Chùa Tam Chúc - Khu du lịch tâm linh lớn nhất Đông Nam Á

Chùa Tam Chúc tọa lạc tại thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ngôi chùa này mang trong mình hàng loạt những kỷ lục, khiến bất cứ ai nghe tới cũng đều muốn đặt chân đến vãn cảnh và chiêm bái.

Cổng Tam Quan mang đậm phong cách kiến trúc đình chùa Việt.

Không phải ngẫu nhiên mà chùa Tam Chúc được đông đảo du khách thập phương lựa chọn là điểm đến khi muốn hành hương về đất Phật. Nơi đây có tổng diện tích gần 5.000ha, bao gồm 1.000 ha hồ nước, 3.000 ha núi đá rừng tự nhiên, 1.000 ha các thung lũng, tạo nên sự khoáng đạt, bao la ngút ngàn của thiên nhiên bao quanh. Điều đặc biệt của chùa Tam Chúc đó là 4 bức tường lớn ở điện Tam Thế được trang trí bởi 12.000 bức tranh đá làm tường bao quanh chùa, mỗi bức tranh miêu tả các sự tích của Đức Phật; Bốn bức tường lớn của điện Pháp Chủ cũng được trang trí bởi 10.000 bức tranh tái hiện cuộc đời Đức Phật: Phật Sinh, Thành Đạo, Thuyết Pháp và Phật Niết Bàn. Trong khi đó, các bức tường lớn tại điện Quan Âm cũng có 8.500 bức tranh đá kể những câu chuyện về các sự tích Quan Thế Âm Bồ Tát. Những bức tranh đá trên đều mang màu cháy của gạch nung già, lấy từ núi lửa Merapi (Indonesia), được chế tác thủ công bởi các nghệ nhân quần đảo Java. Tất cả tranh đều được chú dẫn bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Phạn và đã được mã hóa.

Điện Quan Âm (các bức tượng Phật đều được đúc bằng đồng nguyên khối nặng từ 85 - 200 tấn)

Nằm ngay sau cổng Tam quan là vườn cột kinh với những cột kinh nguyên phục dựng giống Bảo vật quốc gia cột kinh chùa Nhất Trụ ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. 32 cột kinh được làm bằng đá xanh Thanh Hóa, cao 13,5m, rộng khoảng 2m, mỗi cột nặng khoảng 200 tấn. Đế cột là khối đá tròn được tạo hình cánh sen xung quanh, phía trên phần thân cột là một đấu cột hình lục giác, phía trên đấu cột là một bát đỡ một nụ sen. Những lời Phật dạy sẽ được khắc lên những cột kinh này để nhắc nhở thế hệ hiện tại cũng như mai sau tu nhân tích đức.

Đi qua Vườn Cột Kinh là điện Quan Âm thờ Phật nghìn mắt nghìn tay và điện Pháp Chủ. Điểm nhấn trong điện Pháp Chủ là 4 bức phù điêu lớn bao trùm toàn bộ các bức tường, mỗi bức phù điêu nói về một giai đoạn bước ngoặt trong cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi Ngài Đản sinh, thành Đạo, thuyết Pháp cho tới khi nhập Niết Bàn. Điện Tam Thế là tòa lớn nhất với những hàng cửa gỗ chạm khắc tinh xảo, phía trước là ba pho Tam Thế đại diện cho quá khứ, hiện tại và vị lai. Trên các bức tường của điện Tam Thế là những bức phù điêu về cõi Niết Bàn. Đặc biệt, nằm ở vị trí cao nhất là chùa Ngọc cao 15m được xây dựng bằng các phiến đá đỏ Granit lấy từ Ấn Độ. Tháp có 3 tầng mái cong, diện tích 36m2, trong tháp đặt pho tượng bằng đá ngọc nặng 4,9 tấn.

Bến thuyền phục vụ khách du lịch.

Có thể thấy quần thể khu du lịch Tam Chúc thực sự là một điểm đến tâm linh hấp dẫn, bởi nó là sự kết hợp hoàn hỏa giữa vẻ đẹp cổ kính, vẻ hùng vĩ của nước non bao la. Nơi đây được kỳ vọng sẽ tạo ra bước phát triển đột phá cho kinh tế - xã hội cho tỉnh Hà Nam không xa.

Trong những ngày vừa qua, chùa Tam Chúc vinh dự là nơi tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak 2019, với sự tham dự của 1.600 đại biểu Phật giáo đến từ 105 nước và vùng lãnh thổ, và thu hút đông đảo du khách thập phương. Đây còn là dịp để Việt Nam giới thiệu về văn hóa và du lịch đến các bạn bè quốc tế.

Bao quanh chùa Tam Chúc còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Động Vòng, động Cô Đôi, chùa Thiên Phúc, chùa Bà Đanh, đền Lý Thường Kiệt, chùa Thi, động Thủy, đền Lê Chân, chùa Ông, chùa Tam Giáo… Hiện Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Hà Nam phối hợp với các địa phương liên quan lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần thể Tam Chúc (Hà Nam) – Chùa Hương (Hà Nội) – Vân Long (Ninh Bình) – Đồng Tâm (Hòa Bình) trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Đặng Ngân – Thu Hằng

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/chua-tam-chuc-khu-du-lich-tam-linh-lon-nhat-dong-nam-a.html