'Chữa tivi… không hỏng'

Đôi khi cái ti vi (TV) còn tốt, nhờ thợ chỉnh sửa, kết quả là chữa xong mang về, mất cả hình lẫn tiếng. Dân ta gọi là vô tuyến 'tàng hình'. Hình ảnh chữa TV không hỏng ấy khái quát những việc lãng phí, không đáng cũng làm.

Vừa rồi có văn bản yêu cầu hoàn thành trong năm 2023 việc đổi thông tin trên các bia mộ “Liệt sĩ vô danh” thành “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.

Dư luận xôn xao hỏi cụm từ “Liệt sĩ vô danh” có đáng để phải thay cụm từ “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin” không? Vì sao xưa nay, khái niệm “liệt sĩ vô danh” mặc nhiên được chấp nhận không chỉ ở Việt Nam mà toàn thế giới? Không chỉ có những ngôi mộ “liệt sĩ vô danh” mà còn có nhiều đài tưởng niệm liệt sĩ vô danh sau những cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Cụm từ “liệt sĩ vô danh” mang nhiều tầng nghĩa, khái quát tình cảm thiêng liêng, xót xa, biết ơn những người con ngã xuống vì tự do của dân tộc. Lâm Thị Mỹ Dạ viết “Người vô danh, cỏ cũng vô danh/ Nhưng tôi biết suốt đời tôi mắc nợ”. Lời thơ của Nguyễn Đức Mậu trong âm nhạc của Thuận Yến: “Dòng tên anh khắc vào đá núi/ Mây ngàn hóa bóng cây tre”… Những người hy sinh âm thầm cho Tổ quốc chẳng cần gì cho riêng mình, “Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường”.

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng đặt câu hỏi rằng việc bia mộ ghi “Liệt sĩ vô danh” có vấn đề gì không mà phải thay đổi? Cụm “Liệt sĩ vô danh” chỉ có một nghĩa là liệt sĩ nhưng không tên. Cách ghi này mang đến cảm xúc vô cùng lớn lao, đẹp đẽ.

Theo tiến sĩ, nếu không có vấn đề gì mà lại đưa ra giải quyết thì giống như ta chữa cái TV không hỏng. Cụm “liệt sĩ chưa xác định được thông tin” hàm 2 nghĩa. Thứ nhất là liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Thứ hai có thể xảy ra, khi xác định đủ thông tin thì chưa chắc là liệt sĩ.

Như vậy về mặt ngôn ngữ, cụm từ mới chưa chặt chẽ.

Chúng ta đến nghĩa trang liệt sĩ thắp hương, thả hoa tưởng nhớ trên sông Thạch Hãn hay biển Đông… không phải chỉ để tưởng nhớ những người ta biết danh tính. Lòng biết ơn tạo nên không gian đồng hiện, ở đó, trùng trùng điệp điệp những người con ngã xuống vì đất nước cùng trở lại. Họ từ Trường Sơn, Quảng Trị, Quảng Nam, Rừng Sác, Vị Xuyên, Đồng Đăng, Gạc Ma, Trường Sa…

Xa hơn, còn lớp lớp cha ông dựng nước, giữ nước, dậy sóng Bạch Đằng dựng nền độc lập, chống giặc phương Bắc, mở nước phương Nam. Cha ông bỏ xương máu vì Tổ quốc, làm sao biết được tất cả tên tuổi. Họ trở thành linh khí quốc gia. Trong trường ca “Phía sau mặt trời”, Trần Thế Tuyển viết: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”. Người lính trẻ thời bảo vệ biên giới viết: “Anh ngã xuống cũng hướng về phía trước/ Cho đất mẹ thêm một mét bảy mươi”.

Nhìn ra thế giới, có những dân tộc không đủ sức đấu tranh đã mất nước, không tên trên bản đồ, thậm chí bị diệt chủng. Có dân tộc mất 2.000 năm mới phục quốc thành công. Có những dân tộc tới tận thế kỷ 21 vẫn không sao lập được quốc để có được một tấm bản đồ.

Tấm bản đồ thật đơn giản chỉ là những đường biên giới. Có bao nhiêu người từng hỏi ai đã vẽ nên những đường biên giới và những quần đảo ấy? Người thợ đồ bản chỉ đồ lại những gì tiền nhân ghi dấu mà thôi. Suốt chiều dài lịch sử, người vẽ những đường biên giới chính là những người lính qua từng trận đánh. Những dấu chân nơi Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, Khe Sanh, Vị Xuyên… Họ vẽ bằng máu của mình.

Khi bị ngàn năm đô hộ, chúng ta không có một tấm bản đồ quốc gia nào. Cha ông đã cống hiến sinh mạng của mình để có thể nói “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời”.

Thế kỷ 20, kẻ thù đã dùng bom đạn vẽ lại biên giới bằng đường chia Nam sẻ Bắc. Những người lính đã dùng máu của mình xóa tan biên giới và tặng cho con cháu một tấm bản đồ hình chữ “S” hoàn mỹ sau 117 năm chống thực dân. Những liệt sĩ đã trở thành trời, thành đất. Xin đừng để những tư duy cụ thể ngây ngô làm mất đi cảm xúc của hồn thiêng sông núi!

Bây giờ, con cháu hân hoan mua bán bất động sản với sổ hồng, sổ đỏ cũng cần nhớ, mỗi mét vuông đất này không phải tự nhiên mà có.

Năm 2020-2021, một tỉnh miền Trung đã chuẩn hóa thông tin cho 6.892 ngôi mộ liệt sĩ với kinh phí 4,5 tỷ đồng. Tỉnh này sẽ tiếp tục chuẩn hóa 13.000 ngôi mộ, cần Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ thêm 8,8 tỷ đồng. Bạn hãy tính thử, nếu làm cả 63 tỉnh, có thể ước đoán kinh phí dành cho việc này trên toàn quốc lớn thế nào.

Người đã khuất không cần hậu thế tô vẽ gì thêm. Anh linh các tiền nhân hẳn vẫn mong muốn những gì tốt đẹp nhất hãy dành cho đồng đội còn sống và con cháu của họ. Kinh phí sửa thông tin trên bia mộ hoàn toàn có thể chuyển sang hỗ trợ những gia đình liệt sĩ, người có công hiện đang khó khăn.

Tại sao không?

Lê Tâm

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/chua-tivi-khong-hong-i663329/