bằng, cứu cả những doanh nghiệp không đáng cứu, tạo ra thị trường không bình đẳng, không thống nhất... Quá trình phục hồi của các nền kinh tế trên thế giới đang diễn ra nhưng vẫn còn có nhiều khó khăn và sẽ phải mất một thời gian dài. Đối với Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cho rằng, đã có sự phục hồi khá ấn tượng. Gói kích cầu thứ nhất đã góp phần tích cực cho sự phục hồi đó. Trao đổi về việc có nên ngừng thực hiện gói kích cầu hay không, theo ông Lê Đức Thúy, không nên cắt giảm gói kích thích kinh tế trước thời hạn bởi tăng trưởng kinh tế chưa đủ mức tin tưởng để rút các gói kích thích kinh tế. Hơn nữa, đây còn là vấn đề uy tín của Chính phủ, một khi đã tuyên bố sẽ phải thực hiện đúng để doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch sản xuất kinh doanh. Không thể có chuyện ban đầu công bố hỗ trợ lãi suất 4% sau lại thay đổi thành hỗ trợ 2%. Ngoài ra, ông Thúy cũng cho rằng, nên có một gói kích thích kinh tế bổ sung ở quy mô nhỏ hơn và có phương thức hỗ trợ phù hợp để kinh tế phục hồi một cách bền vững. Không nên chọn giải pháp hỗ trợ lãi suất ngắn hạn như đã làm trong thời gian qua. Đến thời điểm này, Chính phủ không có ý định điều chỉnh các quyết định về gói kích cầu thứ nhất, nghĩa là gói hỗ trợ ngắn hạn sẽ chấm dứt vào cuối năm 2009, chứ không phải sớm hơn như một số đề nghị là vào đầu quý IV. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính tới hết quý III đạt 28%, sát với kế hoạch đề ra là 30%. Trước con số này, ông Thúy đã đưa ra dự báo rằng, tăng trưởng tín dụng tính tới cuối năm có thể lên mức 35%. Trong bối cảnh đầu tư doanh nghiệp và tiêu dùng của dân cư giảm sút, tổng cầu xã hội không cao, như vậy lạm phát nhiều khả năng ở dưới mức 7%, có thể xoay quanh mức 6%. Trong năm 2010 chưa có khả năng lạm phát cao trở lại vì cầu trong nước yếu, giá cả thế giới chưa cao nên chi phí đẩy không lớn. Khả năng lạm phát cao có thể xảy ra nhưng sẽ muộn hơn. Dự báo trước khả năng lạm phát, những người làm chính sách phải có giải pháp ngăn ngừa khéo léo, tinh tế.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=59876&channelid=5