Chưa sòng phẳng với dân khi tăng thuế xăng

Thường vụ Quốc hội vừa biểu quyết thông qua việc tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu từ ngày 1-1-2019.

Trong đó riêng mặt hàng xăng tăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít, tức mỗi lít xăng tăng 1.000 đồng. Thuế môi trường đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn… cũng tăng từ 500 đồng đến 1.100 đồng/lít.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong việc tăng thuế BVMT, một trong những lý do quan trọng để tăng thuế xăng dầu là do giá mặt hàng này của Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều quốc gia trên thế giới, ngay cả những nước có trữ lượng dầu lớn và khai thác dầu thương mại lớn hơn Việt Nam.

Lập luận này của Bộ Tài chính không thuyết phục được các chuyên gia kinh tế. TS Ngô Trí Long, người từng công tác tại Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng giá xăng dầu của các nước phụ thuộc vào chính sách tài chính của mỗi quốc gia, không nên đem ra để so sánh với những nước khác mà phải lấy giá thế giới làm cơ sở để đánh giá. Đó là chưa kể thu nhập thực tế, đời sống, chế độ an sinh xã hội… của Việt Nam chưa tốt bằng nhiều nước khác.

Ông Long cũng đặt vấn đề tại sao Bộ Tài chính cứ luôn lấy những quốc gia có giá bán cao hơn để so sánh mà không đặt trong tương quan với các nước có giá bán thấp hơn? Cùng với đó, cơ quan tham mưu đưa ra đề xuất đánh thuế với con số tuyệt đối (4.000 đồng/lít) là chưa phù hợp theo thông lệ quốc tế và không có lợi cho người tiêu dùng. Bởi giá xăng dù lên hay xuống, số thuế mà cơ quan quản lý thu được vẫn không thay đổi. Như vậy là thiếu công bằng với người dân.

Đặc biệt, người dân, chuyên gia vẫn hoài nghi về mục đích của việc tăng thuế có thực sự là để bảo vệ môi trường hay không, hiệu quả bảo vệ môi trường thực sự thế nào… Sự hoài nghi này là có cơ sở khi thu thuế BVMT rất lớn và liên tục tăng (giai đoạn 2012-2016, thu ngân sách từ thuế BVMT đã tăng tăng thêm 30.000 tỉ đồng) trong khi đó chi cho mục đích này lại rất thấp. Ví dụ năm 2016, tổng số tiền thuế BVMT thu qua xăng dầu lên tới 42.300 tỉ đồng thì số thực chi cho môi trường chỉ 12.290 tỉ đồng.

Chính vì thế, ngay tại phiên thảo luận về nghị quyết này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng tiền thuế thu môi trường phải đưa vào ngân sách và phải chi lại cho bảo vệ môi trường, như thế người dân “mới thấy sòng phẳng chứ không phải thu chỗ này chi cho chỗ khác”.

Như vậy, không thể thu thuế BVMT với xăng nhưng lại chi vào những mục đích chẳng có bất kỳ mối liên hệ nào tới môi trường. Hơn nữa, việc tăng thu thuế môi trường xăng dầu có thể giúp tăng thu ngân sách trong trước mắt nhưng về lâu dài sẽ tạo ra nhiều bất lợi cho nền kinh tế khi hàng hóa, dịch vụ chắc chắn sẽ đồng loạt leo thang.

TRÀ PHƯƠNG

Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/quan-ly/chua-song-phang-voi-dan-khi-tang-thue-xang-794503.html