Chùa Việt ra thế giới

Nhiếp ảnh gia người Pháp Nicolas Cornet đã dành 3 năm (2015 - 2017) đi đến gần 100 ngôi chùa khắp VN để ghi lại hình ảnh mà với anh đó là những di sản văn hóa - lịch sử không chỉ của người Việt.

Các phật tử

Nicolas Cornet đã chụp khoảng 22.000 bức ảnh để “chắt chiu” trong 250 trang sách của cuốn Chùa Việt Nam. Triển lãm trưng bày một số hình ảnh trong cuốn sách được khai mạc vào chiều tối 9.11 và kéo dài đến ngày 31.12, tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội).

Hành trình 3 năm

“Sau khi chùa Phật Tích (Bắc Ninh) tu sửa, tôi đã không còn nhận ra được ngôi chùa ấy nữa. Điều đó thôi thúc tôi làm phóng sự ảnh như cách để ghi lại, hay thống kê những ngôi chùa, những di tích vốn là những di sản quý còn lại trên đất nước VN mà nhiều người, trong đó có cả chính người VN, còn ít biết đến. Tôi muốn làm điều gì đó, trước khi những di sản quý có thể một ngày nào đó bỗng nhiên biến mất, hay biến dạng như những gì tôi đã nhìn thấy với chùa Phật Tích”, nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet mở đầu cuộc trò chuyện bằng việc chia sẻ lý do anh quyết định thực hiện chuyến hành trình dài tới 3 năm.

Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) - Ảnh: Nicolas Cornet

Nicolas Cornet đi khắp các địa phương VN để chụp những ngôi chùa, đình, đền, miếu, chùa Khmer, chùa của cộng đồng người Hoa… Với anh, đó là hành trình văn hóa, giúp anh tìm hiểu không chỉ mối quan hệ của người VN với nơi chốn linh thiêng, mà còn có thể tìm hiểu và biết được một cách sâu sắc và rõ ràng hơn nền văn hóa, tín ngưỡng, sự đón nhận về tôn giáo ở đất nước này.

“Hơn 30 năm trước, khi tôi đến VN, những ngôi chùa thường vắng vẻ hơn. Nhiều ngôi chùa được chuyển đổi công năng, phục vụ những mục đích khác ngoài việc thờ cúng. Nhưng dưới sự quan sát của tôi, 10 năm trở lại đây đã có nhiều chuyển biến. Chùa không chỉ là nơi hạnh đạo. Nhiều người bạn của tôi còn kể rằng họ đến chùa để học tập, điều mà trước đây rất ít thấy”, anh nói.

Nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet (trái)

“Khó khăn nhất là việc tìm nhà tài trợ ủng hộ cho chuyến hành trình dài này, còn tất cả mọi thứ đều rất thú vị, tuyệt vời với tôi. Đó là hành trình mà tôi được học rất nhiều. Tôi đã có thể biết một bức khảm này có từ thời nhà Lý, hay thời nhà Trần, hay ở một thời kỳ lịch sử nào đó. Bởi thế, tôi muốn người xem thấy được bức tranh phong phú về kiến trúc đền chùa cổ, những chi tiết mỹ thuật của khối di sản đồ sộ, cũng như cuộc sống thường nhật ở nơi này. Đó không chỉ làm việc mà còn là một sự thưởng thức”, Nicolas Cornet chia sẻ.

Quảng bá di sản Việt

Nicolas Cornet đến VN lần đầu tiên vào năm 1987 để hỗ trợ công việc cho một người bạn, và gắn bó với VN kể từ đó. Anh cộng tác thường xuyên với các báo và tạp chí lớn của châu Âu như: L’Espresso, Mare, Le Monde, D-La Repubblica, Siette Leguas, El Mundo, Figaro Magazine, Nouvel Observateur, Geo và cũng cộng tác với các đoàn làm phim và truyền hình tư liệu. Nhiều triển lãm của anh được thực hiện tại Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Thái Lan, Indonesia, VN..

Cuốn sách ảnh không chỉ phát hành tại VN, mà còn ở Pháp, và đang được thương thảo để phát hành tại Anh.

Chùa Việt Nam không phải là cuốn sách đầu tiên Nicolas Cornet thực hiện về VN. Trước đó, anh đã thực hiện các cuốn như Vietnam (2004), Vietnam C’est le rêve (2007), Vietnam - Sense of place (2009)… “Tôi đang chuẩn bị cho cuốn sách về ẩm thực VN trong năm tới”, Nicolas Cornet cho hay.

Những cuốn sách của Nicolas Cornet được phát hành tại châu Á và châu Âu. Bằng cách này hay các khác, hình ảnh về đất nước, con người, văn hóa, di sản của VN đã được quảng bá với thế giới với góc nhìn lạ lẫm, háo hức của một người ngoại quốc.

Trong cuộc trò chuyện, Nicolas Cornet thấy buồn và tiếc nuối khi nhắc đến việc có những ngôi chùa, công trình kiến trúc được coi là di sản quốc gia nhưng bị phá hủy, thay mới. “VN có nhiều sự lựa chọn trong việc ứng xử với di sản của mình. Có nhiều ví dụ về việc giữ gìn, bảo vệ di sản ở các nước khác. Các bạn cần rút ra những bài học cho mình”, Nicolas Cornet nói.

Ngọc An

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/chua-viet-ra-the-gioi-1021942.html