Chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 280 năm thành lập 'Khố trường Bả Canh' (1741 - 2021)

ĐTO - Chiều ngày 5/6, UBND TP.Cao Lãnh tổ chức hội thảo chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 280 năm thành lập “Khố trường Bả Canh” (1741 - 2021). Tham dự hội thảo có lãnh đạo Thành ủy, UBND, các phòng chuyên môn TP.Cao Lãnh cùng Hội Khoa học lịch sử (KHLS) tỉnh và các cơ quan truyền thông, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh...

Ông Lê Minh Trung – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh phát biểu tại hội thảo

Ông Lê Minh Trung – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh phát biểu tại hội thảo

Chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 280 năm thành lập “Khố trường Bả Canh” (1741 - 2021), ông Lê Minh Trung - Chủ tịch Hội KHLS tỉnh đề nghị UBND TP.Cao Lãnh phối hợp và triển khai thực hiện một số hoạt động như: trùng tu, tôn tạo Văn thánh miếu Cao Lãnh; trùng tu bệ, mái che Bia Tiền hiền Nguyễn Tú, dựng bia trong khuôn viên Bia Tiền hiền Nguyễn Tú tái hiện lại công cuộc khai hoang, lập làng của ông cha vùng đất Cao Lãnh; triển lãm ảnh tư liệu 280 năm từ Khố trường Bả Canh đến TP.Cao Lãnh, phát hành sách ảnh “Dấu xưa Cao Lãnh”; tổ chức hội thảo “280 năm từ Khố trường Bả Canh đến TP.Cao Lãnh”;...

Ông Võ Phan Thành Minh - Chủ tịch UBND TP.Cao Lãnh thống nhất với đề nghị của Hội KHLS tỉnh và sẽ chỉ đạo các ban, ngành thành phố bàn bạc, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để sớm triển khai thực hiện. Đồng thời mong muốn Hội KHLS tỉnh phối hợp với UBND thành phố để thực hiện tốt các hoạt động kỷ niệm 280 năm thành lập “Khố trường Bả Canh” (1741 - 2021).

Các hoạt động kỷ niệm 280 năm thành lập “Khố trường Bả Canh” (1741 - 2021) nhằm đánh dấu thành quả công cuộc khẩn hoang và xác lập chủ quyền lãnh thổ của người Việt trên vùng đất Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh ngày nay. Đồng thời, đây còn là dịp để giới thiệu và quảng bá về vùng đất và con người TP.Cao Lãnh.

Theo Hội KHLS tỉnh, năm 1698, chúa Nguyễn sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý đất Đồng Nai, Gia Định (Nam bộ ngày nay) lập ra 2 dinh: Trấn Biên (Biên Hòa) và Phiên Trấn (Gia Định). Đối với những người dân cư ngụ liền lạc thì thành lập xã, thôn, tổng. Còn những nơi đã khai khẩn nhưng dân cư còn rời rạc, sống theo từng xóm, từng xứ thì lập khố trường (đơn vị có nhiệm vụ quản lý ruộng đất và thu thuế). Đến năm 1741, toàn Nam kỳ lập được 9 khố trường, trong đó có Bả Canh.

Lúc bấy giờ, nhiều lưu dân quê ở Bả Canh (xã Đập Đá, An Nhơn, Bình Định) vào khai hoang, cư ngụ ở hai bên sông Cái Sao Thượng (nay thuộc Phường 1, Phường 2 và phường Mỹ Phú, TP.Cao Lãnh) gọi là xóm Bả Canh. Chúa Nguyễn quy định khố trường đặt ở đâu lấy tên xóm đó làm tên, nên khố trường này có tên là Bả Canh. Sự kiện này đánh dấu thành quả của công cuộc khai khẩn đầy khó khăn của lưu dân người Việt trên vùng đất mới - mà tiêu biểu là Tiền hiền Nguyễn Tú, khởi đầu cho sự phát triển vùng đất Cao Lãnh nói chung và TP.Cao Lãnh nói riêng.

M.X

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/van-hoa/chuan-bi-cac-hoat-dong-ky-niem-280-nam-thanh-lap-kho-truong-ba-canh-1741-2021--91465.aspx