Chưa phân định Bộ Công an hay Bộ GTVT đào tạo, cấp bằng lái xe

Theo dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi vào phiên họp cuối năm nay, tuy nhiên đến nay vẫn chưa phân định được Bộ Công an hay Bộ GTVT sẽ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi do Bộ GTVT soạn và dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) do Bộ Công an soạn vừa chính thức trình Chính phủ. Tuy nhiên, hai dự thảo luật có sự rối rắm khi chưa biết đơn vị nào sẽ quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX).

Bộ GTVT trình hai dự thảo

Cũng như những lần trình trước, dự thảo Luật Bảo đảm TTATGTĐB mới nhất, Bộ Công an giữ nguyên đề xuất bộ này sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý đào tạo, sát hạch; cấp, đổi và thu hồi GPLX.

Trong khi đó, Bộ GTVT cẩn trọng hơn khi trình Chính phủ ra hai dự thảo Luật GTĐB. Dự thảo 1, bộ này đề xuất giữ nguyên phạm vi điều chỉnh trên cơ sở kế thừa Luật GTĐB hiện hành. Trong đó, Bộ GTVT tiếp tục được quản lý công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX. Dự thảo 2, Bộ GTVT đề xuất Luật GTĐB là luật chung điều chỉnh tất cả chính sách liên quan đến lĩnh vực GTĐB. Các nội dung liên quan đến bảo đảm TTATGTĐB sẽ được chi tiết, cụ thể hóa tại Luật Bảo đảm TTATGTĐB.

Theo đó, nếu chọn dự thảo 2, việc đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái sẽ được dẫn chiếu sang Luật Bảo đảm TTATGTĐB. Như vậy, Bộ Công an sẽ thay Bộ GTVT là cơ quản lý nhà nước về công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng lĩnh lực đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe là một nội dung thuộc lĩnh vực dân sự và là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. “Vì vậy, vấn đề này cần được Chính phủ xem xét, quyết định để đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước…” - Bộ GTVT nhấn mạnh.

Học viên trong giờ học thực hành lái xe ô tô tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Học viên trong giờ học thực hành lái xe ô tô tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bộ Tư pháp yêu cầu đánh giá thận trọng

Với việc Bộ Công an muốn đưa đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT về Bộ Công an, trong báo cáo thẩm định của mình, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an cần phải nghiên cứu, tổng kết và đánh giá thận trọng.

Theo Bộ Tư pháp, mặc dù trước năm 1995, nhiệm vụ này được giao cho Bộ Công an quản lý, tuy nhiên từ năm 1995 đến nay, việc quản lý và cấp GPLX được Chính phủ giao Bộ GTVT thực hiện ổn định và trong nhiều nhiệm kỳ Chính phủ, không có sự chồng chéo, mâu thuẫn về nhiệm vụ giữa hai bộ. Cùng với đó, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX được xã hội hóa nhiều năm nay và điều chỉnh bằng nhiều văn bản pháp luật khác nhau…

Việc quy định theo hướng chuyển trách nhiệm này cho Bộ Công an sẽ dẫn tới những thay đổi trong chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước… Tuy nhiên, Bộ Công an mới chỉ nêu một số lý do về quản lý GPLX nhưng chưa gắn với trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Bộ Tư pháp cũng chỉ rõ: Việc thay đổi cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đã được xã hội hóa mạnh mẽ trong thời gian qua. Nếu thay đổi sẽ có tác động, ảnh hưởng lớn tới các trung tâm đào tạo lái xe.

Ngoài ra, theo Bộ Tư pháp, Bộ Công an cũng chưa có đánh giá cụ thể về các vấn đề phát sinh đối với các chủ thể này khi có sự điều chuyển cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể như có phát sinh thủ tục đăng ký lại và cấp lại giấy phép hoạt động. Các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, quy chuẩn đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đang được thực hiện theo hệ thống pháp luật hiện hành phải thay đổi theo quy định mới sẽ tác động như thế nào tới các cơ sở này.

Bên cạnh đó, bộ này cũng chưa xem xét có đặt ra việc đào tạo, sát hạch và cấp lại toàn bộ GPLX cho người dân theo GPLX mới do Bộ Công an quản lý và thực hiện từ ngày luật này có hiệu lực không…

Đặc biệt, theo Bộ Tư pháp, đối với hệ thống cơ quan, đơn vị thực hiện quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX của Bộ GTVT và của các cơ quan chuyên môn về GTVT cấp tỉnh sẽ được sắp xếp như thế nào khi nhiệm vụ này điều chuyển sang cho Bộ Công an. “Việc Bộ Công an sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí lực lượng, nhân sự ở các đơn vị thuộc bộ và công an cấp tỉnh theo phương án nào, có làm phát sinh thêm tổ chức và biên chế để thực thi nhiệm vụ không cũng chưa được Bộ Công an báo cáo cụ thể trong hồ sơ dự án luật…” - Bộ Tư pháp chỉ rõ.

Do đó, để có đủ cơ sở cho việc đề xuất phương án chuyển đổi cơ quan quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX tại dự thảo luật, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT tổng kết, đánh giá kỹ các tác động, ảnh hưởng việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa hai bộ đến tổ chức bộ máy, biên chế... “Đặc biệt xem xét tác động ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống các cơ sở đào tạo, sát hạch đang được tổ chức và hoạt động ổn định theo quy định hiện hành…” - Bộ Tư pháp chỉ rõ.

Trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp Quốc hội cuối năm

Tháng 9-2019, Bộ Công an đưa ra dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm TTATGTĐB (luật mới) theo hướng tách Luật GTĐB 2008 thành hai luật. Theo dự kiến, hai dự luật này sẽ được Chính phủ thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Tuy nhiên, do còn có nhiều ý kiến khác nhau nên Chính phủ quyết định lùi thời gian thảo luận và chuyển sang phiên họp chuyên đề dự kiến trong tháng 8.

Để phục vụ phiên họp trên, Văn phòng Chính phủ vừa phát phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Trong đó có xem xét phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐB và Luật Bảo đảm TTATGTĐB. Đặc biệt, cho ý kiến về việc nên giao cho Bộ Công an hay Bộ GTVT quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Theo dự kiến, dự thảo Luật GTĐB và Luật Bảo đảm TTATGTĐB sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp Quốc hội cuối năm nay.

Giao về Bộ Công an là chưa phù hợp

Cùng quan điểm, Thanh tra Chính phủ cho rằng việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX được quản lý, hoạt động theo chế định dân sự. Điều này được thể hiện bằng việc xã hội hóa mạnh mẽ theo hướng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, còn các nhiệm vụ khác nếu tư nhân có thể đảm nhiệm được thì giao cho tư nhân làm.

Việc xã hội hóa công tác này được Luật Đầu tư quy định. Theo đó, nếu tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật sẽ được gia nhập thị trường để đầu tư, kinh doanh các ngành nghề này.

Do đó, việc giao cho Bộ Công an chưa phù hợp với chủ trương của Đảng, tại Nghị quyết số 17/2007 của Ban chấp hành Trung ương. “Trong đó, quy định một số nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an nếu đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quản lý, nhằm tập trung nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an…” - Thanh tra Chính phủ dẫn chứng.

Mỗi cơ quan đảm nhận một nhiệm vụ để có sự giám sát

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng quy trình hiện nay rất rõ ràng, ngành GTVT quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp GPLX. Bộ Công an kiểm tra, xử phạt vi phạm trên đường. “Như vậy là không chồng chéo, mỗi cơ quan đảm nhiệm một khâu và có sự giám sát lẫn nhau sẽ minh bạch hơn. Nếu về Bộ Công an vừa thực hiện vừa giám sát có vẻ không khách quan cho lắm…” - ông Quyền nhận định.

Đồng quan điểm, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh TP.HCM, cho rằng việc đào tạo và sát hạch gần 30 năm nay do Bộ GTVT quản lý và vẫn đang hoạt động tốt. Ông Tính giữ quan điểm về việc dân sự nên để cơ quan dân sự thực hiện. Hoạt động dân sự giao cho cơ quan dân sự sẽ có nhiều mặt tốt. Cụ thể, công tác đào tạo và sát hạch cấp GPLX sẽ luôn có hai lớp khóa để kiểm soát. Ngoài Bộ GTVT còn có cơ quan cấp trên của bộ giám sát, bên cạnh đó Bộ GTVT còn chịu trách nhiệm trước Bộ Công an, nếu làm sai sẽ bị Bộ Công an tuýt còi.

Vì vậy cần thực hiện tách bạch công tác giữa hai cơ quan quản lý nhà nước, tránh giẫm chân nhau. Đồng thời, ông Tính còn đề nghị Bộ Công an trao trả hoạt động cấp đăng ký biển số về cho Bộ GTVT thực hiện, như vậy mới hợp lý.

V.LONG - T.NHUNG

VIẾT LONG - TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/chua-phan-dinh-bo-cong-an-hay-bo-gtvt-dao-tao-cap-bang-lai-xe-929093.html