Chưa quản lý chặt bằng cấp của người lao động khiến một số nghề khó tuyển sinh

Theo lãnh đạo trường CĐ, nghề Gia công và thiết kế sản phẩm mộc đã mấy năm không thể mở lớp hệ trung cấp, cao đẳng vì mỗi năm chỉ có 2 – 3 em đăng ký.

Dù đã thực hiện nhiều giải pháp, nhưng đến nay, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để tuyển sinh được người học cho nghề Gia công và thiết kế sản phẩm mộc. Thậm chí, có trường đã nhiều năm không thể mở lớp do quá ít người đăng ký học.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Công Bốn – Trưởng khoa Kỹ thuật Tổng hợp (Trường Cao đẳng nghề Yên Bái) bày tỏ, các nghề mà khoa đang đào tạo là những nghề nặng nhọc, độc hại như Hàn, Cắt gọt kim loại, xây dựng, gia công và thiết kế sản phẩm mộc. Vậy nên, khoa rất khó để tuyển sinh được người học.

Theo thầy Trần Công Bốn, mặc dù khoa đã thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục khó khăn này, thế nhưng đến nay, vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu để thu hút đông người học do nhận thức của nhiều em hiện nay là ngại học những nghề vất vả.

Đơn cử như nghề Gia công và thiết kế sản phẩm mộc của khoa, mỗi năm chỉ tuyển sinh được nhiều nhất là 15 em/hệ trung cấp, 20 em/hệ cao đẳng trong khi chỉ tiêu được giao tổng là 60 người học cho cả 2 hệ.

Sinh viên học nghề Gia công và thiết kế sản phẩm mộc của Trường Cao đẳng nghề Yên Bái trong giờ thi (Ảnh: NTCC).

Thầy Trần Công Bốn bày tỏ, nghề Gia công và thiết kế sản phẩm mộc có thị trường lao động tốt, rộng mở, lại đang rất khát nhân lực nên khoa có cam kết việc làm cho các em khi tốt nghiệp ra trường.

Khi lựa chọn học nghề này, sau khi ra trường, các em có thể làm những công việc như công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên trong các nhà máy chế biến gỗ; xưởng thiết kế của các nhà máy; thiết kế sản phẩm mộc, các sản phẩm có liên quan đến gỗ cho các công ty, nhà máy sản xuất, chế biến gỗ; giáo viên dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề, trung tâm việc làm liên quan đến chế biến gỗ; tự thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh nghề mộc.

Hơn nữa, mức thu nhập của nghề này cũng tương đối cao, ngay từ khi đi thực tập ở doanh nghiệp, nhà máy, các em học sinh, sinh viên đã được các đơn vị sử dụng lao động trả từ 4.000.000 đồng đến 4.500.000 đồng.

Khi các đơn vị sử dụng lao động đến trực tiếp trường để đặt hàng nguồn nhân lực cũng cam kết sẽ trả cho học sinh, sinh viên của nghề Gia công và thiết kế sản phẩm mộc với mức lương khởi điểm là 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật hiện nay, máy móc đã làm thay người lao động rất nhiều công đoạn trong công việc, nên nghề học này đã không còn vất vả, nặng nhọc như trước kia.

Dù có nhiều thuận lợi là vậy, thế nhưng, hàng năm khi đi tuyển sinh, nghề Gia công và thiết kế sản phẩm mộc của trường lại chưa được nhiều người học quan tâm và đăng ký.

Theo thầy Trần Công Bốn, vai trò về thanh tra lao động của nước ta còn hạn chế, chưa quản lý chặt chẽ về bằng cấp của người lao động, chưa chú tâm đến tầm quan trọng của người lao động qua đào tạo.

Nhìn nhận từ thực tế có thể thấy rằng, nhiều công ty, doanh nghiệp tuyển dụng nguồn lao động chưa qua đào tạo, không bằng cấp, đặc biệt là đối với những nghề mộc như Gia công và thiết kế sản phẩm mộc.

Cũng theo Trưởng khoa Kỹ thuật Tổng hợp (Trường Cao đẳng nghề Yên Bái), cơ sở vật chất của khoa hiện nay cũng chỉ đáp ứng được yêu cầu tối thiểu, rất khó có thể cập nhật được các máy móc thực hành hiện đại, kịp thời với xu hướng.

Do đó, để khắc phục vướng mắc này, trong chương trình học cho các nghề của nhà trường đều có giờ học trực tiếp tại doanh nghiệp để các em học sinh, sinh viên được thực hành với các trang thiết bị, máy móc hiện đại. Như trong chương trình học cho hệ trung cấp của trường có tổng 2000 giờ học sẽ có khoảng 600 giờ các em được học tập trực tiếp tại doanh nghiệp.

Cùng bàn về thực trạng trên, thầy Nguyễn Đức Thạnh – Trưởng phòng Tuyển sinh và Hỗ trợ việc làm (Trường Cao đẳng Kỹ thuật – Mỹ nghệ Việt Nam) cho hay, trường cũng gặp phải tình trạng giống như tình trạng của nhiều trường trung cấp, cao đẳng hiện nay là người học ít lựa chọn các nghề liên quan đến mộc hay sơn mài.

Như nghề Gia công và thiết kế sản phẩm mộc của trường đã mấy năm nay không thể mở lớp đào tạo hệ trung cấp hay hệ cao đẳng vì mỗi năm chỉ có khoảng 2 – 3 em đăng ký.

Theo thầy Thạnh, những em lựa chọn học nghề này do thấy chương trình học hệ trung cấp hay cao đẳng có những môn học chung quá dài nên thường đăng ký vào học chương trình sơ cấp hoặc chọn học tại các làng nghề.

Thậm chí, nếu trường muốn mở các lớp học sơ cấp cũng phải là liên kết thực hiện dự án cho các làng nghề mới có thể tuyển sinh được.

Do đó, thầy Thạnh mong rằng, các trường nghề đang đào tạo những nghề khó tuyển sinh như vậy cần có sự điều chỉnh chương trình học một cách phù hợp, tăng số giờ học thực hành, gắn với nơi sử dụng lao động nhiều hơn để thu hút thêm người học, hạn chế việc thiếu hụt nguồn nhân lực này trong tương lai.

Cũng theo thầy Thạnh, thực tế hiện nay tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các em thường lựa chọn học những nghề theo xu thế và không vất vả. Như tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật – Mỹ nghệ Việt Nam, những nghề hot và thuận lợi trong tuyển sinh thường liên quan đến điện hay công nghệ thông tin, bởi nó gắn liền với nhu cầu tuyển dụng của nhiều khu công nghiệp trên địa bàn.

Khánh An

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chua-quan-ly-chat-bang-cap-cua-nguoi-lao-dong-khien-mot-so-nghe-kho-tuyen-sinh-post237602.gd