Chua xót chuyện bạo lực 'núp bóng'... yêu thương

Có thực tế là ở nhiều gia đình, việc sử dụng những hành vi bạo lực dạy con vẫn được xem là chuyện bình thường. Thậm chí nhiều ông bố, bà mẹ còn nghĩ 'thương phải cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi'.

Đánh chửi con vì… ăn

8 giờ tối, chị Nguyễn Thị Nhung ở chung cư Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn mải miết đuổi theo cậu con trai 4 tuổi để đút cơm. Trong khi người mẹ hết nịnh nọt đến gào thét, quát mắng ép đứa con ăn cơm thì cậu bé lại càng gào thét, khóc lóc, nước mắt nước mũi giàn giụa...

“Bực lắm, tối nào tôi cũng phải ép con ăn cơm, chạy hết nhà này tới nhà khác nhưng nó có ăn cho đâu. Lúc nào cũng kêu no rồi, nhưng cô nhìn xem người nó bé như cái kẹo, không ăn làm sao mà lớn” – chị Nhung phàn nàn.

Nhìn bát tô cơm to, có lẽ bằng hai người lớn ăn mới thấy hết sự ngao ngán của cậu con. Chị Nhung vẫn kiên định, cho rằng con phải ăn nhiều như thế này mới hết còi được.

Nhiều trẻ em bị bạo hành ngay trong chính gia đình của mình, bởi sự thiếu hiểu biết của bố mẹ (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Không chịu áp lực tinh thần khi bị ép ăn uống như con chị Nhung nhưng cô con gái 9 tuổi của nhà anh Tống Văn N (37 tuổi, cùng khu chung cư) lại luôn phải chịu hành vi bạo lực thể xác khi không làm bài tập, hay quên học bài. “Cả 2 anh em chúng em thường hay bị bố la mắng. Mỗi lần anh trai em làm sai việc gì đó là bố lại đánh mấy phát vào mông, thậm chí có hôm còn trừng phạt anh bằng cách bắt anh vào phòng ngủ tắt điện ngồi suy nghĩ, hoặc đánh đòn anh. Em rất sợ việc đó” – em Tống Ngọc L chia sẻ.

L cũng chia sẻ thêm, em thường xuyên bị bố mẹ la là học kém, thua bạn bè, mải chơi không chăm chỉ. “Nhiều khi sự chỉ trích của bố mẹ khiến em cảm thấy rất tự ti, chán nản” - L nói.

“Bóng ma” tuổi thơ

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (Trung tâm tư vấn An Việt Sơn, Hà Nội), những sự việc đáng buồn, thậm chí đau lòng như vậy không phải là hiếm trong đời sống hiện nay. Khi con cái mắc lỗi, một số bậc cha mẹ chưa lắng nghe con trình bày nguyên nhân mà vội vàng dùng bạo lực (cả về thể chất lẫn tinh thần) để xử lý con. “Phải nhớ rằng bố mẹ khiến con tâm phục, khẩu phục khó hơn nhiều việc làm cho chúng sợ hãi rồi răm rắp nghe lời. Dạy con bằng đòn roi lâu dần sẽ sinh ra tâm lý chống đối hoặc trẻ cố tình nói dối, che giấu tội lỗi để không bị phạt. Ngoài ra những lời lẽ xúc phạm, đôi khi chỉ là vô tình từ bố mẹ khiến trẻ cảm thấy tổn thương lòng tự trọng, đặc biệt dễ phát triển lệch lạc và ưa bạo lực khi trưởng thành” – ông Chất chia sẻ.

Cha mẹ cần phải nâng cao nhận thức, đặc biệt cần được giáo dục để hiểu quyền, nghĩa vụ của trẻ em. Trẻ em có quyền được lắng nghe, tôn trọng, chăm sóc… để phát triển. Cha mẹ không thể ngụy biện “vì sự phát triển tốt nhất của con” để áp dụng hình thức dạy con bạo lực, thô bạo”.

Bà Ngô Thị Ngọc Anh

Theo chuyên gia Nguyễn An Chất, khi con mắc lỗi, cha mẹ phải giữ bình tĩnh, không đánh mắng con trong lúc đang nóng giận. Lúc này phụ huynh khó kiểm soát được cảm xúc và chính sự nóng nảy của phụ huynh làm trẻ có những phản ứng tiêu cực.

Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng thì cho rằng, câu chuyện “bạo lực núp bóng yêu thương” diễn ra khá thường xuyên trong các gia đình hiện đại. Nhiều khi nó diễn ra với tần suất nhiều khiến cha mẹ nghĩ đó là việc bình thường. Không một ai nghĩ việc con làm sai, học kém, mình mắng chửi hay đánh, tát con… dù chỉ một cái, lại là vấn đề lớn. Vẫn còn khá nhiều cha mẹ thích áp đặt quan điểm, lối sống của mình cho con nhỏ.

“Thực tế, nhận thức của trẻ cho thấy điều ngược lại. Trẻ con khi bị đánh mắng nhiều sẽ trở nên vô cảm. Hoặc là trẻ không còn biết sợ, hoặc là trở nên cực kỳ khủng hoảng (với những bé có thần kinh yếu), do vậy thường xảy ra tác dụng ngược so với mong muốn của cha mẹ. Có thể khi đánh con cha mẹ nghĩ thương con muốn dạy bảo để con tốt hơn nhưng chúng lại nghĩ khác hoàn toàn. Phần đông chúng đều bị tổn thương nghĩ cha mẹ không yêu quý mình” – bà Ngọc Anh nói.

Cũng theo bà Ngọc Anh, có không ít những câu chuyện khá đau lòng đã xảy ra khi cha mẹ mắng chửi, ép con học hành lấy thành tích. Kết quả là đứa trẻ đó bị stress tinh thần, thậm chí có em bỏ nhà đi bụi, có em tự tử...

Nguyệt Tạ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/chua-xot-chuyen-bao-luc-nup-bong-yeu-thuong-927741.html