Chua xót thay, cán bộ đã bị kỷ luật, nhưng… rừng vẫn cứ mất

Mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã gửi tâm thư đến lực lượng kiểm lâm và các ban quản lý rừng của tỉnh với mong muốn 'hãy vì lương tâm và lòng tự trọng cao nhất của một người lãnh đạo' mà sẵn sàng đối mặt với lâm tặc, 'đối mặt với chính mình'.

Trong thư, ông Thanh viết: “Được phân công theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực này, gần 3 năm qua, tôi đã có nhiều dịp cùng các đồng chí vượt dốc, băng rừng, lội suối để kiểm tra rừng, hạnh phúc với những cánh rừng già nguyên sinh còn xanh thẫm của Trường Sơn; trăn trở với những cây rừng mới trồng bị nắng chói, mưa dầm, dây leo, khó bề sinh trưởng; đau xót với những thân cây bị lâm tặc chặt gãy, nhựa còn ứa ra như rỉ máu. Thế nhưng, lâm tặc tung hoành trong thời gian dài, cả cánh rừng bị phá nham nhở, hàng chục gốc cây cổ thụ quý hiếm gục ngã…, người dân địa phương đều biết mà các đồng chí lại không biết...”.

Thực trạng trên không chỉ riêng tại tỉnh Quảng Nam mà nó còn là một vấn nạn lớn đang tồn tại trên nhiều tỉnh thành miền Trung thời gian gần đây.

Chua xót thay, cán bộ đã bị kỷ luật, nhưng… rừng vẫn cứ mất.

Mới đây, ông Nguyễn Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã ký báo cáo trình UBND tỉnh này việc mất 240ha rừng trồng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai.

Theo hồ sơ, Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai đã trồng cả trăm hecta rừng phòng hộ trong các năm 2002, 2003, 2004 và 2005… Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, rừng trồng trong những năm này, diện tích ngày càng bị thu hẹp và mất sạch.

Tại Khánh Hòa, một nhóm “người lạ” đua nhau “cạo” núi rừng chiếm đất. Tình trạng chặt phá cây cối ở các khu vực Hòn Trì, Hòn Ngang, Hòn Mới, Hòn Đỏ… (vịnh Vân Phong) diễn ra trong một thời gian dài mà những chỉ thị của UBND tỉnh Khánh Hòa trước đó về tăng cường quản lý đất đai ở huyện Vạn Ninh (đặc biệt là tại các khu vực dự kiến hình thành Đặc khu Kinh tế - hành chính Bắc Vân Phong) vẫn chưa đủ sức răn đe, núi non ở xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) vẫn đang bị “bức tử” với tầm mức chưa từng có từ trước tới nay.

Tại Quảng Nam, sau một thời gian xác lập chuyên án, ngày 15.3, Công an huyện Nam Giang bắt quả tang nhiều đối tượng trong vụ phá rừng lim trăm tuổi xảy ra tại địa bàn.

Phải mất bao nhiêu năm để có một cánh rừng với những gốc cây to đến 2, 3 người ôm. 5 năm, 10 năm... hay thậm chí còn lâu hơn thế? Hỡi những người trực tiếp gắn bó với núi rừng, hãy lắng nghe "tiếng khóc thở than" của mẹ thiên nhiên mà sống có trách nhiệm hơn!

Văn Định

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/chua-xot-thay-can-bo-da-bi-ky-luat-nhung-rung-van-cu-mat-601270.ldo