Chưa xây dựng được Chính phủ điện tử thì khó áp dụng làm việc tại nhà

Đối với công nghệ quản lý còn lạc hậu như hiện nay và ý thức làm việc tự giác của công chức, viên chức Việt Nam còn chưa cao thì việc để họ đăng ký làm việc tại nhà là chuyện xa vời.

Ông Lê Hoài Trung, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM

Đó là ý kiến của ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM khi nói về “Đề xuất thí điểm cho cán bộ làm việc ở nhà, đến cơ quan 1-2 ngày/tuần”. Ông Trung phân tích, thực ra, làm việc tại nhà là một hình thức không mới, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng việc này nhiều năm. “Các quốc gia tiên tiến đã xây dựng được Chính phủ điện tử và thông qua công nghệ thông tin, họ có thể kiểm soát được nhiều yếu tố như sản phẩm, công việc của cán bộ, đánh giá được chất lượng, hiệu quả công việc, cho nên đối với các quốc gia tiên tiến, đây là phương thức làm việc hết sức năng suất, hiệu quả”, ông Trung nói.

Ở Nhật, người ta đánh giá, làm việc tại nhà sẽ có năng suất lao động cao hơn ở cơ quan, có khi là gần gấp đôi bởi lẽ làm việc tại nhà sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho cơ quan, hạn chế mọi người di chuyển, tránh gây ô nhiễm và ùn tắc giao thông.

Song theo ông Trung, công chức của các nước tiên tiến có tính tự giác rất cao. Mối quan hệ quản lý từ lãnh đạo đến nhân viên rất chặt, cho nên họ khuyến khích đăng ký làm việc tại nhà. “Còn ở Việt Nam, tôi cho rằng chúng ta chưa đạt được những điều mà các nước tiên tiến đang làm. Hiện nay, đánh giá hiệu quả công chức, nước ta chưa có định lượng cụ thể cho nên công chức Việt Nam làm việc tại nhà sẽ rất khó kiểm soát”, ông Trung thẳng thắn.

Hiện nay, nhiều cơ quan đơn vị ở Việt Nam trong đó có TPHCM, mặc dù công nghệ thông tin cũng được từng bước phát triển nhưng mô hình làm việc tại nhà vẫn được xem là mới ở nước ta. Một mặt là do các cơ quan đơn vị vẫn đang loay hoay trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý công chức, viên chức.

Ông Trung cho rằng, nếu có áp dụng đăng ký làm việc tại nhà thì chúng ta chỉ có thể áp dụng ở một số lĩnh vực có môi trường làm việc hiện đại như ban quản lý công nghệ cao, các sở thông tin truyền thông... vì họ có công cụ để quản lý các sản phẩm đầu ra cũng như chất lượng làm việc của công chức.

Còn nếu muốn áp dụng hình thức đăng ký làm việc tại nhà thì chúng ta còn phải mất rất lâu nữa, có thể là lên tới hàng chục năm. “Chỉ khi chúng ta xây dựng được Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử thì mới có thể áp dụng được đăng ký làm việc tại nhà”, ông Trung nói.

Ngày 14.11, thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu đề xuất giải pháp thí điểm cho cán bộ, công chức, viên chức ở một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà mà không phải đến cơ quan.

Dung Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/chua-xay-dung-duoc-chinh-phu-dien-tu-thi-kho-ap-dung-lam-viec-tai-nha-576478.ldo