Chưa rõ hiệu quả dự án đường sắt cao tốc 55,8 tỉ USD

Dự kiến sẽ thực hiện trong hơn 20 năm với tổng mức đầu tư lên tới hơn 55,8 tỉ USD, nhưng dự án Đường sắt cao tốc (ĐSCT) Bắc - Nam lại chưa thể hiện rõ được hiệu quả kinh tế xã hội và tính khả thi của dự án.

Đó là nhận định chung của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khi thảo luận về dự án ĐSCT Hà Nội - TP.HCM, do Chính phủ trình tại phiên họp của UBTVQH chiều 17.4. Tiền ở đâu đầu tư? Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, ông Hà Văn Hiền, dự kiến mỗi năm ngân sách rót vào dự án này lên tới 10.000 tỉ đồng (khoảng 570 triệu USD). Trong khi cùng thời điểm tầm nhìn 2020 còn có rất nhiều chương trình, dự án cần ưu tiên vốn. "Vốn vay mỗi năm cho riêng dự án này trên 2 tỉ USD có khả thi hay không? Đó là chưa kể huy động quỹ đất, giải phóng mặt bằng với số lượng dân phải di dời gần 10.000 hộ", ông Hiền lo lắng. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, ông Ksor Phước cũng cho biết điều khiến ông phân vân nhất là vốn cho dự án. "Tôi băn khoăn không phải chỉ vì thiếu vốn mà ngay trong báo cáo, chúng ta chưa nói được giải pháp hoàn vốn sẽ thế nào?", Chủ tịch Ksor Phước nói. Ông Phước đề nghị Chính phủ làm rõ thêm nếu lo được vốn rồi thì sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng ra sao, lực lượng lao động sẽ thế nào, cần bao nhiêu nghìn lao động "hay sẽ lấy nông dân làm như kiểu cầu Cần Thơ?"... Việc bỏ ra hơn 55,8 tỉ USD để thực hiện dự án được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, ông Nguyễn Văn Thuận ví von: "Giống như ông bố nhà nghèo, muốn mua cho con cả cái nhà to, con thứ chiếc ô tô nhưng khi sờ vào lưng vốn thì chẳng có đồng nào cả". Chưa rõ về hiệu quả Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh: dự án tuy có tổng nguồn vốn huy động rất lớn nhưng báo cáo của Chính phủ lại chưa xác định được mức độ hiệu quả kinh tế mang lại để bù đắp và hoàn vốn. Theo ông Ksor Phước, cần phải tính toán ở mức tối thiểu hiệu quả đạt được của dự án, chẳng hạn như thời gian tối thiểu để có thể hoàn vốn là bao nhiêu năm. Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng giải trình: "Về thời gian hoàn vốn, kinh nghiệm thế giới không đặt mục tiêu thời gian hoàn vốn về hạ tầng vì nó được coi là đầu tư vật chất xã hội mà Chính phủ chịu trách nhiệm, còn hoàn vốn đầu tư phương tiện thì dự kiến phải sau 12 năm"... Giải trình của Bộ trưởng không thuyết phục được các đại biểu và Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên "chốt" lại: "Hiệu quả kinh tế xã hội sau này, hiệu quả lan tỏa của dự án lâu dài thế nào, cần phải làm rõ mới có cơ sở để QH quyết định". Lo lắng về mức độ an toàn Tốc độ vận hành cao, tới 300 km/giờ, nhưng dự án không thấy đề cập đến việc tính toán đảm bảo an toàn vận hành cũng là điều Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lo ngại. Ông phân tích: "Tốc độ vận hành của ĐSCT lên tới 300 km/giờ trong khi nhiều người dân VN mình hiện nay ý thức tôn trọng pháp luật còn kém, tàu đi qua mà bị ném đá hay có hành động phá bĩnh tương tự thì chỉ cần một sự cố là nguy hiểm đến tính mạng hành khách. Phải đặt an toàn tuyệt đối cho ĐSCT tương tự hàng không vì lượng khách đi trên tàu rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với một chuyến bay". Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên tán thành ý kiến trên và yêu cầu Chính phủ phải đề cập chi tiết giải pháp đảm bảo an toàn cho vận hành ĐSCT, nhất là phải xét kỹ điều kiện địa chất, dân trí và khả năng quản lý của chúng ta. Kết thúc phiên thảo luận, TVQH nhất trí với đề nghị của Chính phủ sẽ hoàn thiện dự án, trình QH cho ý kiến rộng rãi tại kỳ họp thứ 7 tới. Dự án sẽ được khai thác từ năm 2020 Theo tờ trình của Chính phủ, dự án ĐSCT Hà Nội - TP.HCM sẽ đi vào khai thác năm 2020, thời gian bắt đầu thiết kế xây dựng dự án muộn nhất vào năm 2012. Đến năm 2020 sẽ đưa vào khai thác đoạn từ Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TP.HCM, giai đoạn đến năm 2030 sẽ xây dựng đưa vào khai thác đoạn Vinh - Đà Nẵng và hoàn thành toàn tuyến vào 2035. Tuyến đường sắt cao tốc có 27 ga, trong đó 25 ga dọc tuyến và 2 ga đầu cuối. Thời gian chạy tàu từ Hà Nội - Vinh là 1 giờ 24 phút; từ TP.HCM - Nha Trang là 1 giờ 30 phút. Để thực hiện dự án, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 4.170 ha đất và 9.480 hộ dân cần tái định cư. Tổng mức đầu tư của dự án, sơ bộ được xác định là: 1.066.792 tỉ đồng, tương đương 55,853 tỉ USD (tỷ giá 1 USD = 19.100 đồng). Khi tiến hành xây dựng, dự kiến mỗi năm dự án cần trên 4 tỉ USD, trong đó vốn ngân sách khoảng 570 triệu USD, vốn vay ODA khoảng 2,436 tỉ USD và vốn huy động từ các nguồn khác khoảng 1,268 tỉ USD. Tờ trình của Chính phủ đưa ra 2 phương án công nghệ sử dụng cho tuyến ĐSCT là công nghệ kéo đẩy (hệ thống động lực lắp ở 2 đầu, giống như công nghệ ICE của Đức) và công nghệ động lực phân tán (giống như Shinkansen của Nhật). Nguyệt Minh

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201016/20100418005611.aspx