Chưa vội mừng?

Sự quan tâm của thị trường và giới đầu tư về quyết định mới đây của Chính phủ cho phép SCIC thoái toàn bộ vốn tại 10 doanh nghiệp lớn, kinh doanh hiệu quả hiện đang 'nóng'. Nhưng có nên...

Sự quan tâm của thị trường và giới đầu tư về quyết định mới đây của Chính phủ cho phép SCIC thoái toàn bộ vốn tại 10 doanh nghiệp lớn, kinh doanh hiệu quả hiện đang “nóng”. Nhưng có nên đặt nhiều kỳ vọng vào việc này?

Giới phân tích tại nhiều công ty chứng khoán cho rằng, đây là điểm nhấn nổi bật nhất về thông tin kinh tế vĩ mô gần đây. Thậm chí có công ty còn đưa ra số tiền dự kiến thu được từ việc thoái vốn nhà nước tại các công ty nói trên lên tới hơn 3 tỷ USD. Trong số này có tới 8/10 doanh nghiệp hiện đang niêm yết trên TTCK và đều là những tên tuổi lớn.

Không quá mới

Nếu so với Quyết định 2344/QĐ-TTg ngày 2/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu SCIC giai đoạn đến 2015, chỉ có FPT Telecom, Vinamilk (VNM) và Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VNR) là những cái tên mới trong danh sách SCIC sẽ thoái vốn được công bố lần này. Những cái tên còn lại như Tập đoàn FPT (FPT), Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), Khoáng sản Hà Giang, Xuất nhập khẩu Sa Giang hay Công ty cổ phần Hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIID) đều nằm trong danh mục 376 doanh nghiệp SCIC sẽ thoái vốn theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó.

Mười năm bán vốn vừa qua của SCIC cũng chưa bằng một khoản thoái vốn tại Vinamilk hay FPT Telecom sắp tới

Theo một cán bộ có kinh nghiệm của SCIC, quyết định của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa rồi xuất phát từ việc phúc đáp công văn của SCIC về việc tổng công ty này rà soát danh mục các doanh nghiệp mà họ cần nắm giữ dài hạn. Theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 18/6/2014, các tổng công ty như SCIC phải rà soát và có báo cáo Chính phủ về việc tái cơ cấu danh mục đầu tư, trong đó đề xuất lý do giữ và thoái vốn tại các doanh nghiệp căn cứ theo Quyết định này.

Câu chuyện được quan tâm nhiều, một phần bởi có gắn với VNM. Đây là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên TTCK Việt Nam, bởi đó không chỉ là doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam mà còn thuộc top đầu của châu lục. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp này trong nhiều năm qua luôn đạt 49%, mức tối đa cho phép (room). Mỗi lần tỷ lệ này giảm do doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động, nhà đầu tư nước ngoài lập tức mua vào để lấp kín room chỉ trong vài phút của phiên giao dịch hở room. Tại các diễn đàn đối thoại với Chính phủ như Diễn đàn Doanh nghiệp, VNM luôn được nhắc đến như một doanh nghiệp lý tưởng để bỏ vốn đầu tư. Mối quan hệ giữa VNM và SCIC cũng là chủ đề nóng trong mùa đại hội cổ đông, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước nên thoái vốn tại đây đã được đưa ra. Nay Chính phủ đã bật đèn xanh cho việc này, kèm theo yêu cầu SCIC phải chọn thời điểm thích hợp.

Câu chuyện còn nóng hơn bởi trong danh sách SCIC thoái vốn, có tới 8 doanh nghiệp hiện đang niêm yết trên TTCK và đều là những tên tuổi lớn như: BMP, NTP, FPT, VNR, Bảo Minh, Sa Giang và Khoáng sản Hà Giang. Hai doanh nghiệp khác chưa niêm yết nhưng kinh doanh rất hiệu quả là FPT Telecom và VIID. Trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ròng với khối lượng lớn trong 3 tháng gần đây, động thái công bố thoái vốn nói trên của Chính phủ được coi như một bữa tiệc thịnh soạn sắp mở ra, và giới đầu tư hân hoan đón chào, dự đoán về chuỗi ngày tích cực tới đây của thị trường.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, đây không phải là quyết sách mới hay bước đột phá trong tiến trình tái cơ cấu của SCIC. Do đó, kỳ vọng về một bước ngoặt của thị trường trong ngắn hạn e còn quá sớm. Nhìn lại quãng thời gian hơn 1 năm kể từ khi Quyết định 2344/QĐ-TTg được ban hành, để xem SCIC đã thoái được toàn bộ vốn tại doanh nghiệp nào trong số 10 doanh nghiệp (trừ VNM, FPT Telecom và VNR) sẽ thấy từ chính sách đến thực tế không dễ thực hiện. Chưa kể, theo nhận xét của nhiều chuyên gia, thị trường thời điểm này cũng không thật sự lý tưởng cho việc thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn, kinh doanh hiệu quả nói trên.

Trông chờ sự chủ động của SCIC

Trả lời giới truyền thông, ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC cho biết, việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ phải theo lộ trình và cần phải rất cẩn trọng. Hiện nay với các doanh nghiệp đang niêm yết, có thể thoái vốn theo hình thức thỏa thuận trong biên độ hoặc thỏa thuận ngoài sàn. Bán cả lô lớn thì việc thỏa thuận ngoài sàn sẽ có lợi hơn (không bị khống chế biên độ giá), đồng thời có thể tiến hành chào bán cạnh tranh (nhiều nhà đầu tư có thể tham gia, nhà đầu tư trả giá cao nhất sẽ trúng giá). Với các doanh nghiệp chưa niêm yết, có thể thực hiện đấu giá trọn lô hoặc đấu giá một phần.

Do đây là những doanh nghiệp quan trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm nên chắc chắn SCIC sẽ phải thực hiện bán một cách minh bạch, đúng quy định, hướng đến việc đạt lợi ích cao nhất cho Nhà nước. Vậy việc bán vốn này có đơn giản hay không? Để đạt hiệu quả cao nhất, dễ thấy không thể thiếu vắng các nhà đầu tư ngoại, những tổ chức và cá nhân đang khao khát tăng tỷ lệ sở hữu hoặc đầu tư mới vào các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp như VNM, FPT, BMP… đều đã kín room. Bởi vậy, nếu muốn nhà đầu tư nước ngoài tham gia, sẽ phải nới room. Với các quyết định gần đây của Chính phủ, việc nới room đã được “đá” sang chân doanh nghiệp, nói đúng hơn chính là các cổ đông lớn của doanh nghiệp, trong đó có SCIC. Hơn 3 tháng quy định về nới room có hiệu lực, các doanh nghiệp như FPT và VNM vẫn đang rối bời trong việc có nới room được hay không, vì còn chờ quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và vô số thủ tục phức tạp khác. Nếu không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia trong các đợt thoái vốn khổng lồ của SCIC, liệu nhà đầu tư trong nước có đủ nguồn lực chuyên môn và tài chính để trở thành nhà đầu tư chiến lược của những doanh nghiệp dẫn đầu? E là rất khó!

Vấn đề thứ hai là việc tiền thu được từ thoái vốn sẽ được sử dụng như thế nào? Theo quy định hiện hành, vốn Nhà nước đã bàn giao cho SCIC thì sẽ được để lại tại SCIC để tái đầu tư. Nhưng hiện SCIC không thiếu tiền đầu tư, trái lại còn bị thị trường than phiền là đầu tư quá thận trọng và giải ngân thấp, chưa tương xứng với nguồn lực tài chính và vị thế nhà đầu tư Chính phủ. Trong 10 năm qua, SCIC mới đầu tư 17.900 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án đầu tư theo chỉ định của Chính phủ. Trong khi đó tổng tài sản của siêu tổng công ty này lên tới 78.000 tỷ đồng (ước tính năm 2015). Vậy nếu thoái vốn cấp tập để thu về trên 3 tỷ USD, SCIC sẽ làm gì? Số tiền đó sẽ được sử dụng như thế nào để đạt hiệu quả cao hơn hiệu quả thu được từ việc nắm giữ cổ phần của VNM, FPT Telecom, BMP… Nếu chưa có đề án cho việc này, chắc chắn SCIC chưa thể thoái vốn.

Kể từ khi thành lập cho đến ngày 30/9/2015, SCIC đã bán vốn tại 811 doanh nghiệp, trong đó bán hết vốn Nhà nước ở 733 doanh nghiệp, bán bớt vốn tại 78 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp. Doanh thu bán vốn đạt 9.243 tỷ đồng, giá vốn đạt 3.925 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, 10 năm bán vốn của SCIC cũng chưa bằng một khoản thoái vốn tại VNM hay FPT Telecom. Rõ ràng, SCIC phải tập trung bán vốn tại các doanh nghiệp nhỏ, hoạt động kém hiệu quả để hạn chế thất thoát hay mất vốn Nhà nước, thay vì vội bán vốn tại các doanh nghiệp lớn trên.

Theo các đề án đã được phê duyệt, SCIC sẽ có vốn điều lệ 50.000 tỷ đồng, tăng 20.000 tỷ đồng so với hiện nay. Như vậy càng thấy rõ rằng, để thực hiện được quá trình thoái vốn tại các doanh nghiệp trên phải có một đề án chi tiết, vì một trong những địa chỉ giải ngân tiền thu được từ bán vốn tại các doanh nghiệp là để bổ sung vốn điều lệ cho SCIC.

Đó là chưa kể, với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu ngành và đang làm ăn hiệu quả, cơ cấu cổ đông để đảm bảo sức mạnh tài chính chỉ là một khía cạnh, quan trọng hơn còn là những vấn đề liên quan đến thị trường, thương hiệu Việt và cả chính sách bình ổn giá các mặt hàng quan trọng…

Trước khi Quyết định cho phép thoái vốn được ban hành, trong một cuộc trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhận được một câu hỏi đề nghị cho biết quan điểm cá nhân về việc liệu Nhà nước có nên thoái vốn tại VNM. Không trả lời trực tiếp câu hỏi về việc nên hay không, song ông Tiến nhận định, tuy sữa không phải là ngành độc quyền mà Nhà nước cần đầu tư và các nhà đầu tư tư nhân có thể tham gia làm tốt, nhưng khi giữ lại phần vốn lớn tại VNM, cùng với những doanh nghiệp Việt Nam khác như TH true Milk, Nhà nước có thể có đối trọng với các tập đoàn sữa nước ngoài và có công cụ để tham gia điều tiết giá, ổn định thị trường trong nước theo hướng có lợi cho người tiêu dùng, ý kiến của ông Tiến được không ít người đồng tình.

Tại 2 doanh nghiệp nhựa hàng đầu cả nước là Bình Minh và Nhựa Tiền Phong, ngoài cổ đông lớn nhất là SCIC, cổ đông có quyền lực thứ hai là Nawaplastic (thuộc tập đoàn SCG của Thái Lan). Khi đối tác Thái Lan bỏ vốn mua cổ phần tại 2 doanh nghiệp trên với mức tối đa có thể, họ không giấu diếm kế hoạch sẽ tăng tỷ lệ sở hữu lên mức cao nhất cho phép (khi đó Chính phủ chưa có quyết định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài ). Ở thời điểm đó, cũng đã có những lo ngại về việc ngành nhựa sẽ rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài nếu BMP và NTP do họ chi phối và có thể sáp nhập lại.

Rõ ràng là, mặc dù đã được Chính phủ bật đèn xanh, nhưng việc thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn là không hề đơn giản, đặc biệt là đối với SCIC.

Phương Linh

Doanh Nhân

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/chua-voi-mung/