Chưa thể mở thủ tục phá sản đối với Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng

là khẳng định của đại diện Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên với phóng viên Báo điện tử Xây dựng trong cuộc làm việc mới đây.

Cán thép tại Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng. (Ảnh: Tư liệu)

Trước đó, ngày 17/9/2018 đại diện bên mở thủ tục phá sản doanh nghiệp gồm Công đoàn Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng và một số cá nhân đại diện cho các nhóm người lao động đang còn có chế độ, quyền lợi tại Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng đã đồng gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp đối với Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng.

"Ngày 02/10/, Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã có Thông báo số 01/TB-PS về việc thụ lý yêu cầu mở thủ tục phá sản. Liên tiếp sau đó, phía Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên có văn bản yêu cầu Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng cung cấp các tài liệu chứng cứ liên quan đến yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Tuy nhiên, hết thời điểm yêu cầu, doanh nghiệp và đại diện bên mở thủ tục phá sản chưa cung cấp được đầy đủ hồ sơ, chứng lý nên Tòa án chưa thể mở thủ tục phá sản doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật", đại diện Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho biết.

Theo tính toán sơ bộ, đến nay Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng còn nợ người lao động với số tiền lên đến trên 42 tỷ đồng; trong đó nhiều nhất là các khoản tiền lương, Bảo hiểm xã hội, BHYT, BHNT, tiền chấm dứt hợp đồng lao động, tiền hỗ trợ hưu…

Tuy nhiên, tại Báo cáo số 228/BC-TGĐ ngày 10/9/2018 về tình hình hoạt động của doanh nghiệp từ tháng 8/2014 đến 10/9/2018 thì người lao động sẽ không còn bất cứ khoản tiền nào hết.

Người lao động tại Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng đã nhiều lần yêu cầu doanh nghiệp trả nợ nhưng lãnh đạo doanh nghiệp này đều trả lời là chưa có khả năng thanh toán các khoản nợ.

Ngày 30/7/2018, Thanh tra Bộ Tư pháp đã có Kết luận Thanh tra số 28/KL-TTP nêu rõ Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng gồm các cổ đông sáng lập sau: Ông Nguyễn Khắc Hòa, ông Nguyễn Duy Sử, ông Vũ Sơn Đông, ông Nguyễn Duy Luân, ông Lê Xuân Hộ và 975 cổ đông là cá nhân người lao động.

Theo Báo cáo số 139/BC-BTC ngày 26/12/2014 của Bộ Công Thương thì Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng gồm các cổ đông sau: Cty CP Gang thép Thái Nguyên, Cty CP Địa Nam, bà Vũ Thị Kiều Oanh, ông Lê Xuân Hộ và cổ đông là cán bộ công nhân viên (khoảng 20%).

Tình hình tổ chức cũng như hoạt động của Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng vô cùng phức tạp, chia thành nhiều nhóm lợi ích khác nhau, mất đoàn kết cao độ…

Tính đến tháng 10/2014, tổng nợ của Thép Gia Sàng lên tới 120 tỷ đồng và không còn khả năng thanh toán. Trong đó, nhiều khoản nợ lớn, như nợ ngân hàng gần 54 tỷ đồng, nợ thuế hơn 10 tỷ đồng, nợ lương, BHXH, BHYT của người lao động hơn 29,3 tỷ đồng, nợ đối tác 30 tỷ đồng…

Với số nợ lớn như vậy, từ đầu năm 2013, toàn bộ hoạt động sản xuất của Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng phải tạm dừng khiến gần 500 công nhân bị mất việc.

Tình hình của Thép Gia Sàng càng thêm khó khăn khi ngày 28/8/2014, Chi cục Thi hành án dân sự TP Thái Nguyên đã ra quyết định cưỡng chế giao tài sản trúng giá đấu thầu cho đơn vị đã trúng thầu đấu giá tài sản của Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng để thi hành án do doanh nghiệp này bị ngân hàng kiện ra tòa dân sự.

Cty CP Thương mại Thái Hưng đã mua lại tài sản của Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng thông qua cuộc đấu giá với bên tham dự là ngân hàng và Thi hành án tỉnh Thái Nguyên.

Để có thể nhận được “cái gật đầu” của các bên, Cty CP Thương mại Thái Hưng đã giao ước với địa phương, nhà đầu tư sẽ khôi phục sản xuất, tạo việc làm cho người lao động và cam kết không tháo dỡ, di dời.

Thế nhưng, trên thực tế, lấy lý do dây chuyền thiết bị cũ, không có đồ thay thế, nhà đầu tư cho sửa chữa qua loa, chạy thử vài tháng rồi đóng cửa nhà máy. Đến trạm điện 110kV hay khu nhà xưởng sau mấy năm bỏ không cũ nát nhà đầu tư cũng không đầu tư sửa mà tiến hành kéo điện từ Cty CP Gang thép Thái Nguyên cách đó 5 - 6km đủ thấy việc khôi phục sản xuất chỉ mang tính tạm bợ...

Trong khi đó, nhà đầu tư đã chủ động lên phương án di dời nhà máy, lên phương án sử dụng khu “đất vàng” nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng giữa trung tâm TP Thái Nguyên bằng Dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City).

Đến cuối năm 2018, toàn bộ nhà xưởng thiết bị của Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng đã được nhà đầu tư tháo dỡ và di dời xong, chấm dứt hoàn toàn sự hiện diện của cánh chim đầu đàn một thời trong ngành Thép Việt Nam. Trong khi đó, phần đông người lao động của doanh nghiệp sau nhiều năm mòn mỏi chờ đã chủ động tìm việc làm mới.

Việc Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng chưa thể mở thủ tục phá sản doanh nghiệp cho thấy những thiệt thòi lớn về quyền lợi đã, đang và sẽ vẫn còn đeo bám những người lao động một thời gian dài cống hiến cho sự phát triển của đơn vị.

Hãy chưa nói đến việc khu đất trong tương lai, số phận như thế nào, nhưng số phận của hàng trăm công nhân, trong đó có tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội và một số vấn đề khác không thể không tính đến. Liệu chủ đầu tư mới có trách nhiệm gì khi hứa chăm lo đời sống nhân dân, phục hồi nhà máy sau khi mua lại. UBND tỉnh Thái Nguyên cũng cần quan tâm đến lời hứa của chủ đầu tư, để giải quyết thỏa đáng nguyện vọng của người lao động.

Thái Nguyên Nhân

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/chua-the-mo-thu-tuc-pha-san-doi-voi-cty-cp-luyen-can-thep-gia-sang.html