Chưa thi hành án vì 'vướng'… công trình trái phép

Chỉ vì bên thua kiện xây dựng trái phép trên đất của người thắng kiện, mà cơ quan chức năng vẫn chưa thi hành bản án, bàn giao tài sản là đất cho bên thắng kiện, dù bản án đã có hiệu lực pháp luật gần 9 năm.

Bên thua kiện là bà Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Hạnh; bên thắng kiện là vợ chồng ông Bạch Văn Phúc và bà Nguyễn Cửu Tường Vy, đều ở đường Phan Đình Phùng, phường 2, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Gần 9 năm, bản án vẫn chưa được thi hành…

Hồ sơ sự việc cho thấy, ngày 28/9/2015, TAND TP Đà Lạt đã đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Bạch Văn Phúc - bà Nguyễn Cửu Tường Vy, bị đơn là bà Nguyễn Thị Hoa và bà Nguyễn Thị Hạnh.

Tại bản án số 47/2015/DS-ST ngày 28/9/2015, TAND TP Đà Lạt đã tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu “Tranh chấp quyền sử dụng đất” của nguyên đơn là bà Nguyễn Cửu Tường Vy, người có liên quan là ông Bạch Văn Phúc.

TAND TP Đà Lạt buộc bà Hoa, bà Hạnh phải tháo dỡ vật dụng, hoàn trả cho bà Vy và ông Phúc 202,23 m2 đất thuộc thửa đất 182 và 212 tờ bản đồ số 2, địa chỉ 224/37 Phan Đình Phùng, phường 2, TP.Đà Lạt (có họa đồ kèm theo).

Đồng thời, TAND TP Đà Lạt cũng buộc bà Hoa, bà Hạnh phải thanh toán cho bà Vy số tiền hơn 13,5 triệu đồng, là tiền chi phí đo vẽ hiện trạng, thẩm định giá quyền sử dụng đất tranh chấp.

Nhà tôn phía bà Hạnh xây dựng trái phép (khoanh đỏ) trên đất của ông Phúc bà Vy. Ảnh: Lê Xuân Thọ

Phía bà Hoa, bà Hạnh không kháng cáo lên tòa phúc thẩm, mà có đơn đề nghị TAND cấp cao tại TP HCM “xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm”. Ngày 11/4/2019, TAND cấp cao tại TP HCM có Thông báo số 302/TB-TA về việc giải quyết đơn của bà Hạnh, là không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án dân sự sơ thẩm số 47/2015/DS-ST ngày 28/9/2015 của TAND TP Đà Lạt.

“Phía bị đơn không có kháng cáo, nên bản án số 47/2015/DS-ST của TAND TP Đà Lạt có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Điều 282 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 ”, Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng Luật Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP HCM, nhận định.

Tuy nhiên, đã gần 9 năm trôi qua kể từ khi bản án số 47/2015/DS-ST có hiệu lực pháp luật, Chi cục Thi hành án dân sự TP Đà Lạt vẫn chưa thi hành bản án, buộc bà Hoa và bà Hạnh trả lại hơn 202 m2 đất cho bà Vy.

Điều 282 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015

Hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị

1. Bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp pháp luật quy định cho thi hành ngay.

2. Bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

… vì ‘vướng’ công trình trái phép?

Quá bức xúc, bà Vy và ông Phúc nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan như Cục Thi hành án dân sự Lâm Đồng, Ban pháp chế HĐND tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Lâm Đồng, Ban Nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng,… đề nghị thi hành bản án số 47/2015/DS-ST.

Các cơ quan này đều chuyển đơn đến Chi cục thi hành án dân sự TP Đà Lạt “để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”, nhưng bản án vẫn chưa được cơ quan này thi hành.

Trong lúc ông Phúc bà Vy mỏi mòn chờ Chi cục Thi hành án dân sự TP Đà Lạt thi hành bản án, giao lại hơn 202 m2 đất cho mình, thì trên phần đất này lại xuất hiện “công trình trái phép của bà Hoa, bà Hạnh”.

Trong văn bản số 07/TB-THA ngày 3/1/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự TP Đà Lạt gửi bà Vy ông Phúc, cơ quan này cho biết đã tiến hành các thủ tục để tiến hành cưỡng chế giao tài sản nhưng có vướng mắc.

Những năm qua, ông Phúc và bà Vy rất nhiều lần gửi đơn đến nhiều cơ quan để đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự TP Đà Lạt thi hành bản án nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Vướng mắc đầu tiên là bản án của tòa án không kèm theo họa đồ nên không xác định được vị trí, đến ngày 6/11/2019 TAND TP Đà Lạt mới bổ sung họa đồ. Khi có họa đồ, xác định vị trí, hiện trạng thì phát hiện trên diện tích hơn 202 m2 đất có công trình xây dựng trái phép của bà Hoa và bà Hạnh.

Chi cục Thi hành án dân sự TP Đà Lạt đã phối hợp với UBND phường 2 xác định vị trí, hiện trạng, có kiến nghị với UBND phường 2 thực hiện xử lý vi phạm trật tự đối với bà Hạnh về hành vi xây dựng trái phép, nhưng chưa có kết quả.

Chi cục Thi hành án dân sự TP Đà Lạt cũng cho biết, sau khi UBND phường 2 thực hiện xử lý hành vi xây dựng trái phép đối với bà Hạnh, thì Chi cục thi hành án dân sự TP Đà Lạt tiến hành cưỡng chế giao tài sản cho ông Phúc bà Vy.

Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua mà công trình trái phép của bà Hạnh vẫn chưa được xử lý, Chi cục Thi hành án dân sự TP Đà Lạt vẫn chưa thi hành bản án, giao lại hơn 202 m2 đất cho ông Phúc bà Vy.

Luật sư Lê Trung Phát cho rằng, chỉ vì công trình trái phép đó mà Chi cục Thi hành án dân sự TP Đà Lạt chưa thi hành bản án, để cưỡng chế giao đất cho ông Phúc bà Vy là cứng nhắc về luật.

“Lẽ ra Chi cục Thi hành án dân sự TP Đà Lạt nên cưỡng chế, thi hành bản án, giao hơn 202 m2 đất đó cho ông Phúc bà Vy. Còn việc xử phạt hay cưỡng chế, buộc tháo dỡ công trình trái phép của phía bà Hạnh trên đất bà Vy, thì sẽ do chính quyền xử lý và xử lý độc lập chứ không thể đợi chính quyền xử lý rồi mới thi hành án được”, luật sư Phát bày tỏ.

Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin!

Lê Xuân Thọ

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tin-247/chua-thi-hanh-an-vi-vuong-cong-trinh-trai-phep-181037.html